(Người Chăn Nuôi) – Thủy cầm (Waterfowl) là nhóm chim thuộc bộ Anseriformes, họ Anatidae gồm một số loài: Vịt (gồm vịt nói chung (common ducks), ngan (moscovy ducks), vịt lai ngan (mule); Ngỗng và thiên nga; Trong đó vịt, ngan, ngỗng được thuần hóa từ lâu đời và là nguồn thực phẩm quan trọng cho con người. Để chăn nuôi thủy cầm phát triển thì thức ăn chiếm đến 70% chi phí, do đó cần phải có những nghiên cứu về thức ăn và dinh dưỡng trên vịt, ngan để có những kết quả về dinh dưỡng phù hợp nhất.
Nghiên cứu đánh giá giá trị dinh dưỡng
Hiện rất ít các công trình nghiên cứu đánh giá giá trị năng lượng của thức ăn cho thủy cầm. Cho đến nay, ở Mỹ mới chỉ có khoảng 20 loại thức ăn khác nhau được xác định giá trị năng lượng trao đổi trên thủy cầm (vịt Bắc Kinh), nhưng số lượng mẫu đánh giá cho mỗi loại còn rất ít, nên cơ sở dữ liệu này chưa đủ tin cậy để sử dụng cho việc xây dựng khẩu phần ăn cho thủy cầm (Olayiowla Adeola, 2006). Những nghiên cứu xác định tỷ lệ tiêu hóa hồi tràng thực về các axit amin trên thủy cầm còn khiêm tốn hơn nhiều. Theo đánh giá của Olayiowla Adeola (2006), chỉ có 7 loại thức ăn (ngô, đại mạch, phụ phẩm bánh mỳ, khô dầu hạt cải, khô dầu đậu tương và lúa mỳ) được xác định tỷ lệ tiêu hóa axit amin trên vịt Bắc Kinh. Chính vì vậy, cho đến nay, cơ sở dữ liệu về thành phần và giá trị dinh dưỡng của các loại thức ăn cho gà vẫn được sử dụng để xây dựng khẩu phần ăn cho thủy cầm ở tất cả các nước trên thế giới.
Nghiên cứu xác định nhu cầu năng lượng
Vật nuôi nói chung và gia cầm nói riêng có khả năng tự điều chỉnh lượng thức ăn ăn vào hàng ngày tùy theo hàm lượng năng lượng của khẩu phần, nhưng ngan và vịt có khả năng đặc biệt trong việc điều chỉnh này. Nghiên cứu của Pan và ctv (1981) trên vịt Tsaiya giai đoạn đẻ trứng, thiết kế theo kiểu thí nghiệm 2 nhân tố: (i) Năng lượng với 2 mức (11.92 và 10.08 MJ/kg) và (ii) protein thô với 4 mức (15; 17; 19 và 21%), kết quả cho thấy tỷ lệ đẻ và khối lượng trứng bị ảnh hưởng rõ rệt bởi sự tăng, giảm hàm lượng protein thô của khẩu phần nhưng không bị ảnh hưởng bởi mức năng lượng.
Hiện, rất ít các nghiên cứu đánh giá giá trị năng lượng của thức ăn cho thủy cầm
Các nghiên cứu của Shen (1977, 1979) trên vịt lai ngan cũng cho thấy, tốc độ tăng trọng không được cải thiện khi cho vịt lai ăn các khẩu phần có các mức năng lượng 2.600 – 3.000 Kcal/kg. Tuy nhiên, hiệu quả chuyển hóa thức ăn tăng khi tăng mức năng lượng 2.600 lên 3.000 Kcal/kg. Tổng kết các kết quả nghiên cứu tại Đại học tổng hợp Prudue Mỹ, Olayiowla Adeola (2006) đã đưa ra nhận định: Với vịt Bắc Kinh ở giai đoạn khởi động và sinh trưởng, mức năng lượng của khẩu phần không nên vượt quá 3.000 Kcal/kg, vì trên mức này không cải thiện được tốc độ sinh trưởng cũng như hiệu quả chuyển hóa thức ăn của vịt.
