Xã Mỹ Tân, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) từng là địa phương có tới hàng nghìn con trâu, bò nuôi thả, mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân. Song, đến nay giá trâu, bò thương phẩm xuống thấp, người dân không khỏi thấp thỏm, lo âu.
Thời “vàng son”
Dẫn chúng tôi lên đồi luồng rộng hơn 2 ha của gia đình, ông Phạm Văn Lư (sinh năm 1964, thôn Chả Thượng, xã Mỹ Tân) kể về thời kỳ “vàng son” của nghề nuôi trâu, bò của địa phương. Đó là khoảng thời gian cách đây 5 năm, giá bán một con trâu, bò khi đó dao động trên dưới 40 triệu đồng. Gia đình ông Lư sở hữu đàn trâu lên tới gần 30 con.
Ông Lư nhớ lại: “Thời đó, mỗi con trâu đẻ ra chỉ nuôi 2 tháng đã bán được 10 triệu đồng. Cả xã, nhà nhà thi nhau nuôi trâu, nuôi bò. Trung bình mỗi năm, gia đình thu về cả trăm triệu đồng từ việc bán trâu”.
Tổng đàn trâu, bò xã Mỹ Tân, huyện Ngọc Lặc giảm mạnh do giá rẻ
Theo ông Lư, việc nuôi trâu, bò tại địa phương rất thuận lợi. Với dư địa đất lâm nghiệp trồng luồng lớn, đàn trâu, bò được chăn, thả dưới những tán luồng, sinh trưởng, phát triển rất nhanh. Bên cạnh đó, bà con là hộ nghèo, cận nghèo muốn có nguồn vốn để đầu tư chăn nuôi cũng rất thuận lợi khi có thể dễ dàng tiếp cận vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ngọc Lặc.
Với gia đình ông Lư, từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, ông đã đầu tư mua 1 cặp trâu sinh sản rồi nhân giống thành đàn qua các năm. Nhờ nuôi trâu, gia đình ông Lư từ hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo.
Theo ông Phạm Văn Tùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Tân cho biết, tận dụng lợi thế về diện tích trồng dưới tán luồng, nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm đã hình thành, trong đó, chủ yếu bà con nuôi trâu, nuôi bò. Nếu vào thời điểm “vàng son” của nghề, tổng đàn trâu bò của địa phương lên tới hàng nghìn con, thương lái đến địa phương thu mua tấp nập. Nhiều xe vận tải lớn chuyên chở hàng chục con trâu, bò ra các tỉnh ngoài, và còn xuất sang thị trường Trung Quốc.
Vừa nuôi, vừa lo!
Thời điện hiện tại, giá trâu, bò “tụt dốc” khiến nhiều hộ dân không còn mặn mà với việc tái đàn, thậm chí đang phải nuôi theo hình thức cầm chừng, chăn thả tự nhiên. Trong đó, có những hộ đang vay nợ ngân hàng có ý định muốn bán số trâu, bò đang nuôi cũng không “bói” đâu ra cánh thương lái đến mua. Cực chẳng đành, có những hộ đã phải tự giết mổ để bán lẻ.
Ông Phạm Văn Chiến (sinh năm 1968, thôn Chả Thượng) cho biết, cách đây khoảng 5 năm, đàn trâu, bò của gia đình có thời điểm lên tới 20 con thì nay chỉ còn 7 con. Do giá bán quá rẻ, dù đang nợ ngân hàng, nhưng gia đình vẫn phải cầm cự nuôi, chờ giá cả thị trường “ấm lên”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều hộ chăn nuôi ở xã Mỹ Tân trước đây phát triển theo kiểu chăn nuôi vỗ béo, thì nay đã phải chuyển sang hình thức nuôi thả tự nhiên, nuôi sinh sản. Nguyên nhân ngoài giá cả xuống thấp thì thị trường đầu ra gặp khó, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao.
Nhiều hộ vẫn đang “gồng mình” duy trì đàn trâu, bò chờ thị trường tăng giá
So với thời kỳ được giá, trung bình mỗi con trâu khi xuất chuồng đạt khoảng trên 3 tạ, với giá 100.000 – 120.000 đồng/kg hơi, sẽ bán được trên 30 triệu đồng. Nay cũng trọng lượng ấy, mỗi con trâu chỉ còn thu về khoảng 20 triệu đồng. Mức giá này, nếu người chăn nuôi đầu tư cám thức ăn như trước sẽ bị thua lỗ.
Ông Phạm Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Tân cho biết: Do giá trâu, bò xuống thấp nên tổng đàn trâu, bò trên địa bàn xã đã tụt giảm nghiêm trọng so với cách đây 5 năm và cùng kỳ năm trước. Hiện tại, đàn trâu chỉ duy trì số lượng 719 con (bằng 50% số lượng đàn trâu của 5 năm trước), đạt 73,3 % kế hoạch đề ra và bằng 77,56% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò 179 con đạt 74,5% kế hoạch, bằng 80,26 % so cùng kỳ năm trước.
Qua rà soát, đến nay trên địa bàn xã Mỹ Tân có tổng dư nợ vay vốn từ các ngân hàng gần 85 tỷ đồng, với 1.246 hộ vay. Trong đó, nhiều hộ vay để đầu tư chăn nuôi trâu, bò.
“Việc giá trâu, bò xuống thấp, người dân phải nuôi thả cầm cự, chính quyền xã Mỹ Tân kiến nghị đến các tổ chức tín dụng, phía các ngân hàng có dư nợ tại địa phương tạo điều kiện giãn nợ, cho vay mới để bà con duy trì sản xuất hoặc chuyển hướng chăn nuôi phù hợp. Bên cạnh đó, cũng đề nghị ngành nông nghiệp tích cực hỗ trợ, hướng dẫn người dân trong việc đấu mối, xây dựng các chuỗi liên kết trong chăn nuôi, tăng chất lượng đàn vật nuôi và kết nối với thị trường tiêu thụ ổn định” – ông Việt kiến nghị.
Đình Giang
Nguồn: Báo Thanh Hóa