(Người Chăn Nuôi) – Hiện nay tại một số địa phương, số người mắc và tử vong do bệnh dại tăng mạnh. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện yêu cầu các Bộ, ngành liên quan và địa phương nghiêm túc thực hiện công tác phòng, chống bệnh dại.
Thực hiện nghiêm việc phòng bệnh
Ngày 14/3/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 22/CĐ-TTg gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ NN&PTNT, Y tế, Công an, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, năm 2023 cả nước vẫn có 82 người tử vong vì bệnh dại tại 30 tỉnh, thành phố, 674.888 người bị động vật cắn đã phải điều trị dự phòng bệnh dại, tăng 45% so với năm 2022 (trong đó 80% trường hợp là do chó, 18% do mèo, còn lại do các loại động vật khác như khỉ, chuột, dơi). Trong 2 tháng đầu năm 2024, đã có 18 người tử vong do bệnh dại ở 14 tỉnh, thành phố, tăng 9 ca so với cùng kỳ năm 2023, số người phải điều trị dự phòng bệnh dại lên tới gần 70.000 người, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023.
Để ngăn chặn nguy cơ gia tăng số người phải điều trị dự phòng bệnh dại do động vật cắn, số ca tử vong do bệnh dại, tiến tới chấm dứt tình trạng động vật có khả năng gây bệnh dại, đặc biệt là chó, mèo thả rông, gây nguy hiểm cho người, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo và các loại động vật khác có nguy cơ gây bệnh, nhất là việc tiêm vaccine và phòng, chống bệnh dại cho chó, mèo; thực hiện đầy đủ việc tiêm và điều trị dự phòng bệnh dại khi bị động vật, đặc biệt chó, mèo cắn; Hướng dẫn, yêu cầu các chủ hộ nuôi chó, mèo và động vật khác có nguy cơ gây bệnh cam kết thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về nuôi, nhốt, quản lý, nhất là việc khai báo, tiêm vắc xin và phòng, chống bệnh dại; không để chó, mèo thả rông.
Cán bộ Thú y Quảng Ninh đến từng nhà dân tiêm phòng dại cho vật nuôi. Ảnh:ST
Chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân, người đứng đầu chính quyền các cấp còn chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh dại, nhất là ở những nơi xảy ra nhiều trường hợp người chết vì bệnh dại và nơi có tỷ lệ tiêm vaccine dại cho tổng đàn chó đạt thấp dưới 10%.
Cùng đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương: Tổ chức thực hiện chiến dịch truyền thông sâu, rộng về quản lý chó, mèo và các loại động vật khác có nguy cơ gây bệnh dại, các biện pháp phòng, chống bệnh dại để các cơ quan liên quan và người dân biết. Tổ chức giám sát, cảnh báo, chia sẻ thông tin, điều tra, xử lý ổ dịch bệnh dại, đánh giá nguy cơ và triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dại. Phối hợp với các tổ chức quốc tế và các nước trong việc hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh dại tại Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch bệnh dại. Thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống bệnh dại tại các địa phương có nguy cơ cao về bệnh dại.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan và các địa phương rà soát các quy định pháp luật có liên quan đến việc nuôi, quản lý chó, mèo, các loài vật nuôi khác có nguy cơ gây bệnh và phòng, chống bệnh dại để kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung (nếu cần)…
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y trao đổi với gia đình có người tử vong vì bệnh dại tại xã Ia Hlốp (huyện Chư Sê, Gia Lai). Ảnh: Nguyễn Diệp.
Quyết tâm không để bệnh dại bùng phát
Theo công điện số 22/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Trong dó bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn chó, mèo trên từng địa bàn được tiêm phòng dại trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Công tác tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó tại tỉnh Bến Tre. Ảnh: ST
Tại tỉnh Quảng Ninh, các cơ quan chức năng đã xử lý tiêu hủy 22 con chó bị bệnh, nghi nhiễm bệnh. Hiện, các địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn đang tập trung công tác tiêm vaccine phòng dại cho đàn chó, mèo. Tính đến hết ngày 18/3/2024, đã có trên 40.000 con được tiêm phòng vaccine dại (trong tổng số hơn 100.000 con chó, mèo, đạt 38% tổng đàn). Hiện, tỉnh Quảng Ninh đang gấp rút tiêm phòng để hoàn thành kế hoạch xong trước ngày 30/3/2024.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Sóc Trăng chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh dại trên vật nuôi, hay trường hợp người dân bị chó, mèo nhiễm virus dại cắn phải. Tuy nhiên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng đã xây dựng và bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai kế hoạch phòng, chống bệnh dại, ưu tiên mua vaccine. Bên cạnh đó, cán bộ thú y cũng sát sao trong công tác rà soát, tiêm phòng bổ sung, tránh bỏ sót chó, mèo, thường xuyên kiểm tra, xác minh và xử lý triệt để khi phát hiện có chó, mèo nghi mắc bệnh dại.
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, nhấn mạnh: Chính phủ và các tỉnh đều có văn bản quy định rất đầy đủ trong công tác phòng, chống bệnh dại, nhưng khi đưa xuống địa phương triển khai thực hiện chưa quyết liệt. Ngoài ra, kế hoạch hàng năm mà các địa phương xây dựng chưa đúng thời điểm và sát với thực tế. Chính vì vậy, số liệu báo cáo vẫn không đúng theo quy định của Chính phủ. Trong khi đó, khó khăn nhất vẫn là thông tin tuyên truyền đến các hộ dân nhằm nâng cao nhận thức về bệnh dại. Việc quản lý đàn chó vẫn là cốt lõi.
Thùy Khánh
(Tổng hợp)