Sau 5 năm bươn chải, vợ chồng Nguyễn Văn Đại và Nguyễn Thị Hiền đã mở rộng mô hình nuôi dúi lên thành HTX Chăn nuôi, phát triển và kinh doanh dúi Trà My – Nông lâm nghiệp Đại Quang (HTX dúi Trà My), bao tiêu đầu ra cho các hộ nuôi khác ở 2 huyện Bắc Trà My và Nam Trà My (Quảng Nam).
Từ ý chí vượt khó
HTX dúi Trà My nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai thuộc thị trấn Trà My (Bắc Trà My) rộng 1.400 m2. Đó là cơ ngơi sau hơn 5 năm gầy dựng của vợ chồng anh Nguyễn Văn Đại và chị Nguyễn Thị Hiền. Theo anh Đại, anh không phải là người đầu tiên nuôi con vật “đặc sản” này nhưng chuyện nuôi thương phẩm với số lượng lớn rất khó khăn và nhiều người đã thất bại.
Thuận lợi duy nhất để vợ chồng anh Đại quyết tâm đeo đuổi mô hình nuôi dúi chính là thức ăn cho chúng là những thực vật dễ tìm kiếm, tận dụng có giá rẻ. Theo đó, cỏ voi, khoai, mía, bắp hay tre từ núi rừng là thứ có sẵn tại vùng đất này giúp khâu chi phí về thức ăn chăn nuôi được tiết kiệm khi khởi nghiệp.
Vợ chồng Nguyễn Văn Đại và Nguyễn Thị Hiền đã phát triển mô hình nuôi dúi lên thành HTX với quy mô 10 thành viên. Ảnh: Đ.H
Đồng thời, để có “vốn liếng” cho khởi nghiệp vợ chồng anh Đại đã tìm hiểu kiến thức, tiếp thu kinh nghiệm từ những mô hình trang trại nuôi dúi thành công và trên internet.
“Khó khăn lớn nhất khi nuôi dúi là kiểm soát bệnh tật và nhiệt độ cơ thể của chúng. Trong đó, bệnh về đường tiêu hóa và hô hấp là nguyên nhân chính khiến sụt giảm đàn nhiều nhất. Phải trải qua những vấp váp mới có kinh nghiệm thực tiễn đúc kết kỹ thuật chăn nuôi dúi” – anh Nguyễn Văn Đại chia sẻ.
Theo kinh nghiệm của anh Đại, vào mùa đông, nhiệt độ giảm mạnh, rơm luôn được chuẩn bị sẵn để ủ ấm cho dúi. Còn vào mùa nắng nóng, nền nhiệt cao thì phải xử lý bằng hệ thống quạt làm mát để nhiệt độ cơ thể của dúi ổn định ở mức 25 – 30 độ C.
Ngoài ra, dúi có tập tính loài đào đất, sống hang, ưa bóng tối, thích yên tĩnh nên vợ chồng anh Nguyễn Văn Đại cũng hạn chế ánh sáng trực tiếp trong trang trại, chỉ dùng đèn mờ khi cho ăn và tránh nhiễu động do tiếng ồn.
Thức ăn cho loài dúi khá dễ tìm tại vùng miền núi. Ảnh: Đ.H
Tính đến thời điểm này, chuồng nuôi với diện tích 400 m2 của vợ chồng anh Đại đã có hơn 100 con giống và dúi nuôi lấy thịt. Trong đó có 70% con cái, 30% con đực, số lượng phù hợp cho mỗi con đực ghép được với 2 con cái. Để đảm bảo sức khỏe con mẹ, thay vì cho dúi sinh nở 3 lứa/năm như nhiều trang trại chăn nuôi khác thì anh Đại lại chọn cách ghép giống để 1 năm chỉ 2 lần sinh sản.
Theo anh Đại, mỗi kỳ sinh sản dúi mẹ đẻ ít thì tầm 3 – 4 con, nhiều có lứa từ 5 – 7 con. Và mỗi cặp dúi giống có giá 3,5 triệu đồng, dúi thương phẩm giá thành 500 nghìn đồng/kg. Như thế, mỗi lần xuất chuồng sẽ cho lợi nhuận khoảng 20 – 30 triệu đồng.
Hình thành chuỗi liên kết chăn nuôi
Việc kinh doanh phát triển của HTX dúi Trà My không chỉ tạo nguồn thu nhập cho gia đình vợ chồng anh Nguyễn Văn Đại mà còn hỗ trợ bao tiêu đầu ra cho các hộ chăn nuôi dúi trên địa bàn 2 huyện Bắc Trà My, Nam Trà My. Nhờ làm ăn uy tín, chất lượng dúi thương phẩm tốt nên các thương lái ở thị trường các tỉnh miền Nam như TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai luôn đặt đơn hàng với HTX dúi Trà My.
Bình quân khoảng 2 đến 3 tuần thì thị trường cần đến 100 kg dúi thương phẩm. Để ổn định nguồn cung, vợ chồng anh Đại nhận thu mua dúi của các thành viên HTX cũng như các hộ chăn nuôi khác. Đến nay, có 10 đầu mối ở Bắc Trà My, Nam Trà My đảm nhận việc gom mua và khi đủ khoảng 100 – 200 con dúi là xuất bán vào miền Nam.
Dúi mẹ có thể sinh sản đến 7 con/ lứa. Ảnh: Đ.H
Ông Nguyễn Đức Dũng (xã Trà Giáp, Bắc Trà My) cho biết: “Dúi là đặc sản núi rừng với thịt thơm ngon lại giàu dưỡng chất. Thế nên ban đầu tôi nghĩ đầu ra thuận lợi nhưng sau một thời gian kinh doanh, câu chuyện tiêu thụ dúi lại trở thành vấn đề nan giải. Bởi riêng HTX của tôi thì số lượng không đủ cho một chuyến hàng. Nhưng từ ngày liên kết với HTX dúi Trà My, tôi đều đặn xuất mỗi tuần 50 – 70 con. Việc kinh doanh của tôi cũng vì thế thuận lợi, khấm khá hơn”.
Tương tự, thông qua mạng xã hội Facebook, chị Nguyễn Thị Hạnh (thôn 2, xã Trà Giang, Bắc Trà My) cũng đã kết nối làm ăn. “Quy mô kinh doanh của mình vẫn còn khá nhỏ nên tính cạnh tranh trên thị trường rất thấp do phát sinh chi phí về vận chuyển, phụ thuộc ghép đơn hàng với người khác… Tuy nhiên khi tham gia chuỗi liên kết nuôi dúi với HTX dúi Trà My thì yên tâm phát triển mô hình chăn nuôi này. Hiện mỗi tuần, tôi xuất 15 con dúi, nhưng sẽ mở rộng quy mô trong thời gian tới” – chị Hạnh nói.
Dúi thương phẩm có giá bán ra thị trường khoảng 500 nghìn đồng/kg tạo nên thu nhập ổn định cho các thành viên của HTX dúi Trà My và các hộ chăn nuôi dúi khác. Ảnh: Đ.H
Ngoài ra, HTX dúi Trà My còn mang lại công việc, thu nhập cho người lao động địa phương với mức lương 5 – 6 triệu/tháng. Và trong tương lai, HTX dúi Trà My sẽ mở rộng diện tích chăn nuôi để phát triển số lượng đàn và nuôi thêm loài chồn hương để đa dạng mô hình.
H.Đạo – T.Hiền
Nguồn: Báo Quảng Nam