Tình hình chăn nuôi cả nước tháng 2/2022

Trong tháng 2, đàn heo và gia cầm cả nước phát triển ổn định, dịch bệnh lớn không xảy ra nhưng vẫn gặp khó khăn khi giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng, ước tính tổng đàn heo của cả nước tháng 2 tăng 2,9% so với năm 2021, đàn gia cầm tăng khoảng 2% so với cùng thời điểm năm trước.

Tình hình chung

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tháng Hai diễn ra trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nguyên vật liệu đầu vào vẫn ở mức cao, đặc biệt giá xăng, dầu liên tục tăng đã ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất. Thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài ở các tỉnh phía Bắc đã ảnh hưởng đến vật nuôi. Trong tháng 2, đàn heo và gia cầm cả nước phát triển ổn định, dịch bệnh lớn không xảy ra nhưng vẫn gặp khó khăn khi giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng, uớc tính tổng đàn heo của cả nước tháng 2 tăng 2,9% so với năm 2021, đàn gia cầm tăng khoảng 2% so với cùng thời điểm năm trước.

Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 2 ước đạt 28 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 2 tháng đầu năm 2022 ước đạt 54 triệu USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 16 triệu USD, tăng 11,1%; thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 17 triệu USD, tăng 3,6%.

Ước giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi tháng 2 đạt 221 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi 2 tháng đầu năm 2022 đạt 470,2 triệu USD, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa ước đạt 224,8 triệu USD, tăng 30,3%; giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 202,2 triệu USD, tăng 2,1%.

Chăn nuôi trâu, bò: Đợt rét đậm, rét hại tại khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ kéo dài từ giữa tháng Hai đến nay đã tác động tiêu cực đến đàn gia súc của người dân. Đặc biệt là tại khu vực miền núi phía Bắc, nhiều trâu, bò đã bị chết do giá rét. Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê (TCTK), tổng số trâu của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng Hai năm 2022 giảm 2,4%; tổng số bò tăng 0,9% so với cùng thời điểm năm 2021.

Chăn nuôi heo: Giá thịt heo hơi trong tháng 2 không biến động nhiều so với tháng trước. Tình hình sản xuất tại các doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi đang dần ổn định, nhất là ở các đơn vị chủ động được con giống, có liên kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra và đảm bảo vệ sinh, an toàn sinh học. Theo số liệu ước tính của TCTK, tổng số heo của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 2 năm 2022 tăng 2,9% so với cùng thời điểm năm 2021.

chăn nuôi tháng 2/2022

Tháng 2/2022, ước tính tổng đàn heo của cả nước tăng 2,9% so cùng kỳ năm 2021

Chăn nuôi gia cầm: Trong tháng 2, đàn gia cầm cả nước phát triển ổn định, dịch bệnh lớn không xảy ra nhưng vẫn gặp khó khăn khi thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng. Theo số liệu ước tính của TCTK, tổng số gia cầm của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 2 năm 2022 tăng 2,0% so với cùng thời điểm năm 2021.

Dịch bệnh: 

a) Bệnh Cúm gia cầm (CGC)

Trong tháng 02/2022, cả nước phát sinh 03 ổ dịch CGC A/H5N1 tại tỉnh Đồng Nai (01), và thành phố Hà Nội (02). Tổng số gia cầm mắc bệnh chết và tiêu hủy là 11.649 con.

Hiện nay, cả nước có 06 ổ dịch CGC A/H5N1 tại 04 tỉnh, thành phố: Quảng Nam (01), Quảng Bình (01), Đồng Nai (01) và Hà Nội (02) chưa qua 21 ngày; tổng số gia cầm mắc bệnh là 21.709 con, tổng chết và tiêu hủy là 22.860 con. Các ổ dịch CGC chủ yếu xảy ra tại hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, chưa được tiêm phòng vắc xin CGC. Các địa phương đã phát hiện, xử lý kịp thời, không để lây lan diện rộng.

b) Bệnh Dịch tả heo Châu Phi (DTLCP)

Trong tháng 02/2022, cả nước phát sinh 76 ổ dịch tại 42 huyện của 19 tỉnh, thành phố. Tổng heo bị tiêu hủy là 1.407 con. Hiện nay, cả nước có 160 ổ dịch tại 68 huyện của 29 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày; số heo mắc bệnh là 6.695 con; tổng heo chết và tiêu hủy là 7.195 con.

c) Bệnh Lở mồm long móng (LMLM)

Trong tháng 02/2022, không phát sinh ổ dịch LMLM mới tại các địa phương. Hiện nay, cả nước không có dịch bệnh LMLM.

d) Bệnh Tai xanh

Trong tháng 02/2022, cả nước không phát sinh ổ dịch Tai xanh tại các địa phương.

Hiện nay, cả nước không có dịch Tai xanh.

e) Bệnh Viêm da nổi cục (VDNC)

Trong tháng 02/2022, cả nước phát sinh 12 ổ dịch tại 02 tỉnh Quảng Ngãi và Tiền Giang. Tổng số trâu, bò mắc bệnh là 23 con. Hiện nay, cả nước có 37 ổ dịch tại 06 huyện của 03 tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Bình và Tiền Giang chưa qua 21 ngày. Số gia súc mắc bệnh là 487 con; tổng gia súc chết và tiêu hủy là 68 con.

