Với điều kiện thuận lợi, những năm gần đây, nghề nuôi dê được nhiều hộ ở xã Phú Vinh, huyện Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình) đầu tư đã đem lại hiệu quả kinh tế, thu nhập ổn định.
So với các loại vật nuôi khác, dê có khả năng kháng bệnh cao, chịu được khí hậu khắc nghiệt; nuôi dê chi phí đầu tư ban đầu ít, không tốn nhiều tiền mua thức ăn. Chuồng trại chăn nuôi có thể tận dụng chuồng bò, chuồng lợn cũ quây lưới, bảo đảm thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Dê được nuôi dưỡng tốt sau 10 tháng bắt đầu sinh sản. Một năm dê đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 1 – 3 con, sau 6 – 7 tháng có thể xuất bán, trọng lượng đạt 20 – 30 kg/con. Giá thịt dê thương phẩm tương đối ổn định, nhu cầu tiêu thụ của thị trường khá lớn, không chỉ tiêu thụ trên địa bàn xã, huyện mà nhiều thương lái từ các địa bàn lân cận cũng đến mua.
Mô hình nuôi dê của anh Đinh Công Thơ, xóm Giác, xã Phú Vinh (Tân Lạc) cho thu nhập từ 70 – 80 triệu đồng/năm.
Đồng chí Đinh Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Vinh cho biết: "Toàn xã có trên 50 hộ nuôi với hơn 1.360 con dê, hộ ít nuôi 4 – 5 con, nhiều hộ có đàn dê 60 – 70 con… Dê giống được lựa chọn chủ yếu là giống dê cỏ, dễ nuôi, dễ thích nghi với thời tiết, ít dịch bệnh. Từ phát triển nuôi dê, đời sống kinh tế của bà con khởi sắc hơn, tạo việc làm, góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân”.
Thăm khu nuôi dê của hộ anh Đinh Công Thơ, xóm Giác, một trong những hộ nuôi dê nhiều nhất xã. Anh Thơ cho biết: Năm 2014, gia đình tôi bắt đầu nuôi dê với số vốn đầu tư ban đầu 20 triệu đồng, tôi làm chuồng rộng khoảng 30 m2 và mua 4 con dê giống về nuôi, đến nay đàn dê có trên 70 con. Nuôi dê khá nhàn vì đây là loài vật ít bệnh, ăn tạp. Hình thức nuôi chủ yếu vừa nuôi nhốt kết hợp bãi chăn thả để đàn dê nhanh lớn, thịt dê đảm bảo chất lượng, được thị trường đón nhận tích cực. Với giá bán 130.000 – 150.000 đồng/ kg, sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận từ 70 – 80 triệu đồng/năm.
Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển mô hình, anh Thơ cho biết thêm: Nguồn thức ăn của dê khá phong phú. Hàng ngày, khi mặt trời lên cao, cây cỏ hết ướt sương mới đi cắt lá cho dê ăn để tránh dê bị lạnh bụng, dễ ốm, đến chiều tối lùa từ bãi thả vào chuồng. Dê là loài tạp ăn, nhiều loại lá cây và cả phế phụ phẩm nông nghiệp chúng đều có thể ăn được. Chuồng trại phải thông thoáng, sạch sẽ, tránh nắng nóng, sàn cách mặt đất khoảng 1 m vì loài dê không ưa độ ẩm cao, nhất là mưa phùn dê rất dễ ốm. Phía trước chuồng nuôi cần có một khoảng đất trống để quản lý theo dõi đàn dê, cho ăn, phối giống và phòng trị bệnh. Nuôi dê không mất công chăn thả, ít bị lây nhiễm mầm bệnh từ bên ngoài, chất thải từ dê còn tận dụng làm phân bón cho cây trồng.
Nghề nuôi dê phù hợp với địa bàn, bởi địa hình xã có khí hậu thuận lợi, ôn hòa, nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, chi phí cho thức ăn chăn nuôi tương đối thấp, hiệu quả kinh tế cao. Hiện, nhu cầu tiêu thụ dê thịt lớn, thương lái các tỉnh, thành phố lân cận tìm đến tận nhà hỏi đặt cọc, thu mua với giá ổn định từ 130.000 – 150.000 đồng/kg.
Mô hình nuôi dê hàng hóa ở xã Phú Vinh đem lại nguồn thu nhập ổn định, tạo việc làm cho lao động địa phương, hiệu quả bền vững. Xã đã hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi dê, từng bước hướng tới xây dựng HTX, sản phẩm thế mạnh, nổi bật của địa phương; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi thông qua các kênh tín dụng chính sách, tiếp tục tăng đàn, góp phần nâng cao thu nhập, thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo. Đến nay, thu nhập bình quân toàn xã đạt 42 triệu đồng/ người/năm.
Hoàng Anh
Nguồn: Báo Hòa Bình