Thừa Thiên – Huế: Phát triển chăn nuôi bò ở A Lưới

Những chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi bò ở A Lưới đã từng bước nâng cao nhận thức cho người dân, chuyển từ phương thức chăn nuôi thả rong sang chuồng trại…

“Ngân hàng bò”

Cuối năm 2014, A Lưới tiếp nhận và triển khai Dự án “Ngân hàng bò” (DA) do Tập đoàn Philip Morris (Hoa Kỳ) tài trợ  thông qua Trung ương Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam.

Sau khi khảo sát, A Lưới tiến hành chọn các đối tượng hưởng lợi ở 7 xã gồm: A Đớt (nay xã Lâm Đớt), Hồng Thái, Nhâm (nay xã Quảng Nhâm), Hồng Bắc, Hồng Trung (nay xã Trung Sơn), Hồng Vân và Hồng Thủy để triển khai DA. Mỗi xã chọn 10 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trên cơ sở có lao động trong nhà. Tổng giá trị thực hiện DA hơn 1,1 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí từ Trung ương Hội CTĐ Việt Nam hơn 966 triệu đồng, nguồn đối ứng của huyện A Lưới 190 triệu đồng.

Chị Hồ Thị Nga (thôn A Niềng Lê Triêng 1, xã Trung Sơn, A Lưới) cho biết, được cấp chính quyền kết nối hỗ trợ bò, tạo công ăn việc làm ở miền núi, được chăn nuôi, tận dụng được đồng cỏ để phát triển kinh tế cũng là ước mơ của nhiều hộ nghèo như chúng tôi.

nuôi bò a lưới

Chị Hồ Thị Nga (thôn A Niềng Lê Triêng 1, xã Trung Sơn, A Lưới) phát triển đàn bò tạo sinh kế cho gia đình

Sau gần 8 năm thực hiện DA, từ 70 con bò của 7 địa phương được làm chuồng trại, chăm sóc tốt, đàn bò đã tăng lên 119 con. Trong đó, có bò mẹ đã sinh sản được 49 con bê từ 7 tháng đến 24 tháng tuổi. Số bê khi đạt 6 tháng tuổi trở lên, được chuyển cho các hộ khác có nhu cầu chăn nuôi. Tuy nhiên, hầu hết các hộ chăn nuôi bò không thực hiện theo bản cam kết từ ban đầu giữa hộ gia đình với cán bộ xã, một số hộ không chăm sóc tốt đàn bò, dẫn đến xảy ra bệnh tật, mua bán tự do, số lượng sụt giảm.

Ông Pơ Loong Phương, Chủ tịch Hội CTĐ huyện A lưới đánh giá, quá trình thực hiện, các ngành liên quan của huyện A Lưới đồng hành vào cuộc, UBND các xã vùng DA tranh thủ tốt nguồn vốn, kịp thời tổ chức triển khai, thực hiện đến các hộ hưởng lợi. Thời gian tới, để triển khai DA tốt hơn, Hội CTĐ huyện A Lưới đề ra ba nhóm giải pháp cụ thể.

Theo đó, tiếp tục kiểm tra, giám sát đôn đốc trong thực hiện DA “Ngân hàng bò” trên địa bàn của 6 xã còn lại (trừ Hồng Thủy); chỉ đạo hội cơ sở xã có dự án bò, tăng cường công tác kiểm tra, nắm tình hình chăn nuôi bò của DA tại các hộ hưởng lợi, để giải quyết kịp thời những khó khăn, hạn chế trong quá trình chăn nuôi. Đồng thời, định kỳ báo cáo tình hình thực hiện DA với lãnh đạo cấp trên; phối hợp với khuyến nông huyện, mở lớp tập huấn các kỹ năng về kỹ thuật chăn nuôi bò vàng trên địa bàn huyện.

 

Giải quyết việc làm có tính bền vững

Sau 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết (NQ) 03-NQ/HU của Huyện ủy ngày 15/12/2015 về phát triển đàn bò, xây dựng thương hiệu thịt bò A Lưới giai đoạn 2016 – 2025, tổng đàn bò toàn huyện từ 8.246 con tăng lên 13.000 con, sản lượng thịt hơi đạt 520 tấn/năm. NQ triển khai đã từng bước nâng cao nhận thức cho người dân, chuyển từ phương thức chăn nuôi thả rong, không có chuồng trại sang chăn nuôi có kiểm soát, chuồng trại đảm bảo; từ chăn nuôi dàn trải, manh mún sang chăn nuôi có ứng dụng khoa học kỹ thuật, có đầu tư thâm canh; khai thác tốt thế mạnh của địa phương, giải quyết việc làm có tính bền vững.

Theo Phòng NN&PTNT huyện A Lưới, giai đoạn 2016-2020, A Lưới nhập bò giống vào địa bàn huyện là 3.000 con, thực hiện được 1.950 con, đạt tỷ lệ 65% so với kế hoạch; trong đó, nhập từ nguồn vốn vay 924 con và các chương trình, DA khác là 1.026 con. Số lượng bò nhập từ nguồn vốn vay 924 con, đã phát triển lên 1.545 con, trong đó đã bán 743 con, chết 121 con và có mặt tới thời điểm hiện tại 681 con. Số lượng bò chưa sinh sản lần nào có 69 con, chiếm 7,5% số lượng bò nhập.

Đầu năm 2016, tổng đàn bò 8.246 con, theo mục tiêu NQ đề ra đến cuối năm 2020 tổng đàn bò đạt 10.000 con. Quá trình tổ chức thực hiện đến cuối năm 2020, tổng đàn bò đạt 10.390 con, tăng 390 con so với mục tiêu NQ đề ra.

Huyện A Lưới cũng đã quy hoạch diện tích trồng cỏ nhằm phát triển chăn nuôi tập trung khoảng 22,4ha, đến nay vẫn duy trì 7,1ha. Do công tác quản lý và bảo vệ diện tích cỏ trồng của một số hộ dân chưa tốt, không bón phân chăm sóc sau thu hoạch nên đồng cỏ bị cằn cỗi, kém phát triển, chết và một số diện tích trồng cỏ đã được người dân chuyển sang mục đích khác.

Ông Văn Lập, Trưởng phòng NN&PTNT huyện A Lưới thông tin, để phát triển chăn nuôi bền vững, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ dân tu sửa, che chắn chuồng trại trước mỗi mùa mưa rét. Tổ chức xây dựng mới hoặc sửa chữa, nâng cấp chuồng trại theo quy định, đến nay đã xây dựng và nâng cấp 190 chuồng bò trên địa bàn, đạt 99,5%. Lồng ghép các nguồn để hỗ trợ xây mới và nâng cấp 46 chuồng cho các hộ chăn nuôi bò thuộc DA tăng cường năng lực bảo tồn tài nguyên rừng tại xã Hương Nguyên và DA nhân rộng mô hình giảm nghèo tại xã A Roàng. UBND huyện cũng đã hỗ trợ 1.200m2 tôn cho các hộ dân tại 5 xã (A Roàng, Lâm Đớt, Đông Sơn, Hồng Thượng, Hồng Vân) để làm chuồng trại.

UBND huyện A Lưới đã xây dựng Đề án “Nhãn hiệu tập thể thịt bò vàng A Lưới” và được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận hồ sơ. Đồng thời, chỉ đạo nâng cấp sửa chữa lò giết mổ gia súc tập trung A Ngo, nhằm cung cấp nguồn thịt bò theo đúng quy định, đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, góp phần trong việc xây dựng và duy trì ổn định “Nhãn hiệu tập thể thịt bò vàng A Lưới”; tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm thịt bò A Lưới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *