Với bản tính cần cù và ý chí vượt khó, sau gần 3 năm thực hiện mô hình nuôi dê sinh sản, chàng thanh niên dân tộc Vân Kiều Hồ Văn Ngui ở thôn Xa Đưng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã vươn lên thoát nghèo với thu nhập từ 60 – 70 triệu đồng mỗi năm. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh còn tấm gương khởi nghiệp cho nhiều thanh niên ở xã vùng cao Hướng Việt.
Trao đổi với chúng tôi về “cơ duyên” đến với mô hình nuôi dê, Hồ Văn Ngui cho biết, những năm trước, gia đình anh chủ yếu đốt nương, làm rẫy, cuộc sống hết sức khó khăn. Với quyết tâm thoát nghèo, năm 2018, được sự hỗ trợ của các tổ chức, dự án cộng với vay mượn từ người thân, anh quyết định đầu tư mua 6 con dê sinh sản về nuôi thử. Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm nên anh vẫn chăn nuôi theo tập quán cũ, thả rông cho dê tự đi tìm kiếm thức ăn nên đàn dê của anh chậm lớn, dễ bị bệnh. Không những chậm tăng đàn mà sau 6 tháng nuôi đàn dê của anh còn bị mất và chết do dịch bệnh chỉ còn lại 4 con. “Lúc đó mình nuôi dê như nuôi trâu bò, dê không có chuồng trại mà ngủ ngay dưới sàn nhà nên không được bảo vệ, con thì bị chó cắn gây thương tật, con thì bị bệnh chết. Mình thấy cứ nuôi dê theo tập quán cũ như thế này thì sẽ không thành công mà nguy cơ ngày càng nghèo thêm”, anh Ngui kể.
Anh Hồ Văn Ngui bên đàn dê của mình – Ảnh: Thục Quyên
Không bỏ cuộc, anh tìm đến các hộ nuôi thành công để học hỏi kinh nghiệm, đồng thời tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi dê thịt và dê sinh sản do Trạm Khuyến nông huyện tổ chức. Với những kiến thức tích lũy được, anh quyết định không nuôi dê theo tập quán cũ mà làm chuồng nuôi đúng kỹ thuật. Nhờ được chăm sóc tốt mà đàn dê của anh dần hồi phục và phát triển khá nhanh. Từ 3 con dê cái và 1 con dê đực còn lại, đến nay anh Ngui đang có trong tay gần 30 con dê cái sinh sản. Theo anh Ngui, mỗi năm một con dê cái sinh sản khoảng 2 – 4 dê con, nếu chăm sóc tốt thì sau 4 – 5 tháng dê có thể đạt trọng lượng từ 20 – 30 kg. “Theo tính toán của mình thì nuôi dê có lãi hơn một số vật nuôi khác, nhanh thu hồi vốn, đặc biệt là rất dễ bán. Hiện tại, mỗi năm mình xuất chuồng khoảng 15 – 20 con dê thịt, chủ yếu là dê đực. Với giá bán từ 140.000 – 150.000 đồng/kg, mình thu được từ 60 – 70 triệu đồng. Đây là số tiền khá lớn đối với người dân tộc thiểu số”, anh Ngui vui vẻ nói.
Trao đổi thêm về kinh nghiệm nuôi dê, anh Ngui chia sẻ, ưu điểm của dê là ăn tạp, thức ăn chủ yếu là cỏ, lá cây trong rừng nên nuôi đơn giản. Ở miền núi có thể tận dụng lợi thế về địa hình, có bìa rừng rộng lớn, nhiều cây cối để phát triển chăn nuôi dê. Để dê ít bị bệnh thì hằng ngày phải chờ mặt trời lên cao, cây cỏ hết sương, mới thả dê ra cho ăn, đến tối thì lùa về chuồng. Do dê có bản tính ưa chạy nhảy và hiếu động nên khi thả ra đồi, rừng phải có người đi theo chăn giữ tránh mất mát. Anh Ngui cũng lưu ý, dê là loài vật không chịu được độ ẩm cao nên chuồng trại phải thông thoáng, tránh nắng nóng chiếu trực tiếp và sàn gỗ nên cách mặt đất ít nhất 1 m. Ngoài ra, khi nuôi với số lượng lớn, người nuôi cần đầu tư làm chuồng trại, trồng thêm cỏ để nuôi nhốt dê tại chuồng vào những ngày mưa rét. “Thời gian tới, với số vốn tích cóp được, cũng như tìm thêm các kênh vốn vay ưu đãi cho phát triển sản xuất tại địa phương, mình sẽ đầu tư chuồng trại kiên cố hơn, trồng thêm 2 sào cỏ để nâng số lượng đàn dê của mình lên gấp đôi”, anh Ngui cho biết thêm.
Bí thư Xã đoàn Hướng Việt Hồ Văn Linh đánh giá rất cao tấm gương vượt khó thoát nghèo của anh Hồ Văn Ngui. Đặc biệt là trong việc tích cực tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, chịu khó áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó thu nhập của gia đình anh Ngui từng bước được cải thiện và trở thành một trong những hộ có điều kiện kinh tế khá trong thôn. Không chỉ làm giàu cho mình, anh Ngui còn tích cực tham gia các hoạt động của xã, nhiệt tình giúp đỡ những thanh niên có nhu cầu chăn nuôi dê về kỹ thuật, con giống để phát triển sản xuất.
Thục Quyên
Nguồn: Báo Quảng Trị