(Người Chăn Nuôi) – Đây là nội dung chính của buổi Hội thảo trực tuyến do Olmix Việt Nam tổ chức sáng 10/9. Ba diễn giả tại buổi Hội thảo là bà Trần Đặng Phương Vy, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Kantar; Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam; Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc De Heus khu vực châu Á.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Trịnh Quang Thanh cho biết, COVID-19 ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Việt Nam, ngành chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp và người chăn nuôi, giá thành sản xuất giảm mạnh, giá nguyên liệu đầu vào tăng… Trước những khó khăn trên, doanh nghiệp cần giữ vững niềm tin, chủ động có những biện pháp hiệu quả. Olmix luôn mong muốn đồng hành với quý khách hàng để vượt khó khăn cùng phát triển ngành chăn nuôi Việt Nam.
Bà Trần Đặng Phương Vy, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Kantar cho biết, trong nửa đầu năm 2021, GPD, xuất nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục phục hồi, trong khi chỉ số CPI và doanh thu bán lử hàng tiêu dùng duy trì ở mức thấp. Ở chiều ngược lại, hoạt động kinh doanh và đầu tư nước ngoài vẫn chịu tác động của đại dịch đang diễn ra. Làn sóng dịch bệnh mới bắt đầu từ tháng 5 đặt ra nhiều rủi ro và thách thức đối với toàn bộ nền kinh tế trong nửa cuối năm 2021. Xu hướng ngành thực phẩm đóng gói năm 2020 – 2021: Sự khác biệt trong suy nghĩ người tiêu dùng; Tiêu dùng tại nhà nhiều hơn; Các kênh mua sắm hiện đại phát triển mạnh mẽ; Chú trọng hơn về sức khỏe và khả năng miễn dịch; Sự chuyển dịch sang những sản phẩm thiết yếu. Vì vậy theo bà Vy, xu hướng tiêu dùng dự đoán trong năm 2021 – 2022 sẽ là: Giỏ hàng lớn hơn thay thế các chuyến đi mua sắm (tỷ lệ thuyết phục khách hàng chọn mua sản phẩm cần được chú trọng); Người tiêu sùng sẽ tiếp tục “hợp lý hóa” chi tiêu (nắm rõ vai trò cũng như khả năng của từng ngành hàng trong việc định giá); Mong muốn về cuộc sống vui khỏe sẽ ngày càng tăng (hiểu rõ ý nghĩa của khía cạnh này trong từng sản phẩm sẽ là chìa khoá thành công); Người tiêu dùng sẽ mua hàng có mục đích hơn (Save and Safer cho môi trường và gia đình sẽ là những thông điệp cần chú trọng trong các hoạt động truyền thông và xây dựng thương hiệu); Người tiêu dùng khao khát một cuộc sống ít căng thẳng hơn (họ tìm kiến sự thoải mái và dễ chịu hơn cho cuộc sống tại nhà).
Một số giải pháp giảm chi phí sản xuất trong chăn nuôi và bình ổn giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) tại Việt Nam trong bối cảnh COVID-19 là nội dung trình bày của ông Nguyễn Xuân Dương (ảnh dưới), Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam. Ông Dương cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, chăn nuôi tăng ở tất cả các nhóm vật nuôi so cùng kỳ năm 2020. Giá thành các sản phẩm chăn nuôi Việt Nam thuộc nhóm trung bình của khu vực, cao hơn các nước có nền chăn nuôi phát triển. Chi phí TĂCN, chi phí thú y có tác động lớn đến giá thành, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay. Một số nguyên nhân chính khiến giá TĂCN tăng là: Do dịch bệnh COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu (tăng chi phí sản xuất, nhân công, logistic). Một số quỹ đầu tư lớn trên thế giới chuyển sản đầu cơ nông sản. Trung Quốc tăng thu mua ngũ cốc để chăn nuôi sau thời gian Dịch tả heo châu Phi. Hạn hán từ tháng 3/2021 tại một số tỉnh của Brazil giảm sản lượng ngô chính vụ của nước này. Nhu cầu dùng cồn ethaonol để sản xuất xăng sinh học của Mỹ tăng cao (35% sản lượng ngô).
Để giảm chi phí TĂCN, ông Dương cho rằng, cần tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi. Tăng quy mô chăn nuôi, khuyến khích trang trại và hộ chuyên nghiệp. Áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong sản xuất. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao kiến thức về chăn nuôi an toàn sinh học. Sử dụng con giống chất lượng. Áp dụng chăn nuôi tuần hoàn để tận thu sản phẩm chăn nuôi. Để bình ổn giá TĂCN, cần giảm chi phí nhập khẩu TĂCN (có chính sách thương mại, nâng cao năng lực hệ thống logistics, nâng cao vai trò hiệp hội ngành hàng); Tiết kiệm chi phí sản xuất và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nguyên liệu TĂCN (giảm tối đa chi phí sản xuất, tối ưu hoá công thức, khẩu phần, chế biến và sử dụng tiêu chuẩn, khẩu phần ăn đúng đối tượng)…
Cũng tại Hội thảo, ông Gabor Fluit đã đưa ra những ảnh hưởng của COVID-19 tới ngành chăn nuôi Việt Nam, thách thức và cơ hội. COVID-19 ảnh hưởng sâu sắc tới ngành chăn nuôi, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ thịt, trứng suy giảm; Giá đầu ra sản phẩm giảm mạnh, giá vật tư đầu vào tăng gây khó khăn cho người chăn nuôi. Sản phẩm ứ đọng dẫn đến dư thừa; Thiếu lao động ở các cơ sở sản xuất, nhà máy giết mổ; Giá sản phẩm giảm vì khó tiêu thụ; Thiếu phương tiện vận chuyển, phát sinh nhiều thủ tục và chi phí; Hệ thống chợ đầu mối, truyền thống đóng cửa; Nguy cơ lây nhiễm cao trong bộ phận nhân viên sản xuất… Trước tình hình trên, De Heus cũng như nhiều doanh nghiệp khác áp dụng phương châm hoạt động “3 tại chỗ”, xét nghiệm COVID-19, tổ chức tiêm chủng cho cán bộ công nhân viên Công ty.
“Tuy nhiên, chúng tôi lạc quan rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vị thế tốt trong sản xuất, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu trong những năm tới. Nhu cầu xuất khẩu không giảm nên ngành công nghiệp chế biến của Việt Nam có thể phục hồi trong quý IV, do đó Chính phủ cần ưu tiên các doanh nghiệp được tiêm vaccine sớm. Các chợ truyền thống và nhà hàng sẽ hoạt động trở lại. Có thể chuyển dịch từ thực phẩm tươi sống sang đông lạnh, đóng hộp. Với tỷ lệ tiêm chúng hiện nay, chúng tôi kỳ vọng sẽ phục hồi vào cuối quý I/2022”, ông Gabor Fluit nói thêm.
Anh Vũ