 

Thị trường chăn nuôi trong nước

Tại thị trường thế giới, giá thịt heo nạc giao tháng 4/2022 ở Chicago, Mỹ biến động tăng trong tháng qua, với mức 108,024 UScent/lb, tăng 13,35 UScent/lb so với tháng trước. Giá thịt heo tăng là do nguồn cung giảm trong bối cảnh nhu cầu tăng mạnh.

Tại thị trường trong nước, trong tháng 2/2022, giá heo hơi biến động giảm với mức giảm 4.000 đồng/kg. Tại miền Bắc: các tỉnh Phú Thọ và Hà Nam giao dịch ở giá thấp nhất khu vực là 53.000 đồng/kg. Các tỉnh thành còn lại, giá thu mua heo hơi trong khoảng 54.000 – 55.000 đồng/kg. Giá heo hơi tại miền Bắc dao động trong khoảng 53.000 – 55.000 đồng/kg.

Tại miền Trung, Tây Nguyên giá heo hơi dao động trong khoảng 54.000 – 56.000 đồng/kg, giảm 1.000-2.000 đồng/kg. Cụ thể, ở Thanh Hóa và Quảng Nam giao dịch ở mức 55.000 đồng/kg, giảm 1.000đ/kg; tại Bình Định giá thu mua heo hơi ở mức thấp nhất là 54.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg, ngang bằng với Quảng Ngãi và Quảng Trị.

Tại miền Nam, giá heo hơi dao động trong khoảng 54.000 – 56.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với tháng trước. Cụ thể, các tỉnh An Giang, Bình Phước và Vĩnh Long đang lần lượt thu mua heo hơi với giá 54.000 đồng/kg và 55.000 đồng/kg.

Giá thu mua gà tại trại biến động tăng tại các vùng miền trong tháng qua do nguồn cung giảm. Giá gà thịt lông màu ngắn ngày tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam tăng khoảng 13.000 đồng/kg, lên mức 46.000 – 47.000 đồng/kg.

Giá gà công nghiệp miền Trung và miền Nam tăng 8.000 – 9.000 đồng/kg, lên mức 25.000 – 26.000 đồng/kg. Giá trứng gà miền Bắc, miền Trung và miền Nam giảm 50 – 200 đồng/quả, xuống mức 1.550 – 2.100 đồng/quả. Giá trứng gà giảm do sức tiêu thụ chậm.

 

Thị trường nhập khẩu

Sản phẩm chăn nuôi:

Ước giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi tháng 2 đạt 221 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi 2 tháng đầu năm 2022 đạt 470,2 triệu USD, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa ước đạt 224,8 triệu USD, tăng 30,3%; giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 202,2 triệu USD, tăng 2,1%.

Thức ăn gia súc và nguyên liệu:

Ước giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu tháng 2 đạt 199,4 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu 2 tháng đầu năm 2022 đạt 551,2 triệu USD, giảm 19,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong tháng 1 năm 2022, Việt Nam nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu chủ yếu từ các thị trường: Achentina (chiếm 27,4% thị phần), Braxin (21,2%) và Hoa Kỳ (12,5%). So với cùng kỳ năm 2021, giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu của Việt Nam từ Achentina giảm 20,5%, Braxin gấp 15,2 lần và Hoa Kỳ giảm 45,1%..

Đậu tương:

Ước khối lượng đậu tương nhập khẩu tháng 2 đạt 55,7 nghìn tấn với giá trị đạt 34,8 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu đậu tương 2 tháng đầu năm 2022 đạt 241,2 nghìn tấn và 147,8 triệu USD, giảm 33% về khối lượng và giảm 22,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Hoa Kỳ, Braxin và Canada là 3 thị trường cung cấp đậu tương chính cho Việt Nam trong tháng 1 năm 2022 với 98,4% thị phần.

Lúa mì:

Ước tính khối lượng nhập khẩu lúa mì tháng 2 đạt 339,3 nghìn tấn với giá trị nhập khẩu đạt 134,6 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu lúa mì 2 tháng đầu năm 2022 đạt 674 nghìn tấn và 250 triệu USD, giảm 4,1% về khối lượng nhưng tăng 38,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Nguồn nhập khẩu lúa mì chính của Việt Nam trong tháng 1 năm 2022 là từ các thị trường: Ôxtrâylia (chiếm tỷ trọng 68,7%), Braxin (19,5%) và Ấn Độ (2,3%). So với cùng kỳ năm 2021, giá trị nhập khẩu lúa mì của Việt Nam trong tháng 1 năm 2022 từ Ôxtrâylia tăng 42,3%; Braxin (+43,5%).

Ngô:

Ước tính khối lượng ngô nhập khẩu tháng 2 đạt 603,6 nghìn tấn với giá trị đạt 192,6 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu ngô 2 tháng đầu năm 2022 đạt 1,67 triệu tấn và 532,7 triệu USD, giảm 1,1% về khối lượng nhưng tăng 39,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Nguồn nhập khẩu ngô trong tháng 1 năm 2022 chủ yếu từ 3 thị trường: Achentina, Ấn Độ và Braxin, chiếm 92,3% thị phần. So với cùng kỳ năm 2021, giá trị nhập khẩu ngô tháng 1 năm 2022 từ Achentina gấp 15,6 lần, Ấn Độ gấp 5,5 lần và Braxin giảm 77,9%

Nguồn: channuoivietnam.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *