Thoát nghèo từ nuôi dê bán chăn thả

Nhiều năm qua, nhờ sự năng động, sáng tạo và khát vọng làm giàu chính đáng, chị Nguyễn Thị Thanh Tiền, hội viên nông dân thôn Trà Cong, xã An Hòa, huyện An Lão, tỉnh Bình Định đã vươn lên thoát nghèo nhờ mô hình nuôi dê bán chăn thả.

Trước đây, gia đình chị Tiền thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống chỉ trông chờ vào vài sào ruộng. Trăn trở tìm cách thoát nghèo, sau khi dành dụm được một số vốn và tìm hiểu các mô hình kinh tế hiệu quả, chị Tiền quyết định đầu tư nuôi dê theo hình thức bán chăn thả.

Chị Tiền cho biết: “Cuối năm 2019, tôi bắt đầu thực hiện mô hình nuôi dê bán chăn thả với quy mô 20 con, mỗi ngày thả cho dê ăn cỏ từ 2 – 3 tiếng đồng hồ ở đồng hoặc bờ đê, kết hợp cắt lá cho dê ăn thêm tại chuồng. Vừa nuôi, vừa tìm tòi, học hỏi và rút ra kinh nghiệm của riêng mình, dần dần tôi quen việc”.

nuôi dê bán chăn thả

Nhờ nuôi dê bán chăn thả, chị Nguyễn Thị Thanh Tiền đã vươn lên thoát nghèo. Ảnh: D.T.D

Sau hơn một năm, đàn dê của gia đình chị đã sinh trưởng và phát triển ổn định với quy mô đàn thường xuyên 20 – 30 con/ lứa. Mỗi năm chị Tiền xuất bán được từ 700 – 800 kg dê thịt, thu về từ 70 – 90 triệu đồng. Nhờ nuôi dê thuận lợi, cuối năm 2021, gia đình chị Tiền đã thoát khỏi đói nghèo, đời sống ngày càng đi lên.

Được biết, nuôi dê lãi hơn nhiều so với các loại vật nuôi khác vì nguồn thức ăn của dê rất đa dạng như cỏ, các loại lá mít, lá chuối, lá mì… nên không tốn nhiều chi phí thức ăn. Mặt khác, hiện nay giá thịt dê ổn định ở mức cao, nhu cầu thị trường tiêu thụ thịt dê lại rất thuận lợi.

“Để nuôi dê hiệu quả, gia đình tôi làm chuồng nhà gác cho dê, sàn dưới luôn được đổ một lớp phân chuồng khô dày 7 – 10 cm để dê không tiếp xúc với bê tông và tránh nóng. Trên mỗi chuồng luôn được treo ống muối hạt giúp đàn dê bổ sung lượng muối khoáng cần thiết cho cơ thể. Để có đàn dê khỏe mạnh, mình nên chọn con giống tốt, vệ sinh chuồng trại thường xuyên, đặc biệt, thức ăn phải để khô ráo trước khi cho ăn để tránh dê bị đau bụng. Ngoài ra, định kỳ còn phải tẩy giun sán và tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm cho dê”, chị Tiền cho biết thêm.

Ông Nguyễn Văn Chúc, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hòa, cho biết: “Mô hình chăn nuôi dê bán chăn thả của hộ chị Nguyễn Thị Thanh Tiền rất phù hợp với định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại địa phương. Bởi đây là vật nuôi dễ chăm sóc, kỹ thuật nuôi đơn giản, vốn đầu tư thấp, thị trường tiêu thụ ổn định, lại cho thu nhập quanh năm. Thời gian tới, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình trên địa bàn để giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Diệp Thị Diệu

Nguồn: Báo Bình Định

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *