Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Trà Vinh, hiện đàn bò của tỉnh khoảng 220.759 con.
Trong này, có 17 trang trại nuôi bò quy mô vừa, tổng đàn 1.334 con; 891 trang trại chăn nuôi bò quy mô nhỏ, tổng đàn 11.339 con (chiếm 5,1% tổng đàn), các trang trại tập trung nhiều ở các huyện Trà Cú, Châu Thành, Cầu Ngang và Tiểu Cần; còn lại hơn 94% tổng đàn là nuôi theo hình thức nhỏ, lẻ. Nhằm ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh, ngành chuyên môn phấn đấu tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò đạt trên 90%/tổng đàn trong diện tiêm…
Do đa số hộ nuôi bò ở các địa phương trong tỉnh theo hình thức nhỏ lẻ theo hộ, từ đó công tác tiêm phòng vắc-xin gặp nhiều khó khăn. Với quyết tâm không để dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò bộc phát, gây thiệt hại lớn về kinh tế; ngay từ khi phát hiện bệnh, công tác dập dịch đã được khẩn trương triển khai đồng bộ.
Nông dân Đinh Văn Cường đã tiêm phòng vắc-xin viêm da nổi cục cho đàn bò nuôi.
Theo ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Trà Vinh: đối với lực lượng thú y viên là viên chức đang công tác tại các xã, phường, thị trấn rất mỏng, không đủ để đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc-xin với tổng đàn bò quá lớn như hiện nay. Nhằm khống chế dịch bệnh, ổn định sản xuất sớm nhất cho người nuôi, Sở đã huy động lực lượng trong lĩnh vực làm nghề thú y, như nhân viên cửa hàng kinh doanh thuốc thú y và dịch vụ thú y; sinh viên ngành Chăn nuôi của Trường Đại học Trà Vinh cùng lực lượng ngành trực thuộc Sở NN-PTNT như Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Khuyến nông tỉnh… cùng tham gia phòng, chống dịch bệnh. Hiện dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò cơ bản đã được kiểm soát và số trâu, bò chết do bệnh gây ra giảm mạnh.
Đến ngày 22/9, có 25 xã đã qua 15 ngày chưa có bò mắc bệnh mới. Được biết, từ ngày 06/8 đến nay, dịch bệnh viêm da nổi cục trên bò đã xảy ra ở 127 ấp, khóm của 41/106 xã, phường, thị trấn trên địa bàn 06/09 huyện, thị xã, thành phố (Trà Cú, Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành, Cầu Kè và thị xã Duyên Hải); tổng số bò mắc bệnh 1.509 con, của 834 hộ, số bò chết và tiêu hủy 83 con (trọng lượng bò tiêu hủy 17,56 tấn).
Đặc biệt, tiến độ tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò đã được đẩy nhanh với sự huy động tham gia của các lực lượng đang có hành nghề thú y ngoài cộng đồng. Các địa phương trong tỉnh đã tiêm phòng được 166.535/202.811 con trong diện tiêm, đạt 82,11% (trong đó, tiêm phòng miễn phí 134.572 con, tiêm phòng xã hội hóa 31.963 con) với 46.422 hộ chăn nuôi. Nhiều địa phương đã cơ bản thực hiện tiêm vượt so với quy định khuyến cáo của ngành chuyên môn (đạt 90% tổng đàn trong diện tiêm), như huyện Trà Cú đạt 95%, huyện Cầu Kè đạt 98% so với tổng đàn trong diện tiêm.
Trao đổi với chúng tôi, bà Sử Thanh Trúc, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cầu Kè, cho biết: trước tình hình bệnh viêm da nổi cục xuất hiện ở trâu, bò tại ấp Cây Gòn, xã Phong Thạnh (02 con bò của 01 hộ) cùng với đó huyện hiện có tổng đàn trâu, bò khá lớn (gần 19.000 con). Trong khi đó, lực lượng viên chức thú y tại huyện ít nên triển khai tiêm vắc-xin ở trâu, bò gặp nhiều khó khăn. Để đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng và khống chế dịch bệnh không để lây lan trên diện rộng, huyện đã phối hợp cùng với chính quyền địa phương để vận động, kêu gọi sự tham gia hỗ trợ từ các nhân viên hiện đang kinh doanh, hoạt động trong lĩnh vực thú y để cùng với ngành chuyên môn tổ chức tiêm phòng vắc-xin cho toàn bộ đàn trâu, bò trong hộ dân một cách nhanh nhất.
Thực hiện phòng, chống dịch thông qua hình thức huy động lực lượng tham gia tiêm phòng cho đàn gia súc, huyện Cầu Kè đã có 40 thành viên ngoài cộng đồng cùng với viên chức thú y của cơ sở tham gia, nên chỉ sau gần 10 ngày triển khai tiêm phòng đã đạt 98% (quy định tỷ lệ 90%/tổng đàn trâu, bò trong diện tiêm). Cùng với hiệu quả trong triển khai tiêm phòng vắc-xin ở trâu, bò; công tác vận động tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò được người nuôi tuân thủ khá tốt, nhất là trong quản lý đàn và kiểm soát việc vận chuyển gia súc ra vào khu vực nuôi luôn được vệ sinh tiêu độc và khử trùng chuồng trại.
Nông dân Đinh Văn Cường, ấp Ô Răng, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang cho biết: hiện nay, các hộ nuôi bò trong ấp rất lo lắng về dịch bệnh này, đàn bò của gia đình vừa được cán bộ thú y xã đến hỗ trợ tiêm vắc-xin viêm da nổi cục cho 03 con bò và còn thực hiện phun thuốc sát trùng khu vực chăn nuôi. Gia đình rất an tâm khi thấy đàn bò được tiêm vắc-xin phòng bệnh và mong dịch bệnh sớm hết để người chăn nuôi thuận lợi trong việc vận chuyển, mua bán bò. Vì hiện nay, giá bò giảm mạnh do không xuất bán được vì trong thời gian tỉnh công bố dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò.
Bài, ảnh: Hữu Huệ
Nguồn: Báo Trà Vinh