Từ sau tết Nguyên đán 2025, giá thịt lợn tăng dần. Hiện nay, giá thịt lợn thành phẩm loại 1, như thịt ba chỉ bán tại chợ dao động khoảng 180.000 đồng/kg, tăng hơn 60 nghìn đồng so với thời điểm cuối năm 2024. Giá mua – bán thịt lợn đang tăng cao vì cung – cầu chưa gặp nhau.
Theo thống kê của ngành quản lý chăn nuôi thành phố, hơn 1 tháng gần đây, giá lợn hơi bán ra tại TP. Huế từ 80 – 85.000 đồng/kg. Mức giá này cao nhất kể từ 5 năm trở lại đây và không chỉ ở Huế, mà còn được ghi nhận ở các tỉnh, thành miền Trung và cả nước. Giá lợn hơi tăng cao lúc này khiến đa phần các chủ nuôi phấn khởi. Bởi theo tính toán, so với chi phí chăn nuôi bỏ ra, từ đầu tháng 3/2025 đến nay, người nuôi thu lãi tăng thêm 15 – 20 nghìn đồng/kg khi xuất chuồng.
Dù giá lợn hơi đang tăng, nhưng người nuôi vẫn lo các chi phí khác sẽ đội giá khi tái đàn
Hiện tại, bình quân mỗi ngày lượng thịt lợn tiêu thụ trên địa bàn TP. Huế khoảng 60 tấn (thịt sau mổ), tương đương 1.200 con. Tuy nhiên, nguồn cung thịt lợn tính riêng ở TP. Huế chỉ đáp ứng khoảng 75% nhu cầu. Lý do nguồn cung thịt lợn ở Huế bị thiếu hụt, theo đại diện quản lý ngành chăn nuôi địa phương, đa số đã xuất chuồng phục vụ tết Nguyên đán năm 2025 nên chưa kịp tái đàn. Bên cạnh đó, tình hình dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) vẫn còn diễn biến phức tạp trên cả nước nên nhiều trang trại còn e ngại, chưa tái đàn. Một lý do nữa là vì DTLCP diễn biến phức tạp, trước tết Nguyên đán 2025, một số cơ sở, hộ chăn nuôi đã bán lợn sớm, kéo theo nguồn cung hiện nay khan thiếu.
Từ thực tế đó đòi hỏi ngành nông nghiệp phải có những kế sách kịp thời nhằm tạo điều kiện để người chăn nuôi lợn có kế hoạch tái đàn phù hợp, chủ động ứng phó với dịch bệnh để luôn đảm bảo nguồn cung, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Hiện ở TP. Huế có 4 cơ sở nuôi lợn với quy mô lớn và 6 cơ sở với quy mô vừa. Trong đó, cơ sở nuôi ít nhất cũng hơn 1.400 con và cơ sở lớn đang nuôi hơn 60.000 con lợn thịt. Các cơ sở này hiện đã, đang tái đàn; trong đó có cơ sở đã tái đàn lợn trên 2 tháng tuổi. Bên cạnh sự chuẩn bị nguồn cung của các cơ sở chăn nuôi lợn, các chủ kinh doanh, cơ sở giết mổ cũng chủ động nhập nguồn lợn thịt từ các tỉnh, như: Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Trị với số lượng từ 200 – 500 con/ngày để đảm bảo nguồn cung trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, các siêu thị lớn, nhỏ đã chủ động nguồn cung cấp đủ thịt lợn, bình ổn giá cho thị trường hiện nay.
Về lâu dài, các cơ quan chức năng, như ngành nông nghiệp, công thương… cùng các địa phương cần tăng cường theo sát diễn biến cung – cầu mặt hàng thịt lợn, nhằm tránh xảy ra đột biến cục bộ về giá; đồng thời theo dõi thị trường con giống, thức ăn chăn nuôi để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, góp phần ổn định đầu vào cho người chăn nuôi. Bên cạnh đó, người chăn nuôi cùng các nhà phân phối cần có sự thỏa thuận, cam kết trong việc cung ứng, điều tiết phù hợp lượng cung cũng như kế hoạch bán hàng, chung tay cùng cơ quan quản lý chia sẻ trách nhiệm với người tiêu dùng, không để giá lợn tăng “nóng”, ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát kinh tế vĩ mô của Nhà nước. Các cơ sở chăn nuôi, chế biến, kinh doanh thịt lợn cũng cần tổ chức tái đàn thận trọng, không găm hàng, thổi giá. Doanh nghiệp phân phối cung ứng thịt lợn phải bảo đảm chất lượng thường xuyên tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị tại địa phương.
Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố, hiện nay, DTLCP trong nước còn diễn biến phức tạp, nên các cơ sở chăn nuôi cần thường xuyên thực hiện vệ sinh, an toàn khu nuôi, chủ động phòng, chống dịch… Đây cũng là yếu tố góp phần đảm bảo nguồn cung thịt lợn trên thị trường ổn định.
Bài, ảnh: Minh Văn
Nguồn: Báo Thừa Thiên – Huế