6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã ghi nhận 76 ổ dịch trên đàn gia súc gia cầm, tăng 3,6 lần so với cả năm 2020. Đáng chú ý là cuối tháng 6, trên địa bàn xã Vũ Oai (TP Hạ Long) đã xuất hiện virus cúm gia cầm A/H5N8, chủng cúm lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Việc gia tăng các ổ dịch và xuất hiện chủng cúm mới, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, có nguyên nhân quan trọng là do nhiều địa phương trong tỉnh chưa dành sự quan tâm đúng mức trong việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm.
Được biết, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 15/KH-UBND (ngày 18/1/2021) về phòng, chống dịch bệnh ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh năm 2021. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí ngân sách thực hiện, đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh trên toàn tỉnh sát thực và hiệu quả. Kế hoạch cũng nêu rõ, các địa phương phải tổ chức tiêm phòng các loại vắc-xin phòng bệnh bắt buộc cho gia súc, gia cầm theo quy định của Bộ NN&PTNT vào 2 đợt chính. Đợt 1 là vào tháng 3, tháng 4; đợt 2 là vào tháng 9, tháng 10.
Tuy nhiên, đến hết tháng 5, toàn tỉnh mới có lác đác một vài địa phương tổ chức tiêm phòng và tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc xin đều đạt rất thấp, phần lớn mới đạt 2 – 10%. Đến hết tháng 7 (qua thời gian tiêm đợt 1 là 3 tháng) tỷ lệ tiêm phòng trên vật nuôi ở một số địa phương vẫn chưa đạt 60% tổng đàn.
Điển hình như: Huyện Bình Liêu đang có tỷ lệ tiêm phòng thấp đối với bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng trâu bò, bệnh dại; TP Hạ Long có tỷ lệ tiêm phòng thấp với vắc-xin các loại lợn, tai xanh lợn, bệnh dại; TP Cẩm Phả và huyện Tiên Yên cũng chưa tiêm đạt kế hoạch đối với vắc-xin cúm gia cầm, tai xanh lợn, bệnh dại; huyện Cô Tô thì gần như chưa đạt được kế hoạch đối với tất cả các loại bệnh mà vật nuôi cần phải được tiêm phòng…
Lực lượng chức năng tiến hành tiêu độc, khử trùng trại gà phát hiện nhiễm chủng cúm A/H5N8 thuộc thôn Bãi Cát (xã Vũ Oai, TP Hạ Long).
Nguyên nhân chính khiến cho tỷ lệ tiêm phòng bệnh trên vật nuôi ở những địa phương nói trên chưa đạt yêu cầu đặt ra và việc triển khai tổ chức tiêm phòng muộn hơn so cùng kỳ là do các địa phương chưa chủ động bố trí nguồn kinh phí mua vắc-xin và chậm trễ trong công tác đấu thầu, mua vắc-xin… Thậm chí có địa phương là huyện Cô Tô đến nay không tổ chức tiêm phòng vắc-xin cho đàn trâu, bò của địa phương vì không còn nguồn kinh phí từ ngân sách cấp huyện để mua vắc-xin viêm da nổi cục.
Qua báo cáo của các địa phương gửi về Sở NN&PTNT cho thấy, thay vì cuối tháng 1/2021, các địa phương phải phê duyệt kế hoạch, bố trí kinh phí để đảm bảo chậm nhất đầu tháng 4 có vắc-xin thì có địa phương đến tháng 3, tháng 4 mới bố trí kinh phí và giữa tháng 5, các địa phương mới nhập được vắc-xin về. Việc không tiêm phòng đồng loạt cùng thời điểm, cùng chủng loại tuýp vắc-xin đã khiến cho khả năng miễn dịch cộng đồng đạt thấp và gây lãng phí nguồn ngân sách.
6 tháng, toàn tỉnh xuất hiện 40 ổ dịch viêm da nổi cục trên gia súc.
Việc một số địa phương “đủng đỉnh” trong công tác tiêm phòng dù cho Sở NN&PTNT nhiều lần nhắc nhở đã khiến cho các ổ dịch diễn biến phức tạp và tăng mạnh so với năm 2020. Trong đó có 8 ổ dịch cúm gia cầm, 2 ổ dịch lở mồm long móng, 23 ổ dịch tả lợn châu Phi, 40 ổ dịch viêm da nổi cục, 3 ổ dịch bệnh dại. Điều này đã gây những thiệt hại lớn cho người nuôi và kéo theo nguồn kinh phí để phòng chống dịch lên tới gần 2 tỷ đồng.
Đáng báo động hơn cả là cuối tháng 6 vừa qua, 3 mẫu gà chết tại thôn Bãi Cát (xã Vũ Oai, TP Hạ Long) đều dương tính với vi rút H5N8. Đây là chủng cúm mới trên gia cầm, lần đầu tiên xuất hiện tại Quảng Ninh cũng như trong cả nước. Mức độ nguy hiểm của chủng cúm mới này là làm chết gia cầm, đồng thời có thể lây lan sang người. Người nhiễm bệnh thường không biểu hiện triệu chứng, thậm chí nếu kháng thể tốt sẽ không phát bệnh. Tuy nhiên mầm bệnh không mất đi mà vẫn lưu trữ trong cơ thể, nếu có điều kiện sẽ phát triển, tạo ra những biến chủng bệnh nguy hiểm trên người.
Bà Chu Thị Thu Thủy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Trước khi phát sinh ổ dịch khoảng 1 tuần, TP Hạ Long mới thực hiện cấp phát vắc-xin về cho xã Vũ Oai, bao gồm vắc-xin cúm gia cầm H5N6. Trong khi đó loại vắc-xin này cần tối thiểu 21 ngày sau tiêm phòng mới có đáp ứng miễn dịch phòng bệnh hiệu quả. Nếu TP Hạ Long triển khai tiêm vắc-xin cúm gia cầm H5N6 từ sớm theo đúng quy định thì có thể ngăn chặn được việc xuất hiển ổ dịch nguy hiểm nói trên. Bởi theo nghiên cứu của Bộ NN&PTNT, chủng virus cúm H5N8 có kháng nguyên tương đương với chủng H5N6 nên việc tổ chức tốt công tác tiêm phòng vắc-xin H5N6 cũng có tác dụng phòng bệnh được với chủng cúm H5N8 trên đàn gia cầm.
Theo khuyến cáo của Bộ NN&PTNT, các địa phương phải đảm bảo tiêm phòng các loại vắc-xin trên 80% để tạo ra miễn dịch chủ động, bảo hộ cho đàn gia súc, ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan. Tuy nhiên, không chỉ riêng năm nay mà nhiều năm qua, việc triển khai tiêm phòng vắc xin trên gia súc, gia cầm vẫn chưa thực sự được nhiều địa phương chú trọng. Nếu việc triển khai tiêm phòng vắc-xin trên gia súc, gia cầm không sớm được các địa phương quan tâm đúng mức, đây sẽ là một trong những “lỗ hổng” lớn cho dịch bệnh phát sinh và khó kiểm soát. Điều này sẽ gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi, tác động xấu đến phát triển KT-XH địa phương.
Hoàng Nga
Nguồn: Báo Quảng Ninh