Tài xế nhà xe D.T tiết lộ, giống gia cầm được chuyển đi tiêu thụ mà không gặp bất cứ cản trở nào dù không có giấy kiểm dịch, vì đã được ‘thông tuyến’.
Điểm trung chuyển con giống gia cầm Trung Quốc ở Thái Bình
Theo tiết lộ của cánh lái xe đường dài, vòng xuyến Đồng Tu, thuộc thị trấn Hưng Hà, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình là điểm trung chuyển con giống gia cầm Trung Quốc lớn ở tỉnh Thái Bình. Bởi, vị trí này nằm ngay quốc lộ 39A, thuận đường để các nhà xe vận chuyển hàng hóa “vào nam ra bắc”.
Con giống sẽ được các đầu nậu mang đến đây, rồi đưa lên xe khách, xe giường nằm vận chuyển liên tỉnh, phân phối cho các địa phương miền núi phía Bắc với số lượng hàng vạn con mỗi ngày.
Hàng vạn con giống gia cầm được đưa lên xe giường nằm để vận chuyển đi phân phối cho các tỉnh miền núi phía Bắc. Ảnh: ĐM.
Không mất nhiều thời gian theo dõi, khoảng 6h tối, các xe tải chở theo con giống gia cầm bắt đầu tập kết. Trong đó, nhiều hàng nhất là chiếc xe mang BKS: 17C-195.xx. Chủ xe là Nhất (người này tự đặt tên tài khoản Zalo là “Nhất Tàu”) – một dân buôn lâu năm ở Quỳnh Nguyên, Quỳnh Phụ, Thái Bình.
Theo lời của các lái xe tuyến Thái Bình – Cao Bằng, đúng như tên gọi, cái gì liên quan đến người này cũng nhất: Hàng nhiều nhất, đẹp nhất và đi nhiều tỉnh vùng cao nhất.
“Hàng này bọn anh xuất đi Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang… nhiều lắm. Cứ tập kết gà, vịt ở đây trước rồi đợi nhà xe đến bốc thôi”, Nhất chia sẻ trong lúc chờ xe đến bốc hàng.
Các nhà xe nhận vận chuyển con giống gia cầm có thể kể đến như: Thanh Bằng (BKS 17B-011.xx, chuyên tuyến Thái Bình – Hà Giang), Bắc Sơn (BKS 26B-000.xx (chuyên tuyến Thái Bình – Sơn La), Hoàng Nguyễn (BKS 17B-009.xx, chuyên tuyến Thái Bình – Lai Châu) và nhà xe D.T (BKS 17F-002.xx, chuyên tuyến Thái Bình – Cao Bằng).
Chưa đợi xe kịp dừng hẳn, một phụ xe đã nhanh chóng nhảy xuống, mở cốp và bắt đầu kéo xềnh xệch những sọt gà, sọt vịt chuyển vào bên trong. Với những xe trong cốp đang chứa hàng hóa khác, cả phụ xe và tài xế phải nhanh chóng chuyển chúng lên trên khoang hành khách, để nhường chỗ cho những “thượng đế có cánh” liên tục kêu chiếp chiếp.
Khi cốp hết chỗ, phụ xe và tài xế trèo lên nóc xe, dùng dây thừng đã chuẩn bị sẵn chuyển gà, vịt lên. Công việc bốc xếp được thực hiện nhanh chóng và ngăn nắp như một thói quen hằng ngày. Sau khi hàng hóa đã được sắp xếp gọn gàng, phụ xe sẽ phủ bạt lên trên để che chắn và chằng cố định.
Con giống gia cầm được vận chuyển lên nóc và cốp xe. Ảnh: HK.
Cảnh tượng giao nhận hàng nhộn nhịp kéo dài trong khoảng 2 giờ đồng hồ. Thời điểm phóng viên có mặt, tuyệt nhiên không thấy có sự xuất hiện của lực lượng chức năng đến kiểm tra, kiểm soát.
Câu hỏi đặt ra lúc này là đường đi của những con giống gia cầm sẽ diễn ra như thế nào? Chúng có giấy tờ kiểm dịch hay không? Để giải đáp thắc mắc, phóng viên đã trở thành hành khách trên chuyến hành trình này cùng hàng nghìn con gà, vịt.
Chúng tôi lựa chọn chiếc xe mang BKS 17F-002.xx của nhà xe D.T chuyên tuyến Thái Bình – Cao Bằng. Bởi theo các đầu nậu, hãng xe D.T này là “gương mặt quen thuộc”, là đơn vị chịu trách nhiệm vận chuyển gia con giống Trung Quốc lên các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng để tiêu thụ.
Gà, vịt “xuyên thủng” loạt phòng tuyến kiểm soát động vật
Vừa bước lên xe, mùi gà, vịt bốc lên nồng nặc. Thấy khách có vẻ khó chịu, người tài xế liền trấn an: “Không sao lát xe di chuyển là hết (mùi)”.
Lời nói là vậy, tuy nhiên thực tế lại chứng minh điều ngược lại. Trong thời gian di chuyển, hành khách trên xe ai cũng tỏ ra lo lắng khi phải nằm trên những chiếc giường, đắp những chiếc chăn mà không biết chỗ của mình có từng để sọt gà, sọt vịt nào lên hay không.
