Theo mùa vịt chạy đồng

Những ngày này, trên các cánh đồng lúa đã thu hoạch của người dân huyện Lắk (Đắk Lắk), những đàn vịt chạy đồng hàng nghìn con đua nhau ăn cá, cua, ốc, lúa rụng. Người nuôi vịt chạy đồng theo đó cũng nhẩn nha, thu nhập khấm khá hơn, bù lại những nhọc nhằn của một nghề cơ cực.

Nghề “ăn đồng, ngủ ruộng”

Hơn một tháng nay, vợ chồng ông Phạm Xuân Hiểu (thôn Liên Kết 2, xã Buôn Tría) đưa đàn vịt gần 3.500 con rời nhà đến cánh đồng 8/4 để chăn thả. Cũng từ đó đến nay, vợ chồng ông “ăn đồng, ngủ ruộng” dù bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, theo đàn vịt để mưu sinh.

Ông Hiểu cho hay, mỗi năm đến giữa tháng 9 dương lịch, khi những cánh đồng lúa đã gặt xong, trơ gốc rạ, mưa xuống và nước ở các sông tràn về thì những người chăn nuôi vịt số lượng lớn lại dựng lán nhốt vịt và lều trại ở đường nội đồng để chăn vịt. Bao nhiêu năm nay, vợ chồng ông chỉ nuôi vịt chạy đồng. Trước đó, ông mua vịt đẻ từ các trại với giá từ 50.000 – 60.000 đồng/con về chăm, sau hơn một tháng thì vịt được đưa ra chạy đồng và bắt đầu đẻ trứng. Với đàn vịt 3.500 con, trung bình mỗi sáng sẽ cho thu hoạch được khoảng 2.300 trứng; với giá trứng hiện này là 2.600 đồng/trứng đã mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho gia đình.

Đến tầm tháng 12 dương lịch, khi người dân chuẩn bị gieo trồng vụ Đông Xuân thì mùa vịt chạy đồng cũng kết thúc. Lúc đó, ông Hiểu sẽ bán đàn vịt cho thương lái. Loại vịt này vận động nhiều nên thịt săn chắc và thơm hơn so với vịt nuôi cám tổng hợp, nhờ đó bán cũng được giá, khoảng 45.000 – 50.000 đồng/con.

vịt chạy đồng

Đàn vịt của gia đình ông Nguyễn Văn Mạnh được chăn thả ở cánh đồng Tam Thiên (xã Buôn Tría, huyện Lắk). Ảnh: Hoàng Hồng

Không nuôi vịt kiểu thời vụ như gia đình ông Hiểu, gia đình ông Nguyễn Văn Mạnh (thôn Đông Giang 2, xã Buôn Tría) nuôi vịt quanh năm. Vào mùa khô, đàn vịt gia đình ông được nuôi nhốt trong chuồng trại; đến mùa mưa, khi những cánh đồng lúa đã gặt xong thì được thả ra đồng để tự kiếm thức ăn trong tự nhiên. Hầu hết thời gian trong ngày vịt được chăn thả và có thể tự kiếm ăn trên đồng ruộng. Lượng thức ăn ngoài ruộng dồi dào, đa dạng nên vịt chạy đồng mập, đẻ trứng đều, chất lượng hơn, giúp gia đình tiết kiệm được nhiều chi phí chăn nuôi và công lao động.

Ông Mạnh phấn khởi nói: “Mùa vịt chạy đồng năm nay, hai bố con tôi thả khoảng 10.000 con, hiện nay mỗi ngày đàn vịt đẻ trên 3.000 trứng; cứ 4 hôm, các thương lái sẽ đến thu mua một lần, sau khi trừ chi phí, mỗi ngày gia đình thu về khoảng 3 triệu đồng. Dự tính, khoảng một tháng nữa, mỗi ngày đàn vịt sẽ đẻ khoảng 7.000 – 8.000 trứng. Do việc chăn nuôi của gia đình trải dài cả năm nên mỗi lứa vịt sau khoảng 20 tháng đẻ trứng, tôi sẽ bán đàn và bắt đầu nuôi lứa mới để bảo đảm đàn vịt nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất”.

Lắm nỗi nhọc nhằn

Theo ông Hiểu, nuôi vịt chạy đồng chủ yếu lấy công làm lãi bởi tận dụng được thức ăn ở những ruộng lúa vừa gặt xong còn sót lại thóc, ngọn lúa chét, sâu bọ, ếch nhái, tôm, cá, đặc biệt là trứng và ốc bươu vàng… Đây là nguồn thức ăn chính của đàn vịt, người nuôi chỉ mua thức ăn dặm thêm. Vì thế, nuôi vịt chạy đồng giúp giảm khoảng 50% chi phí, người nuôi có lợi nhuận cao hơn. Hơn thế nữa, nuôi vịt chạy đồng thì vịt sẽ đẻ trứng có lòng đỏ đậm và béo bùi hơn trứng vịt nuôi nhốt, cho ăn cám.

Đàn vịt chạy đồng vừa diệt bớt ốc bươu vàng phá hại mùa màng, vừa giúp bổ sung chất hữu cơ cho đồng ruộng và tiêu diệt các loại côn trùng trên đồng ruộng sau vụ mùa. Tuy nhiên, không vì vậy mà chủ đàn có thể lùa vịt đến bất kỳ cánh đồng nào, họ phải “mua đồng”, kiếm nguồn thức ăn trong tự nhiên cho đàn vịt. Trước khi đưa vịt xuống đồng, chủ đàn vịt phải tìm đến thỏa thuận “mua đồng” với các chủ ruộng. Thường các ruộng lúa chưa thu hoạch thì giá 4 – 5 triệu đồng/ha, còn với các ruộng lúa đã thu hoạch thì giá từ vài trăm nghìn đồng đến 1 triệu đồng/ha; cũng có chủ ruộng cho không, chủ đàn vịt “trả công” bằng trứng vịt…

vịt chạy đồng

Chiều tối, đàn vịt của bố con ông Mạnh được lùa về trại.

Theo kinh nghiệm của ông Mạnh, nuôi vịt chạy đồng không phải năm nào cũng thuận lợi. Do vịt kiếm ăn từ các cánh đồng trải dài nên thường bị hao hụt tổng đàn. Dù đã được phòng dịch nhưng do thời tiết nắng, mưa thất thường, vịt chạy trên đồng thường dễ mắc bệnh, nhất là bệnh tả nên người nuôi phải thường xuyên trông coi để có biện pháp phòng dịch phù hợp.

Huyện Lắk có tiềm năng đất đai tự nhiên, có tổng diện tích gieo trồng lúa vụ hè thu hằng năm từ 6.500 – 7.500 ha, sau vụ thu hoạch nguồn thức ăn dồi dào từ lúa rụng và hệ sinh thái sau mỗi đợt lũ, cộng với hệ thống ao hồ mặt nước, nên việc chăn nuôi vịt, đặc biệt là vịt chạy đồng được nhiều hộ dân trên địa bàn huyện lựa chọn làm nghề mưu sinh. Trong đó, tập trung nhiều ở hai vựa lúa lớn của huyện là xã Buôn Tría và xã Buôn Triết; hộ nuôi nhiều lên đến 10.000 con, ít thì cũng 3.000 – 4.000 con… Nghề chăn nuôi vịt chạy đồng biết rằng vất vả nhưng đã và đang trở thành nghề cho thu nhập ổn định, góp phần giải quyết việc làm và làm giàu cho người nông dân.

Thúy Hồng – Hoàng Tuyết

Nguồn: Báo Đắk Lắk

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *