Dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp do điều kiện thời tiết thay đổi bất thường, tình hình, diễn biến dịch bệnh từ 25/5/2022 – 31/5/2022 cụ thể như sau:
Theo thông tin của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình, từ ngày 25/5/2022 đến 31/5/2022 bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã xảy ra, làm chết và tiêu hủy 1.387 con, tương đương trọng lượng 61.416 kg, trong đó: 287 con lợn nái, trọng lượng 37.389 kg và 1.100 con lợn thương phẩm, trọng lượng 24.027 kg. Lũy kế từ ngày 01/01/2022 đến nay, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 1.464 hộ/350 thôn, tổng số lợn bị chết, tiêu hủy bắt buộc là 9.037 con, trọng lượng tiêu hủy 403,2 tấn. Hiện toàn tỉnh còn 60 xã/08 huyện, thành phố có bệnh DTLCP chưa qua 21 ngày. Trong tuần, dịch bệnh tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp do điều kiện thời tiết thay đổi bất thường, thuận lợi cho mầm bệnh phát sinh, lây lan (mưa nhiều, độ ẩm cao); công tác quản lý giết mổ tại các cơ sở nhỏ lẻ còn nhiều hạn chế; nhân lực và kinh phí phòng, chống dịch bệnh ở cấp xã còn nhiều khó khăn…
Trong tuần, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống, khống chế dịch bệnh theo văn bản số 55/UBND-VP3 ngày 22/2/2022, văn bản số 151/UBND-VP3 ngày 20/4/2022 của UBND tỉnh và văn bản số 958/SNN-CNTY ngày 09/5/2022 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc tập trung chỉ đạo phòng, chống, khống chế bệnh DTLCP; chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phân công cán bộ bám sát địa bàn, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương; phối hợp thẩm định điều kiện, công bố hết dịch bệnh tại các xã dịch bệnh qua 21 ngày. Đôn đốc, hoàn thành kế hoạch tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm vụ Xuân Hè năm 2022.
Chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ công tác kiểm dịch, phúc kiểm con giống xuất, nhập ra vào địa bàn tỉnh; công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, duy trì điều kiện giết mổ tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, các điều kiện tái đàn, tăng đàn, vệ sinh phòng bệnh. Quản lý chặt chẽ công tác tái đàn, tuyên truyền vận động người chăn nuôi không tái đàn khi chưa đảm bảo an toàn sinh học nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại các xã DTLCP tái phát, chưa qua 21 ngày.
Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã, thị trấn một số nội dung sau: Phân công cán bộ chuyên môn, bám sát địa bàn để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về cơ chế chính sách, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thực hiện tốt 5 không: “Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn ốm, chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn và sản phẩm từ lợn ốm, chết; không vứt xác lợn ốm, chết ra ngoài môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa xử lý nhiệt làm thức ăn cho lợn”. Chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ công tác giết mổ, buôn bán thịt lợn và sản phẩm thịt lợn tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, các chợ, điểm thu gom, buôn bán thực phẩm; rà soát, kiểm tra công tác tái đàn lợn tại các xã dịch bệnh chưa qua 21 ngày, kiên quyết không xem xét hỗ trợ đối với các trường hợp tái đàn lợn không đảm bảo quy định, làm lây lan dịch bệnh. Quan tâm, chủ động bố trí nguồn kinh phí cho các xã, thị trấn để thực hiện công tác phòng, chống, khống chế dịch bệnh như: Kính phí mua vôi bột, hoát chất, kinh phí thuê máy xúc để tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết, kinh phí bồi dưỡng cho lực lượng trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh.
Kim Oanh
Nguồn: Cổng TTĐT Ninh Bình