(Người Chăn Nuôi) – Sáng 02/10/2024, Đối tác Một sức khỏe về phòng, chống bệnh dịch từ động vật sang người do Bộ NN&PTNT phối hợp với Tổ chức Bảo vệ phúc lợi động vật FOUR PAWS tổ chức cuộc họp Nhóm công tác động vật đồng hành lần 2. Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long và bác sĩ Karan Kukreja, Trưởng Chiến dịch về Động vật đồng hành khu vực Đông Nam Á chủ trì cuộc họp.
Phát biểu mở đầu phiên họp, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, đánh giá cao vai trò và ý nghĩa của Nhóm công tác, phản ánh vấn đề nóng mang tính thời sự, có sự phối hợp đa ngành từ y tế, môi trường, du lịch, nông nghiệp và văn hóa cùng nhau phối hợp và thực hiện tốt các nội dung về kiểm soát an toàn thực phẩm, bệnh dại từ nạn giết mổ, quản lý được việc thực thi các quyền phúc lợi động vật trong quá trình nuôi nhốt, bạo hành các loại động vật đồng hành,…
Nhóm công tác Động vật đồng hành (Đối tác Một sức khỏe) tham dự cuộc họp lần 2 tại Hà Nội. Ảnh: BTC
Đồng chủ trì cuộc họp, bác sĩ Karanvir Kukreja, Trưởng Chiến dịch về Động vật đồng hành khu vực Đông Nam Á cho rằng, nhóm Công tác kỹ thuật về Động vật đồng hành đóng vai trò là nền tảng để khuyến khích những nỗ lực chung từ các bên liên quan khác nhau, nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc thảo luận và giải quyết các mối lo ngại về sức khỏe liên quan đến động vật đồng hành. Trong đó, việc giải quyết tất cả các rào cản nhằm góp phần vào nỗ lực loại trừ bệnh dại ở Việt Nam là vô cùng cần thiết, bao gồm cả việc giảm thiểu buôn bán thịt chó và mèo, vốn là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đáng kể cho sức khỏe và sự an toàn của cộng đồng.
Đại diện Tổ chức Bảo vệ phúc lợi động vật hy vọng, các cuộc họp của Nhóm Kỹ thuật này sẽ đưa ra những thảo luận thẳng thắn và hiệu quả để thúc đẩy sự hợp tác mạnh mẽ, đem lại những cải thiện rõ rệt về phúc lợi cho động vật và con người.
Được biết, tại cuộc họp lần 1, Nhóm công tác đã cùng nhau thống nhất các nội dung cơ bản về quản lý nhà nước và các vấn đề trọng tâm của nhóm, từ đó, có cơ sở để vận hành và làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, các thiếu hụt về nguồn lực để cùng nhau tìm cách tháo gỡ.
Tham dự cuộc họp lần 2 này, Nhóm công tác đã thảo luận về lộ trình triển khai thông qua 1 chương trình thí điểm cụ thể tại một vài tỉnh, thành ở Việt Nam, đặc biệt là nhiệm vụ cứu hộ động vật trong thiên tai, nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho con người, vật nuôi và tránh được tổn hại về kinh tế, môi trường khi vật nuôi gặp sự cố trong thiên tai. Theo đó, Nhóm kêu gọi các đối tác quốc tế cùng tìm kiếm nguồn lực và hỗ trợ Bộ NN&PTNT triển khai một vài mô hình thí điểm không buôn bán, ăn thịt chó, mèo tại một số tỉnh thành có thu hút về du lịch cao, học hỏi kinh nghiệm thành công từ Hàn Quốc và Campuchia.
Thảo luận tại cuộc họp, đại diện Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) báo cáo tình hình quản lý bệnh dại trên người, khuyến cáo các cơ quan quản lý, đặc biệt là cấp địa phương về việc siết chặt quản lý và kiểm soát bệnh dại từ chó, mèo, đồng thời nhấn mạnh tác dụng của truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân, tiêm phòng vaccine phòng chống bệnh dại cho vật nuôi là các giải pháp căn cơ nhẳm đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người và vật nuôi.
Các bên mong muốn thông qua Nhóm Động vật đồng hành, với sự chung tay của các đối tác quốc tế và trong nước, tăng cường điều phối tốt hơn nữa giữa Thú y và y tế cơ sở để phối hợp xuyên suốt trong việc kiểm soát bệnh dại. Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng mong muốn có các chương trình về bệnh dại và phúc lợi động vật để hỗ trợ nguồn lực đang rất mỏng và hạn chế cho nhiệm vụ này.
Ngoài ra, cần huy động nguồn lực trong nước và quốc tế để tăng cường nhận thức và thực thi các Luật và quy định liên quan về chăn nuôi, thú y, phúc lợi động vật trong nước và quốc tế, đầu tư cơ hạ tầng, chuồng trại, điều kiện giết mổ, điều kiện y tế,… Bên cạnh đó, Nhóm công tác cũng nhấn mạnh đến việc tận dụng các điều kiện hội nhập, tính chủ động vận dụng các quy trình quốc tế để hội nhập và đáp ứng yêu cầu quốc tế của các doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã về thú y, chăn nuôi…
Thùy Khánh