Sau 3 năm triển khai, mô hình nuôi dế thương phẩm của anh Siu Nghiệp (buôn Plei Gok, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, góp phần khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của thanh niên tại địa phương.
Anh Nghiệp cho biết: Năm 2019, trong một lần đi ăn cùng bạn bè, anh thấy món dế chiên lạ miệng mà rất ngon. Hỏi thăm chủ quán thì anh biết nguyên liệu làm món này là dế nuôi. Tò mò, anh tìm hiểu trên mạng internet về quy trình, cách thức nuôi dế. Nhận thấy dế khá dễ nuôi, thức ăn có sẵn trong tự nhiên, vốn đầu tư không nhiều, anh quyết định đặt mua 3 khay trứng dế với giá 450 ngàn đồng tại một cơ sở trong miền Tây về nuôi thử nghiệm.
Mặc dù lứa dế đầu tiên sinh trưởng tốt giúp anh thu về 8 kg dế thương phẩm nhưng do không nắm vững kỹ thuật, trứng dế bị mốc tới 80%. Không bỏ cuộc, anh tìm đến một số cơ sở nuôi dế học tập kinh nghiệm. Được những người có kinh nghiệm truyền nghề, anh quyết tâm cải tạo lại chuồng nuôi và bắt đầu tái đàn. Hiện anh duy trì 6 chuồng nuôi dế với diện tích gần 20 m2.
Theo anh Nghiệp, nuôi dế phải đảm bảo yêu cầu 3 sạch (ở sạch, ăn sạch, uống sạch). Trại nuôi dế phải thông thoáng, chuồng nuôi được làm bằng khung sắt cách mặt đất khoảng 80 cm, xung quanh bao ni lông, phía trên phủ vải mùng tránh sinh vật khác vào ăn dế cũng như tránh dế bay ra ngoài trong giai đoạn sinh sản. Dế không ưa độ ẩm cao nên chỉ cần phun sương lên thức ăn là đủ. Thức ăn của dế khá dễ kiếm như lá mì, lá chuối, khoai lang, cỏ, bầu, bí… Mỗi ngày cho dế ăn 2 lần sáng và chiều. Để đảm bảo chuồng nuôi khô thoáng, anh dùng lá chuối khô và vỉ trứng gà làm chỗ cho dế trú ngụ. Giai đoạn dế sinh sản, anh bổ sung thêm cám gạo giúp dế tăng sức đề kháng.
Anh Siu Nghiệp (thôn Plei Gok, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện) phun sương giữ độ ẩm cho chuồng dế. Ảnh: Vũ Chi
Thông thường, trứng dế sẽ nở con sau 7 – 10 ngày, còn dế thương phẩm có thời gian sinh trưởng 30 – 45 ngày. Tuy nhiên, anh Nghiệp thường xuất bán khi dế khoảng 2 tháng tuổi, bởi theo anh, lúc này dễ bắt đầu có trứng, khi chế biến, chất lượng thịt sẽ ngon hơn. “Để đảm bảo chất lượng dế thịt, trước khi xuất bán, tôi cho dế nhịn ăn, chỉ bỏ mía chẻ khúc để dế uống nước cho sạch ruột. Sau khi rửa sạch 3 lần bằng nước muối, tôi hấp dế với củ sả, gừng và lá chanh trước khi đóng gói thành từng bì 0,5 kg, bảo quản trong ngăn đông của tủ lạnh. Với cách làm này, dế vừa có thể bảo quản được lâu, vừa thơm, ngon hơn khi chế biến món ăn”-anh Nghiệp chia sẻ kinh nghiệm.
Hiện nay, anh cung cấp cho thị trường khoảng 20 kg dế thương phẩm/tháng với giá 200.000 đồng/kg. Theo anh Nghiệp, thị trường tiêu thụ dế thương phẩm rất rộng. Ngoài các quán ăn trên địa bàn huyện, anh còn xuất bán cho khách hàng tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP. Đà Nẵng… Để đảm bảo nguồn hàng, ngoài việc mở rộng quy mô chuồng trại tại gia đình, anh rất mong đoàn viên, thanh niên tại địa phương liên kết triển khai nuôi dế thương phẩm. Anh sẵn sàng hỗ trợ con giống cũng như tư vấn kỹ thuật để các bạn triển khai mô hình, phát triển kinh tế gia đình.
Tham quan mô hình, anh Nay Gah Pril-đoàn viên Chi Đoàn buôn Plei Gok-cho hay: “Qua chia sẻ của anh Nghiệp, tôi nhận thấy mô hình nuôi dế thương phẩm không cần quá nhiều vốn đầu tư, thức ăn dễ kiếm. Được anh Nghiệp hướng dẫn kinh nghiệm và hỗ trợ con giống, sắp tới, tôi làm theo để tăng thu nhập”.
Ông Ksor Lam – Trưởng thôn kiêm Bí thư Chi bộ buôn Plei Gok-cho biết: Mô hình nuôi dế thương phẩm của anh Siu Nghiệp rất hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình; đồng thời góp phần khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, làm giàu chính đáng của thanh niên.
Vũ Chi
Nguồn: Báo Gia Lai