“Toàn cái mùi gì thối lắm, không biết là chở cái gì, thế này thì không ngủ nổi”, một hành khách trên xe tức tối.
Theo lời của Dũng (nhân vật đã được đổi tên), tài xế nhà xe D.T, vài năm trở lại đây, tuyến Thái Bình – Cao Bằng trở thành “mỏ vàng” mới của nhà xe này. Bởi vì, bên cạnh việc chở khách, họ còn kinh doanh thêm cả dịch vụ vận tải hàng hóa, mà mặt hàng chính là những con giống gia cầm không có lai lịch và giấy tờ kiểm dịch.
Lái xe hãng này còn cho biết, Thái Bình – Cao Bằng có 2 xe thay nhau chạy, mỗi xe có thể chở tối đa 200 sọt gà, vịt. Cước phí mỗi sọt là 60.000 đồng. Nếu lời tài xế nói là đúng, thì chúng tôi tính nhẩm, riêng tiền ‘vé’ chở gia cầm giống cũng có thể mang lại cho nhà xe 12 triệu đồng/chuyến nếu chất tải hết công suất.
Sau mỗi chuyến hàng, nhà xe có thể thu về từ 9 triệu đồng đến 12 triệu đồng tiền cước vận chuyển. Ảnh: ĐM.
Không chỉ đưa hàng lên vùng cao, nhà xe này còn nhận chuyển gà, vịt vào phía Nam. “Hà Tĩnh, Nghệ An đi nhiều lắm, mỗi lần đi cả trăm lồng”, Dũng chia sẻ.
Riêng tuyến Thái Bình – Cao Bằng, chiếc xe này phải di chuyển trên một quãng đường dài 330km. Chặng đường xa, phải qua nhiều trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông, nhưng lái xe tiết lộ, xe chở gà, vịt này hoàn toàn không gặp bất cứ sự “cản trở” nào đến từ cơ quan chức năng.
Người lái xe nói nhỏ với phóng viên, “muốn đi được như này thì phải có cửa riêng, không thì chịu”… “Cơ quan chức năng gặp nhiều lắm…. (Đây chỉ là thông tin một chiều từ tài xế và Báo Nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục xác minh).
Bác tài tiếp tục lý giải, hàng này không có giấy tờ kiểm dịch, vì thế đâu phải cứ thích mang xe ra chạy là chạy được. Chưa hết, D.T còn là hãng xe “uy tín”, đã có kinh nhiệm nhiều năm vận chuyển gà, vịt giống đi nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Vì vậy, nếu không có liên kết thì không thể thông tuyến được.
Từ nhiều năm nay, các chủ buôn con giống gia cầm Trung Quốc đã hình thành mắt xích với nhiều xe khách để vận chuyển gia cầm đi các tỉnh vùng cao tiêu thụ. Họ bảo nhau tập kết con giống và biến khu vực vòng xuyến ngã tư ngay đầu thị trấn Hưng Hà thành điểm trung chuyển, giao dịch.
Tài xế của nhà xe D.T chia sẻ bí quyết để con giống gia cầm không có giấy tờ vẫn đi băng băng trên đường mà không bị cản trở. Ảnh: HK.
Theo ghi nhận của phóng viên, muốn vận chuyển gia cầm giống bằng xe khách từ các tỉnh miền xuôi vào thành phố Cao Bằng, bắt buộc phải đi qua một trong hai trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông. Một trạm được đặt trên Quốc lộ 4a tại xóm Tục Ngã, xã Đức Xuân, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng (gần tiếp giáp với địa phận huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn). Một trạm được đặt trên Quốc lộ 3 để kiểm soát vận chuyển động vật từ phía Bắc Kạn sang.
Chưa kể các địa phương khác cũng lập các trạm kiểm dịch động vật dọc cung đường từ Thái Bình lên Cao Bằng. Vậy nên, thật khó hiểu khi “trang trại gà di động” là xe giường nằm của nhà xe D.T có thể băng băng qua trạm kiểm dịch để cập bến xe khách mới thành phố Cao Bằng.
Khi chiếc sọt gà, vịt cuối cùng được dỡ khỏi xe, cũng là lúc những con giống này bắt đầu một hành trình mới, đi đến tay người dân. Chúng tôi tiếp tục đi tìm đáp án cho câu hỏi? Ở Thái Bình, những người cung cấp con giống gà, vịt Trung Quốc cho các đầu mối ở các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu,… là ai? Vì sao thị trường giống gia cầm ở các tỉnh biên giới lại giúp những đầu nậu ở miền xuôi ‘hái ra tiền’?
Quá trình nhập vai điều tra, họ không chỉ dẫn dụ chúng tôi vào giấc mơ làm giàu, mà còn tiết lộ sự thật trần trụi về chất lượng những con giống 3 không “không nguồn gốc xuất xứ, không giấy tờ kiểm dịch, không tiêm vacxin phòng bệnh” dành riêng để cung cấp cho các chủ nông hộ nhỏ lẻ các tỉnh biên giới phía Bắc.
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam