Thời gian qua, ngành chăn nuôi Thanh Hóa đã có bước phát triển đáng kể với tổng đàn gia súc, gia cầm thuộc nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước. Nhằm giảm thiểu tác động tới môi trường, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo người chăn nuôi chú trọng xử lý chất thải, hướng dẫn ứng dụng công nghệ sinh học và các giải pháp sinh học trong chăn nuôi.
Thanh Hóa hiện có tổng đàn trâu, bò khoảng 417.000 con, đàn lợn 1,32 triệu con, đàn gia cầm 26,9 triệu con… đang được nuôi tại 1.080 trang trại và khoảng 739.355 hộ chăn nuôi. Với tổng đàn gia súc, gia cầm nêu trên, nếu không có biện pháp xử lý mà để chất thải chăn nuôi trực tiếp ra môi trường sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và ảnh hưởng đến nguồn nước, không khí…
Người dân xã Quảng Hợp (Quảng Xương) sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà.
Nhận thức được hệ luỵ từ hoạt động chăn nuôi, hầu hết các địa phương đều chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, nhất là xử lý chất thải ứng dụng công nghệ sinh học, như ủ phân, sử dụng chế phẩm sinh học, xây dựng hầm biogas, đệm lót sinh học… để hạn chế tối đa mùi hôi thối, ngăn ngừa virut, lây lan dịch bệnh…
Ông Lê Văn Kháng ở xã Tế Nông (Nông Cống) là người có nhiều năm kinh nghiệm trong chăn nuôi lợn, cho biết: “Trước đây, gia đình tôi chăn nuôi quy mô nhỏ, không chú trọng đến vấn đề vệ sinh môi trường. Sau khi tăng số lượng đàn nuôi lên 100 con, cán bộ thú y xã đã tư vấn, khuyến khích xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi”.
Sau thời gian dài sử dụng hầm biogas, ông Kháng cũng nhận thấy, bên cạnh xử lý được mùi hôi và chất thải thì hầm biogas còn mang lại nhiều lợi ích như, tiêu diệt các vi khuẩn mang mầm bệnh, ngăn ngừa phát sinh dịch bệnh nguy hiểm, tạo ra khí gas để đun nấu hằng ngày, tận dụng nước thải sau hầm biogas để tưới cây, nuôi trùn quế… Hiện nay, tùy vào quy mô chăn nuôi mà người dân có thể lựa chọn xây dựng hầm biogas gạch, nhựa, composite…
Đối với chăn nuôi gia cầm, hầu hết người dân lại lựa chọn ứng dụng đệm lót sinh học để xử lý chất thải. Nói về hiệu quả của giải pháp đã và đang áp dụng tại trang trại chăn nuôi gà của gia đình mình, bà Trịnh Thị Thúy ở xã Cẩm Tâm (Cẩm Thủy), cho biết: “Đây là phương pháp ứng dụng sinh học được hầu hết người chăn nuôi gia cầm áp dụng bởi chi phí làm đệm lót có giá thành thấp, 1kg men có thể làm đệm cho chuồng nuôi từ 30 – 50m2 với giá thành từ 50 đến 60 nghìn đồng; tiết kiệm khoảng 70% lượng trấu sử dụng so với phương pháp chăn nuôi truyền thống; nhất là mùi hôi, khí độc trong chuồng nuôi hầu như không còn. Ngoài những lợi ích trên, giải pháp này còn giúp gà giảm tỷ lệ mắc bệnh cao, nhất là bệnh tiêu chảy và bệnh hen, giảm tỷ lệ chết ở gà đẻ là 5% và ở gà thịt là 2%”.
Cũng theo bà Thúy, khi ứng dụng phương pháp đệm lót sinh học để xử lý chất thải, người chăn nuôi chú ý tiến hành xới bề mặt để lớp đệm lót được tơi xốp, luôn giữ cho nền đệm lót khô… để chất thải được phân hủy nhanh hơn.
Hiện nay, nhiều chế phẩm sinh học được áp dụng phổ biến như: Chế phẩm EM, men vi sinh Sacharomyces, PM2, BioZym, các chế phẩm sinh học vườn sinh thái… giúp gia súc, gia cầm phát triển tốt, tăng trọng nhanh, giảm tiêu tốn và chi phí thức ăn, giảm tỷ lệ mắc bệnh, xử lý chất thải trong chăn nuôi, khử mùi hôi, tạo môi trường sạch.
Có thể nói, việc áp dụng khoa học – kỹ thuật, trong đó có công nghệ sinh học vào xử lý chất thải chăn nuôi không những giúp người chăn nuôi kiểm soát tốt môi trường chăn nuôi, hạn chế phát sinh dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe vật nuôi, mà chất thải từ hoạt động chăn nuôi còn có thể làm phân bón cho cây trồng, làm khí đốt… Vì vậy, thời gian tới để nhân rộng phương pháp này, thông qua công tác tuyên truyền, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các địa phương cần cung cấp cho người dân các lợi ích mang lại của hầm biogas, đệm lót sinh học, các loại men vi sinh… để xử lý chất thải chăn nuôi. Bên cạnh đó, tổ chức các lớp chuyển giao khoa học – kỹ thuật, hướng dẫn người dân cách phối trộn cũng như sử dụng chế phẩm sinh học, xây dựng hầm biogas phù hợp, đúng quy trình kỹ thuật…
Bài và ảnh: Lê Ngọc
Nguồn: Báo Thanh Hóa