Nghiên cứu xác định nhu cầu protein và axit amin
Cũng như các đối tượng vật nuôi khác, khả năng sử dụng protein khẩu phần của vịt, ngan phụ thuộc rất nhiều vào mức năng lượng ăn vào. Bởi vậy, trong các nghiên cứu xác định nhu cầu protein và axit amin của thủy cầm, năng lượng và protein luôn được đặt trong mối quan hệ tỷ lệ, biểu thị bằng tỷ lệ năng lượng trao đổi (ME)/protein thô (CP) (tính bằng g/kg hoặc tỷ lệ %).
Các kết quả nghiên cứu của Pan và ctv (1981) trên vịt đẻ giống Tsaiya cho thấy, tỷ lệ đẻ và khối lượng trứng đạt cao nhất khi vịt được nuôi dưỡng bằng khẩu phần có mức năng lượng 11.08 MJ/kg và mức protein thô là 19%. Gowd và ctv (1983) cũng khuyến cáo, mức năng lượng và protein thích hợp trong khẩu phần cho vịt Khaki Campbell giai đoạn hậu bị (9 – 20 tuần tuổi) là 2.800 Kcal và 160 g/kg.
Các axit amin là những đơn vị cấu trúc của các protein, nhu cầu protein của động vật dạ dày đơn nói chung và vịt, ngan nói riêng thực chất là nhu cầu axit amin. Trong số các axit amin thì methionine, lysine, threonine và tryptophan là những axit amin giới hạn quan trọng nhất đối với các loài thủy cầm. Trong những năm 1970 và 1980 của thế kỷ trước, đã có nhiều công trình nghiên cứu về nhu cầu các axit amin thiết yếu này của thủy cầm.
Nghiên cứu gần đây của Jianhua và ctv (2003) trên vịt đẻ chuyên trứng giống Shaoxin Tsaiya cho thấy, khi tăng hàm lượng methionine trong khẩu phần từ 0,26 lên dần đến mức 0,47% đã làm tăng tỷ lệ đẻ của vịt. Các tác giả kết luận, nhu cầu methionine cho vịt đẻ là 0,45% hoặc 25,7 mg/kg protein khẩu phần, cao hơn khuyến cáo của NRC (1994). Một số tác giả khác như Bons và ctv (2002); Timmler và ctv (2003); Xie và ctv (2004) cũng đã có những thông báo cho rằng, nhu cầu thực tế của vịt Bắc Kinh giai đoạn vịt con và vịt dò về lysine, valine và methionine cao hơn so với khuyến cáo của NRC (1994). Theo Xie và ctv (2006), nhu cầu của vịt Bắc Kinh giai đoạn 21 – 49 ngày tuổi là từ 0,377 và 0,379%. Olayiowla Adeola (2006) cũng thông báo, nhu cầu methionine và lysine của vịt Bắc Kinh giai đoạn khởi động không vượt quá mức 0,6 và 1,2%.
Nghiên cứu xác định nhu cầu các nguyên tố khoáng
Những nghiên cứu về nhu cầu Ca và P của vịt đẻ cũng cho những kết quả rất khác nhau. Chen và ctv (1980) đã có thông báo: Vịt Tsaiya giai đoạn đẻ trứng đạt năng suất trứng cao nhất khi được ăn khẩu phần có mức Ca 2,7% và P dễ hấp thu 0,46%. Nhưng Shen và ctv (1985) cũng nghiên cứu trên vịt đẻ giống Tsaiya lại đưa ra kết luận, mức Ca cho năng suất trứng tốt nhất là 2,5%. Chen và ctv (1983) trong một nghiên cứu khác trên vịt Tsaiya giai đoạn đẻ trứng đã kết luận mức Ca thích hợp là 2,9 – 3%. Khác với các kết quả nghiên cứu trên các dòng vịt chuyên trứng giống Tsaiya, Dean và ctv (1981) đã không phát hiện thấy những ảnh hưởng bất lợi đến năng suất trứng, hiệu quả chuyển hóa thức ăn, độ dày vỏ trứng của vịt Bắc Kinh khi mức Ca khẩu phần giảm đến 1,25%. Nhưng theo Scott và Dean (1991), mặc dù các kết quả nghiên cứu rất khác nhau, nhưng mức Ca 3 – 3,25% là thích hợp đối với các giống vịt chuyên trứng như Tsaiya và Khaki Campbells.
Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vịt Đại Xuyên