Nhiều năm nay, hội nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã triển khai một số chương trình, mô hình giúp các hộ khó khăn có phương tiện, con giống phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống. Trong đó, mô hình nuôi hươu lấy nhung bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Điển hình tại xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, trong 2 năm qua có nhiều hội viên nghèo, hội viên dân tộc thiểu số của Hội Nông dân xã được hỗ trợ nuôi hươu sao lấy nhung và mang lại tín hiệu tích cực.
Nuôi hươu sao lấy nhung là mô hình chăn nuôi được triển khai trên địa bàn tỉnh vào năm 2015 từ quỹ của Hội Nông dân tỉnh. Năm 2021, mô hình này được giới thiệu đến các hộ dân ở xã Đồng Nai. Sau khi triển khai đã có 5 hộ đăng ký để được hỗ trợ con giống và kỹ thuật chăm sóc.
Gia đình anh Điểu Sang đi đầu chuyển đổi sang nuôi hươu lấy nhung tại xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, đến nay mô hình bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế
Là một trong những hộ đi đầu chuyển đổi từ nuôi heo sang nuôi hươu, đến nay mô hình này của gia đình anh Điểu Sang, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Nai bước đầu có hiệu quả kinh tế. Anh Điểu Sang cho biết: Năm 2021, gia đình tôi và các hội viên được Hội Nông dân xã giới thiệu mô hình nuôi hươu sao lấy nhung và hỗ trợ vay vốn từ nguồn quỹ của Hội Nông dân tỉnh để mua 1 cặp hươu giống; sau đó được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đăng hỗ trợ vốn mua thêm 1 cặp nữa. Có hươu giống, gia đình dành dụm tiền tích cóp làm chuồng nuôi. Sau hơn 1 năm chăm sóc, hươu giống sinh được 1 con, nâng số lượng đàn lên 5 con.
Sau 2 năm nuôi hươu sao lấy nhung, anh Điểu Sang nhận thấy tốn ít công chăm sóc, chi phí thức ăn cho hươu cũng ít hơn so với các mô hình chăn nuôi khác. Đến nay, cặp hươu giống không chỉ sinh thêm được 1 con giúp tăng số lượng mà còn cho thu hoạch nhung để bán.
Nguồn thức ăn cho hươu chủ yếu được gia đình anh Điểu Sang tận dụng từ lá cây trong vườn
Cũng lựa chọn mô hình này, đàn hươu của gia đình ông Hoàng Văn Tưởng ở thôn 4, xã Đồng Nai có 4 con. Sau 2 năm chăm sóc, 2 con hươu đã cho thu nhung 1 đợt. Ông Tưởng cho biết: Từ khi nuôi đến nay có 2 con hươu cho thu nhung, cắt bán được gần 15 triệu đồng. Đối với mô hình chăn nuôi này, bước đầu gia đình tôi gặp khó khăn trong việc cho hươu thích nghi với môi trường sống mới và kỹ thuật cắt nhung, nhưng nay mọi việc đã ổn định.
Hiện nay, trên địa bàn xã Đồng Nai có nhiều hộ đang chuyển đổi mô hình chăn nuôi truyền thống sang nuôi hươu lấy nhung và đến nay đã có 5 hộ nuôi hươu. Với thực trạng chăn nuôi hiện nay ở các mô hình khác chi phí đầu tư cao, giá thức ăn, vật tư tăng trong khi rủi ro về dịch bệnh nhiều, thì nuôi hươu lấy nhung được xem là giải pháp an toàn. Bởi, hươu có sức đề kháng tốt, không kén thức ăn và ít bị các bệnh thông thường. Bên cạnh đó, giá trị nhung hươu trên thị trường cao nên mô hình nuôi hươu lấy nhung ở xã Đồng Nai nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung bước đầu có hiệu quả tích cực, từ đó mở thêm cơ hội thoát nghèo, ổn định kinh tế cho người dân.
Nguyệt Cát