(Người Chăn Nuôi) – Ngày 27/7/2023, tại Hà Nội, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã tổ chức Hội nghị Thực trạng phát triển chăn nuôi lợn và giải pháp phát triển bền vững trong tình hình mới. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã tham dự và chủ trì hội nghị.
Tín hiệu vui
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, sau thời gian dài giá bán thấp hơn giá thành, giá thịt lợn tăng lên là tín hiệu vui với nông dân và ngành nông nghiệp.
Nửa đầu năm nay, tốc độ tăng GDP ngành nông nghiệp đạt hơn 3%. Trong đó, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định. Tuy nhiên, dịch bệnh có nhiều nguy cơ bùng phát, thậm chí các chủng virus cúm và dịch bệnh khác xâm nhiễm từ nước ngoài. Giá thức ăn chăn nuôi vẫn cao, tình trạng nhập lậu sản phẩm chăn nuôi vẫn còn nhức nhối. Trong bối cảnh khó khăn đó, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho biết bản thân nông dân, các cơ quan liên quan, đã tích cực vào cuộc, tìm giải pháp, xử lý vấn đề.
“Thành quả cụ thể cho nỗ lực của tất cả chúng ta là giá các loại sản phẩm chăn nuôi, nhất là thịt lợn hơi đã tăng trở lại”, Thứ trưởng Tiến cho biết.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đàn lợn ước tăng 2,5% so cùng kỳ năm 2022, tổng sản lượng thịt lợn 6 tháng đầu năm ước đạt hơn 2.000 tấn, tăng 6,5% so cùng kỳ. Đàn gia cầm ước tăng 0,9% so cùng kỳ năm 2022. Sản lượng thịt gia cầm 6 tháng đạt hơn 1.000 tấn.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị ngành chăn nuôi cần chủ động trước những khó khăn về dịch bệnh, luồng giá vật tư và giá thực phẩm dự kiến tăng trong 6 tháng cuối năm. Ngành chăn nuôi sau nhiều năm trải qua giá thấp nhưng đã có bước chuyển mình tích cực trong bối cảnh khó khăn của lạm phát, lãi suất tăng, vật tư đầu vào, logistics, xung đột địa chính trị…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội nghị
Hội nghị đề ra giải pháp về giống, thức ăn, phương thức nuôi, giải quyết các vấn đề giết mổ, sơ chế, chế biến, nhu cầu thị trường để từng bước chỉ đạo sản xuất tương đối, giúp đảm bảo tăng trưởng và đóng góp của thịt lợn trong giỏ hàng hóa.
Giải pháp phát triển
Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Phạm Kim Đăng, xu hướng tất yếu của chăn nuôi lợn hiện nay là chuyển từ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ (nông hộ) sang chăn nuôi trang trại và chăn nuôi trang trại kết hợp với liên kết HTX, tổ hợp tác (liên kết ngang), liên kết giữa các khâu và liên kết theo chuỗi khép kín (liên kết dọc) trong đó doanh nghiệp là trung tâm. Do đó số lượng hộ chăn nuôi lợn có quy mô nhỏ giảm dần theo các năm do quy mô nhỏ không cạnh tranh được về giá thành, chất lượng, an toàn thực phẩm.
Trước xu hướng đó, phải khẳng định chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ không bị mất đi hoàn toàn, vì đó là sinh kế của hàng triệu hộ chăn nuôi được hình thành bao đời nay. Tuy nhiên, nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ muốn đứng vững buộc phải liên kết với nhau nhằm tăng sức mạnh để trở thành thành viên của tổ nhóm, HTX, hoặc liên kết với doanh nghiệp. Còn muốn đứng vững độc lập thì các hộ chăn nuôi buộc phải chăn nuôi chuyên nghiệp hoặc chăn nuôi con đặc sản, quý hiếm có giá trị cao, chăn nuôi hữu cơ, sinh thái gắn với du lịch.
Để phát triển chăn nuôi lợn theo hướng bền vững, Phó Cục trưởng Cục Thú y Phan Quang Minh nhấn mạnh đến 3 hoạt động thú y chính: phòng chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ và kiểm dịch động vật.
Chia sẻ thêm về giải pháp phát triển chăn nuôi lợn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng cần tổ chức, xây dựng và nâng cao năng lực ngành thú y.
Hiện một số tỉnh, thành phố chưa quan tâm đúng mức đến hệ thống thú y, khiến một số địa phương bị tan rã hệ thống. Điều này khiến việc chỉ đạo theo ngành dọc, từ Bộ NN&PTNT xuống Cục Chăn nuôi và Chi cục địa phương nhiều thời điểm chưa thông suốt, nhất là khi cần phản ứng nhanh, sử dụng các biện pháp khẩn cấp về phòng chống dịch bệnh.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Việt Nam, kiêm Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết: Kiểm soát dịch bệnh là một trong những nguyên tắc cốt lõi trong xuất khẩu gia súc, gia cầm và cũng là nội dung được đưa vào đàm phán trong các Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định SPS giữa Việt Nam và các nước khác.
Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu ngành chăn nuôi phải bám sát 5 đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045. Cụ thể là phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi; phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi; phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh hoạt động khoa học – công nghệ, khuyến nông trong chăn nuôi và tăng cường năng lực quản lý Nhà nước ngành chăn nuôi.
Đây là những đề án về giống, công nghiệp giống, thức ăn, môi trường, thiết bị chăn nuôi, chế biến, khoa học công nghệ và cũng là những căn cứ pháp lý quan trọng, xuyên suốt trong một thời gian dài. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT yêu cầu ngành thú y cần kiện toàn hệ thống theo Quyết định 414/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 – 2030.
Theo Thứ trưởng Tiến, cần tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ đối với thức ăn chăn nuôi; tăng cường hợp tác quốc tế; công tác khuyến nông và xây dựng cơ bản. Các doanh nghiệp cần đầu tư chế biến sâu để đưa ngành chăn nuôi bước ra thế giới. Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, gắn với nhà máy chế biến, gắn với chuỗi để có vùng nguyên liệu xuất khẩu.
Thứ trưởng yêu cầu Cục Chăn nuôi, Cục Thú y và các địa phương cần xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; Tập trung giải pháp đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá thịt lợn trước trong và sau Tết Nguyên đán.
Vũ Mưa