Nhiều năm nay, ông Nguyễn Văn Tình (SN 1966) ở thôn Đình Chùa, xã Liên Sơn (Tân Yên – Bắc Giang) phát triển mô hình nuôi chim bồ câu thương phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Từng nhiều năm nuôi gà, từ năm 2017, gia đình ông Tình chuyển sang nuôi chim bồ câu thương phẩm bởi nhận thấy nhiều ưu điểm. Quá trình chăn nuôi có thời điểm gặp khó khăn, nhất là khi xảy ra dịch Covid-19, các địa phương bị cách ly phòng dịch, vật nuôi không tiêu thụ được, ông Tình đành chịu lỗ, cố gắng duy trì đàn vật nuôi. Từ 200 đôi chim giống, đến nay, khu chuồng trại của gia đình ông thường xuyên có 1,2 nghìn đôi chim bố mẹ.
Ông Nguyễn Văn Tình.
Ông cho biết: “Nuôi bồ câu Pháp ít bị dịch bệnh, không vất vả chăm sóc và tốn ít thức ăn. Việc tiêu thụ thuận lợi do nhu cầu thị trường đối với sản phẩm này lớn”. Một trong những khâu quan trọng là chọn chim bố mẹ và thành thạo kỹ thuật chăm sóc. Chuồng trại được ngăn thành từng dãy lồng cho từng cặp chim giống, có hệ thống cấp nước uống tự động, quạt thông gió.
Từ lúc chim nở đến khi sinh sản khoảng 6 tháng; vòng đời một đôi chim sinh sản thường kéo dài từ 4 đến 5 năm. Ông Tình sử dụng lò ấp kiểm soát chặt chẽ nhiệt độ để tỷ lệ trứng nở cao, rút ngắn thời gian giữa các lứa đẻ của chim mẹ. Trung bình mỗi tháng, gia đình ông Tình cung cấp ra thị trường từ 1 – 1,2 nghìn con chim thương phẩm. Với giá bán 80-85 nghìn đồng/con, trừ chi phí, mỗi tháng mô hình cho thu nhập từ 40 – 50 triệu đồng.
Theo ông Tình, hiện nay, thịt chim bồ câu rất được ưa chuộng, là thực phẩm bổ dưỡng, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, vì thế nhiều khi không đủ số lượng cung cấp. Qua thực tế chăn nuôi nhiều năm, tích cực học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm từ các trang trại chăn nuôi lớn ở các vùng, giờ đây ông Tình chủ động về kỹ thuật chăm sóc, phòng dịch bệnh cho chim bồ câu, nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Ông Phạm Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Liên Sơn cho biết: Mô hình nuôi chim bồ câu không mới nhưng phát triển quy mô lớn và đạt hiệu quả kinh tế cao như hộ ông Nguyễn Văn Tình là chưa có nhiều trong huyện. Trong bối cảnh chăn nuôi gặp khó khăn do giá thức ăn tăng mạnh, người chăn nuôi bỏ trống chuồng nhiều thì nuôi chim bồ câu thương phẩm đang có lợi thế. Thời gian tới, Hội sẽ nghiên cứu, nhân rộng mô hình tại địa phương đồng thời hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao thu nhập cao cho nông dân.
Thanh Nga
Nguồn: Báo Bắc Giang