Ở Việt Nam, món thịt lợn không thể thiếu vào dịp Tết cổ truyền, như món thịt lợn ngâm mắm, thịt lợn kho nước dừa, thịt lợn làm nhân bánh chưng… Còn trong bữa ăn hàng ngày món ăn được chế biến từ thịt lợn cũng rất phổ biến.
Lợi ích sức khỏe của việc ăn thịt lợn
Nguồn protein chất lượng cao: Nói cách khác, thịt lợn chứa đủ nồng độ của tất cả các axit amin thiết yếu. 100g thịt lợn chứa các axit amin thiết yếu với hàm lượng cụ thể: histidin: 5.751mg; isoleucine: 6.189mg; leucine: 10.387mg; methionin: 3.469mg; phenylalanine: 5.122mg; threonine: 5.171mg; tryptophan: 1.212mg; lysin: 11.482mg.
Nguồn chính vitamin và khoáng chất cho người lớn: Kết quả nghiên cứu cho thấy, thịt lợn đóng góp: 16% tổng số chất béo; từ 23-31% tổng lượng protein, selen và thiamin; 11-19% phốt pho, kali, riboflavin, nicacin, vitamin B6 và vitamin B12; 21% tổng lượng kẽm ăn vào.
Nguồn giàu vitamin nhóm B: Thịt lợn là một trong những nguồn vitamin B chính. Vitamin nhóm B đóng một vai trò quan trọng trong cơ thể con người giúp tạo hồng cầu; Có một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy một thai kỳ khỏe mạnh và sự phát triển tốt cho trẻ nhỏ; Duy trì chức năng nhận thức lành mạnh; Đóng một vai trò quan trọng trong chuyển hóa năng lượng; Điều chỉnh hệ thần kinh trung ương; Tổng hợp các axit béo.
Hơn nữa, nghiên cứu cho thấy rằng thiếu vitamin B có thể dẫn đến lo lắng, trầm cảm và các loại rối loạn chức năng não khác nhau.
Nguồn glycine và collagen: Một số bộ phận của lợn có chứa một lượng đáng kể glycine, cao nhất là da lợn (đặc biệt là da bụng), chứa 11.919mg glycine trên 100g da lợn. Lượng glycine cao hơn giúp cơ thể tổng hợp nhiều collagen hơn.
Nghiên cứu cho thấy rằng việc tiêu thụ đủ collagen giúp giúp tăng cường và giữ cho tóc, da và khớp khỏe mạnh. Một tỷ lệ cân bằng giữa glycine và methionine có lợi ích kéo dài tuổi thọ.
Nguồn selenium: Một miếng thịt lợn 170g cung cấp đủ 100% lượng selen cần hàng ngày của một người. Duy trì đủ mức selen là đặc biệt quan trọng để chức năng tuyến giáp hoạt động tốt.
Yếu tố có hại sức khỏe từ thịt lợn do đâu?
Bệnh do nhiễm liên cầu lợn: Do cầu khuẩn Streptococcus suis (S.suis) gây nên. Người có nguy cơ lây nhiễm S.suis và phát bệnh khi tiếp xúc với lợn bị bệnh hoặc các sản phẩm từ lợn mang bệnh.
Biểu hiện lâm sàng chính là viêm màng não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp. Những người bị bệnh nặng có thể tử vong do độc tố vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, suy đa phủ tạng, nhiễm khuẩn huyết…
Để phòng bệnh, nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y; tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề; nấu chín thịt lợn; không ăn lợn chết, các món thịt lợn tái, đặc biệt là tiết canh lợn; những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn sống…
Bệnh giun xoắn (Trichinosis): Thịt lợn nhiễm Trichinella spiralis gây ra bệnh giun xoắn. Ăn thịt lợn bị ô nhiễm và nấu chưa chín là một yếu tố nguy cơ đối với nhiễm Trichinella spiralis. Ký sinh trùng này có thể xâm nhập ruột, cơ, thậm chí tất cả các cơ quan của cơ thể.
Các triệu chứng của bệnh giun xoắn có thể bao gồm buồn nôn, đau bụng và viêm cơ bắp kể cả cơ tim. Bệnh giun xoắn là một bệnh hiếm gặp và chỉ ảnh hưởng đến khoảng 10.000 người mỗi năm trên toàn thế giới.
May mắn thay, bệnh có thể phòng ngừa bằng cách đảm bảo thịt lợn được nấu chín. Nấu thịt lợn ở nhiệt độ 71-100°C là đủ để tiêu diệt bất kỳ ký sinh trùng nào.
Bệnh nhiễm vi khuẩn Yersinia ở ruột: Một nhiễm trùng tương tự khác do ăn thịt lợn chưa nấu chín bị nhiễm vi khuẩn Yersinia enterocolitica. Những vi khuẩn này gây nhiễm trùng được gọi là nhiễm trùng cầu khuẩn.
Mặc dù phổ biến hơn so với nhiễm giun xoắn, nhưng bệnh này thường tự thuyên giảm mà không cần điều trị. Tuy nhiên, chúng ta có thể tránh bằng cách đảm bảo nấu chín thịt lợn.
Thịt lợn có tỷ lệ omega-6 / omega-3 cao: Ăn nhiều thịt lợn bạn sẽ nhận nhiều omega-6 hơn so với lượng omega-3. Bản thân omega-6 và omega-3 đều có lợi cho cơ thể nhưng việc tiêu thụ mất cân bằng 2 chất này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng tác động lâu dài đến sức khỏe.
Tỷ lệ tiêu thụ lý tưởng nhất của hai chất này là 1:1. Hàm lượng omega-6 cao trong thịt lợn thường gặp trong thịt xông khói và thịt lợn bụng (hơn 5g axit béo omega-6 trên 100g).
Một số sản phẩm thịt lợn chứa nhiều nitrat và nitrit: Các sản phẩm thịt lợn như thịt xông khói và một số loại thịt lợn đã được chế biến sẵn có thể chứa nhiều nitrat và nitrit.
Nitrat và nitrit là một loại chất bảo quản hóa học thường được sử dụng trong thịt chế biến. Một số nghiên cứu dịch tễ học cho thấy có mối liên hệ giữa thịt chế biến và ung thư đường tiêu hóa.
Thịt lợn và bệnh mạn tính
Thịt lợn và bệnh tiểu đường týp 2: Trong một đánh giá có hệ thống, các nghiên cứu đã không cho thấy ảnh hưởng xấu đến nguy cơ bệnh tiểu đường do tiêu thụ thịt lợn tươi. Thậm chí còn có một số tác dụng có lợi như tăng lipoprotein tỷ trọng cao (HDL). Ngược lại, thịt chế biến dẫn đến đáp ứng insulin lớn hơn so với thịt tươi.
Thịt lợn và ung thư: Bên cạnh vấn đề bảo quản, một cơ chế tiềm ẩn khác để tăng nguy cơ ung thư xoay quanh cách thực hành nấu ăn có nhiệt độ cao. Thịt lợn nấu chín có thể tạo ra các hợp chất cụ thể được gọi là các hydrocacbon thơm đa vòng (PAHs) và các amin dị vòng (HCA). Các hợp chất này được xem là chất gây ung thư ở người.
Trong khi không có bằng chứng kết luận về nguyên nhân, có lẽ tốt hơn là sử dụng các phương pháp nấu ăn nhẹ nhàng và tránh đốt nướng thịt lợn.
Thịt lợn và bệnh tim mạch: Có rất ít nghiên cứu lâm sàng về thịt lợn và nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên, một đánh giá hệ thống gần đây về các thử nghiệm lâm sàng cho thấy không có sự khác biệt lớn trong các dấu hiệu của nguy cơ bệnh tim mạch giữa lượng ăn vào cao và thấp của thịt đỏ.
Các dữ liệu dinh dưỡng nêu trên cho thấy thịt lợn giàu chất dinh dưỡng thiết yếu.
Thịt lợn đóng vai trò quan trọng để đáp ứng các yêu cầu dinh dưỡng quan trọng trong chế độ ăn của con người. Trong khi có một số lo ngại về sức khỏe, chúng ta có thể khắc phục hầu hết những điều này bằng cách nấu ăn vệ sinh.
BS. Nguyễn Hải Lê