Hàng quán bán đồ ăn về gà ở TP. Nha Trang ế ẩm, có nơi đóng cửa, nhiều tiểu thương bán gà cũng chật vật do tin đồn liên quan các vụ nghi ngộ độc thực phẩm.
Hàng quán ế ẩm, tiểu thương chật vật
Ông Trương Quyên, chủ vựa gà tại chợ Xóm Mới – khu chợ nằm giữa trung tâm TP. Nha Trang (Khánh Hoà), nơi đông người dân và du khách qua lại – cho biết mỗi ngày chỉ bán được từ 2 – 3 con gà sau khi thông tin các vụ nghi ngộ độc thực phẩm liên quan đến gà xuất hiện trên mạng xã hội.
“Hồi trước bán lẻ cũng 40 – 50 con gà mỗi ngày, giờ thì cả ngày bán được không quá 3 con. Nhà hàng, quán ăn cũng hạn chế nhập hàng gần tuần nay”, ông Quyên buồn bã, hơn 10 năm qua, gia đình ông chỉ bán gà sống, có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc rõ ràng, nhưng thông tin lan truyền về các vụ ngộ độc khiến người dân lo ngại, có tâm lý tẩy chay thịt gà.
Ông Trương Quyên, chủ vựa gà tại chợ Xóm Mới, TP. Nha Trang. Ảnh: Đức Thảo
Bà Hiền, chủ sạp thịt gà trong chợ Xóm Mới cho hay vài ngày trở lại đây rất ít khách đến hỏi mua. “Nhiều người quen đến hỏi thăm chứ không có ý định mua, thịt gà ế dù tôi chỉ bán chưa đến 5 con gà mỗi phiên”.
Ngày 11/4, ghi nhận của phóng viên tại các chợ, vựa bán gà lớn ở TP. Nha Trang cũng vắng hoe. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại một số quán ăn chuyên về gà thường đông khách ở địa phương. Rất nhiều quán ăn hiện tạm đóng cửa, một số khác vẫn bán nhưng cầm chừng vì rất ít người ăn.
“Cả tuần nay không ai đến quán gọi phở gà nữa, nên quán đang ngưng bán phở gà”, chị Ngân, chủ quán phở Nam Ngân (đường Yersin, TP. Nha Trang) chán nản, thời gian trước mỗi ngày bán hơn 50 tô phở gà các loại, nhưng giờ “một người ăn cũng không có”.
“Ngay sau thông tin có vụ nghi ngộ độc xảy ra, tôi quyết định tạm ngưng bán phở gà do gà của quán chỉ bán trong ngày, không lưu qua ngày hôm sau, nên ngưng bán để khỏi lỗ”, chị Ngân nói.
Khó khăn hơn, quán Cơm gà Út (đường Yersin, TP. Nha Trang) đóng cửa mấy ngày nay do ít khách, chủ quán phải chờ tình hình ổn định rồi bán lại.
Một số quán ăn về gà tại TP. Nha Trang đóng cửa vì ế ẩm. Ảnh: Đức Thảo
Tương tự, chủ một số quán cơm gà khác cũng cho biết lượng khách đã giảm hơn một nửa so với trước. “Chỉ một số khách ăn quen lâu năm đến vì họ tin tưởng quán về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, còn khách du lịch cũng rất ít”, chủ quán cơm gà xối mỡ (đường Ngô Gia Tự, TP. Nha Trang) thông tin.
Nói với phóng viên, các tiểu thương, chủ quán ăn đều mong muốn cơ quan chức năng sớm có biện pháp ổn định tâm lý người tiêu dùng, “minh oan” cho thịt gà.
Mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông minh
Gần 1 tháng qua, ngành chức năng Khánh Hoà liên tiếp ghi nhận các vụ ngộ độc, nghi ngộ độc thực phẩm liên quan đến thịt gà trên địa bàn TP. Nha Trang.
Giữa tháng trước, 369 người bị ngộ độc sau ăn tại quán Cơm gà Trâm Anh, do các món gà, sốt trứng, dưa chua… lây nhiễm chéo các vi khuẩn Salmonella, Bacillus cereus, Staphylococcus aureus.
Một tuần sau, ngành chức năng ghi nhận 10 học sinh trường THPT Nguyễn Văn Trỗi bị rối loạn tiêu hóa nghi do ăn cơm gà bên ngoài nhà trường. Đến ngày 5/4, ngành chức năng tiếp tục ghi nhận hàng chục học sinh ở P. Vĩnh Trường nhập viện với triệu chứng nghi ngộ độc do ăn sáng với nhiều món khác nhau, trong đó có cơm gà tại các hàng quán bên ngoài nhà trường và từ người bán hàng rong.
Lúc này, trên mạng xã hội xuất hiện một số thông tin tiêu cực về thịt gà khiến người tiêu dùng e ngại sử dụng loại thực phẩm này.
“Trước đây mình thường ăn các món làm từ thịt gà, nhưng thời gian này không dám ăn nữa trước thông tin các vụ nghi ngộ độc thực phẩm đều liên quan đến thịt gà”, anh Nguyễn Toàn (trú TP. Nha Trang) bày tỏ.
Thịt gà ế ẩm vì tin đồn thất thiệt. Ảnh: Đức Thảo
Về vấn đề này, ông Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa chia sẻ người dân không nên quá lo lắng về các sản phẩm thức ăn được chế biến từ gà, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nên chọn mua thực phẩm ở những cửa hàng uy tín, ưu tiên có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và đã được kiểm định. Còn những cơ sở đã được chứng nhận an toàn, giấy tờ đầy đủ vẫn là nơi để người dân an tâm ăn uống, mua hàng ngày.
“Mỗi người dân hay là người tiêu dùng thông minh, tức là chọn cho mình loại thực phẩm an toàn, có đủ giấy tờ liên quan hợp pháp. Nếu là gà thì cần có đủ giấy tờ về nguồn gốc xuất xứ, nếu quán ăn có thịt gà thì phải có giấy chứng nhận đủ an toàn vệ sinh thực phẩm còn thời hạn. Hạn chế ăn thức ăn vỉa hè không đảm bảo vệ sinh và ăn chín, uống sôi để hạn chế nguy cơ ngộ độc”, ông Bùi Xuân Minh khuyến cáo.
Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú Y tỉnh Khánh Hòa cũng cho biết các đoàn kiểm tra của đơn vị đang thực hiện kế hoạch kiểm tra các cơ sở giết mổ, hàng quán ăn uống, kinh doanh sản phẩm thực phẩm từ liên quan đến gà. Trước mắt tập trung kiểm tra các cơ sở giết mổ, nhà hàng ăn uống quy mô có liên quan đến gà về giấy tờ xuất xứ nguồn gốc, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là công đoạn bảo quản, chế biến.
Đức Thảo
Nguồn: Báo Công Thương