Thừa Thiên – Huế: Gỡ khó, ổn định và phát triển đàn trâu, bò

Theo Cục Thống kê tỉnh, tính thời điểm này, tổng đàn trâu toàn tỉnh ước khoảng 15.600 con, giảm hơn 400 con, tương ứng giảm 2,6%; đàn bò hơn 29 ngàn con, giảm 370 con, tương ứng giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Đặng Duy Trí ở xã Hương Phong (TP. Huế) nổi tiếng chăn nuôi trâu từ nhiều năm nay, có cuộc sống ổn định. Tuy nhiên từ ba năm nay, ông Trí bán hết bầy trâu thương phẩm gần 10 con. Ông Trí bảo, một thời nuôi trâu thuận lợi nhờ bán được giá, trên địa bàn có nhiều đồng cỏ, đảm bảo nguồn thức ăn xanh. Những năm gần đây, nhiều đồng cỏ được địa phương chuyển đổi mục đích sử dụng nên nguồn thức ăn ngày càng khó khăn.

Tại nhiều địa phương thuộc TX. Hương Trà, TX. Hương Thủy, huyện Phú Vang cũng gặp nhiều khó khăn trong chăn nuôi trâu, bò, tổng đàn giảm khá mạnh. Tại TX. Hương Trà, đàn bò năm 2021 hơn 1.700 con, nay giảm còn khoảng 1.400 con; đàn trâu 954 con giảm còn 780 con. Tại huyện Phú Vang, đàn bò vào cuối năm 2021 có hơn 2.500 con nay giảm còn 2.250 con; đàn trâu hơn 1.100 con giảm còn hơn 1.000 con. Tại TX. Hương Thủy, đàn bò năm 2021 hơn 2.400 con, nay giảm chỉ còn hơn một nửa…

nuôi bò nhốt chuồng

Mô hình nuôi bò nhốt chuồng ở Phong Điền

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho rằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đàn trâu, bò giảm mạnh là do nhu cầu sức kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp giảm, diện tích đồng cỏ ngày càng bị thu hẹp dần do chuyển đổi đất thổ cư, trồng rừng và trồng các loại cây công nghiệp. Đồng thời, đất nông nghiệp bị thu hẹp do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và sự chuyển dịch của lao động nông thôn sang các ngành công nghiệp. Giá trâu, bò gần đây giảm mạnh so với trước cũng là nguyên nhân khiến người dân không mặn mà với chăn nuôi trâu, bò.

Để ổn định và phát triển đàn trâu, bò, ngành chăn nuôi triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ các địa phương chuyển giao tiến bộ KHKT vào sản xuất cho người dân nhằm nâng cao năng suất, chất lượng vật nuôi. Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về con giống, thức ăn chăn nuôi, quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn… giúp rút ngắn thời gian nuôi dưỡng, nâng cao trọng lượng xuất chuồng, giảm tỷ lệ chết, tăng chu kỳ sản xuất. Mặc dù tổng đàn giảm, nhưng người chăn nuôi từng bước chuyển dần từ quy mô nhỏ truyền thống, tận dụng, sang sản xuất chăn nuôi hàng hóa chất lượng cao có quy mô trang trại, gia trại.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tiếp tục triển khai hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương phát triển chăn nuôi trang trại tập trung, đặc biệt là trại vỗ béo trâu, bò gắn với ứng dụng tiến bộ kỹ thuật như nuôi nhốt, có bổ sung thức ăn. Cơ giới hóa chế biến thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, trong đó nguồn thức ăn thô chủ yếu từ rơm được ngành chăn nuôi hướng đến. Đối với chăn nuôi bò quy mô nhỏ, nông hộ được ngành chăn nuôi tiếp tục áp dụng thụ tinh nhân tạo nhằm tạo ra các giống lai có khả năng sinh sản, sinh trưởng tốt và nâng cao chất lượng sản phẩm. Các cấp, ban, ngành cần tạo điều kiện hỗ trợ vốn, đất đai, hướng dẫn thủ tục hưởng chính sách cho các trang trại nuôi bò tập trung.

Theo ông Nguyễn Văn Hưng, các mô hình được ngành nông nghiệp ưu tiên, hỗ trợ sản xuất như xử lý gây động dục đối với bò nhằm nâng cao khả năng sinh sản; xây dựng mô hình nuôi bò bán thâm canh gắn với chế biến rơm, ủ chua cỏ làm thức ăn, bổ sung thức ăn tinh theo giai đoạn. Các địa phương tuyên truyền, vận động hộ nuôi dự trữ rơm và thức ăn tinh khi vào vụ thu hoạch để chống đói trong mùa đông. Ngành thú y xây dựng hệ thống thú y cơ sở, chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ và có chính sách đãi ngộ nhằm động viên thực hiện công tác tuyên truyền và bảo vệ đàn gia súc tốt hơn.

Bài, ảnh: Hoàng Thế

Nguồn: Báo Thừa Thiên – Huế

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *