Toàn cầu hóa sản xuất gia cầm: Xu hướng và thách thức mới

(Người Chăn Nuôi) – Ngành gia cầm đã đạt những thành công đáng kể ở phạm vi toàn cầu, khu vực và từng quốc gia riêng lẻ cùng với triển vọng “sáng”, bất chấp những thách thức cũ và mới cùng tồn tại.

“Nút thắt” nguồn lao động 

Tại Hội nghị thường niên của Hội đồng Gia cầm toàn cầu (IPC) diễn ra tại Buenos Aires, Argentina vào tháng 5 vừa qua, hơn 100 chuyên gia đã cùng nhau chia sẻ về những khó khăn mà ngành gia cầm đang phải đối mặt cũng như một số giải pháp khắc phục tối ưu. 

Nhiều chuyên gia nhận định rằng phần lớn ngành gia cầm trên phạm vi toàn cầu đang gặp nhiều trở ngại trong quá trình thu hút và giữ chân người lao động.

Đại đa số chuyên gia nhận định rằng nguyên nhân cản trở khâu tuyển dụng và thu hút lao động cho ngành gia cầm do thế hệ người trẻ tuổi không còn “mặn mà” với lĩnh vực này, trong khi họ lại chính là những nhân tố quan trọng để ngành gia cầm tiếp tục phát triển. 

Mức lương cao hơn không phải là câu trả lời cho mọi tình huống khi người lao động đã không còn nhiệt huyết và yêu thích công việc. Do đó, ngành gia cầm buộc phải thay đổi để trở nên “hấp dẫn” hơn thông qua chia sẻ rộng rãi về đặc thù nổi trội, chẳng hạn cách thức chăn nuôi thân thiện với môi trường, nguồn thực phẩm bền vững cho thế giới để khơi dậy sự quan tâm và tạo sức hút đối với người lao động. 

Cơ hội Halal

Tại IPC 2024, Tamer Mansour, Tổng Thư ký kiêm Giám đốc điều hành Phòng thương mại Ả Rập – Brazil chia sẻ: Nền kinh tế Hồi giáo đang phát triển mạnh mẽ hơn các nơi còn lại của thế giới, nhưng bất kỳ ai muốn bán hàng vào đó đều phải vượt qua được các yêu cầu trong chứng nhận Halal. 

Quy mô nền kinh tế Hồi giáo dự kiến tăng trưởng 45% từ năm 2022 đến năm 2027 và thị trường thực phẩm sẽ tăng trưởng giá trị 6,1% trong giai đoạn này. Tiềm năng nhu cầu to lớn nhưng thâm nhập vào thị trường Hồi giáo không phải lúc nào cũng dễ dàng bởi mỗi quốc gia lại có một tiêu chuẩn Halal khác nhau, gây rối loạn và nhầm lẫn cho các nhà xuất khẩu. Để đạt được và duy trì chứng nhận Halal, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ phải mất một khoản phí không nhỏ. Ngoài ra, cách thức phát triển tại những thị trường Hồi giáo khác nhau cũng rất đa dạng. Ví dụ, Ả Rập Saudi vừa sản xuất, vừa tiêu thụ thịt gà. Do đó, quốc gia này đang nhập khẩu và chế biến lại thịt gia cầm để tái xuất khẩu dưới dạng giá trị gia tăng. 

Ông Mansour cho biết thêm, các quốc gia đứng đầu về tiêu thụ thịt gia cầm Halal là Indonesia, Pakistan, Ả Rập Saudi, Bangladesh và Iran trong khi nước nhập khẩu lớn nhất là Ả Rập Saudi. Các nước có quy mô sản xuất thịt gia cầm Halal lớn nhất bao gồm Brazil, Indonesia, Pakistan, Mỹ và Ả Rập Saudi. 

Toàn cầu hóa sản xuất gia cầm

Một số quốc gia Hồi giáo hạn chế nhập khẩu hơn, đặc biệt nếu họ có sản phẩm nội địa. Nhưng do chi phí sản xuất cao nên tỷ lệ các quốc gia tự túc nguồn cung thực phẩm Halal cũng rất ít. Do đó, liên doanh có thể là một giải pháp thay thể để các doanh nghiệp nước ngoài thâm nhập vào thị trường Halal, Masour gợi ý. 

Xu hướng tương lai 

Ricardo Santin, Chủ tịch ICP cho rằng, cần phải nâng cao vị thế của ngành gia cầm trở thành lĩnh vực sản xuất thực phẩm chủ chốt, tiến tới mở rộng đối tượng người tiêu dùng trên phạm vi toàn cầu.

Từ năm 2019, IPC đã đưa ra Khung chiến lược bao gồm các cam kết như nâng cao nhận thức về tính bền vững, nâng cao sức khỏe và phúc lợi động vật, bảo vệ an toàn thực phẩm và điều chỉnh các tiêu chuẩn quốc tế trong quy tắc hoạt động nhằm tạo thuận lợi thương mại. 

thị trường gia cầm toàn cầu

Một trong những thành công mà IPC đã đạt được trong hành trình 5 năm là nâng cao vị thế của sản phẩm gia cầm trong ngành thịt nói chung, và thúc đẩy việc soạn thảo cũng như thực hiện các tiêu chuẩn thương mại toàn cầu, tăng cường nhận thức về tính bền vững, phúc lợi, sức khỏe động vật, bao gồm tham gia vào sáng kiến TRANSFORM để làm chậm sự gia tăng tình trạng kháng kháng sinh. 

Nan-Dirk Mulder, chuyên gia phân tích cấp cao ngành hàng protein động vật tại Rabobank nhận định, tốc độ tăng trưởng của ngành gia cầm toàn cầu sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2025 với điều kiện các doanh nghiệp phải đổi mới tư duy sản xuất. 

Theo Nan-Dirk Mulder, giá thức ăn chăn nuôi thấp hơn khiến giá thịt gà phù hợp với túi tiền người tiêu dùng. Cùng đó, nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm toàn thế giới đang phục hồi, nhất là các kênh dịch vụ ẩm thực với dòng sản phẩm cao cấp. Tuy nhiên, sự phục hồi này sẽ khác nhau tùy theo từng khu vực. Ông dự đoán, 95% mức tăng trưởng toàn cầu về tiêu thụ protein động vật vào đầu năm 2030 sẽ đến từ các thị trường mới nổi. 

Tuy nhiên, nguồn lực toàn cầu có hạn, và điều này sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất tập trung hơn vào tính hiệu quả, năng suất, bền vững và đổi mới. Ngoài ra, những quan điểm mới về thực phẩm cũng sẽ xuất hiện, ví dụ nâng tỷ lệ “xanh hóa” cao hơn trong sản sản xuất, hoặc tập trung vào quy mô công nghiệp nhiều hơn. Các kênh phân phối thực phẩm trực tuyến ngày càng mở rộng hơn, và ngành gia cầm sẽ nhanh chóng gia nhập toàn cầu hóa, liên kết dọc và vận hành theo định hướng thị trường. 

➢ Nan-Dirk Mulder, chuyên gia phân tích cấp cao ngành hàng protein động vật tại Rabobank nhận định, tốc độ tăng trưởng của ngành gia cầm toàn cầu sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2025 với điều kiện các doanh nghiệp phải đổi mới tư duy sản xuất.

Tuấn Minh

Theo Worldpoultry

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *