Tính đến tháng 6-2022, trên địa bàn tỉnh tổng đàn trâu khoảng 190.000 con, đàn bò 260.000 con, đàn lợn 1.150.000 con, gia cầm 22 triệu con… Cùng với sự phát triển của chăn nuôi, hoạt động kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y cũng ngày càng mở rộng. Theo số liệu thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh hiện có 2.231 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi và 524 cơ sở kinh doanh thuốc thú y, được phân bố hầu khắp các huyện, thị xã, thành phố.
Để tăng cường hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực quản lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các chủ cơ sở trong việc thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật khi kinh doanh, buôn bán thuốc thú y; không buôn bán chất cấm… Đồng thời, chi cục đã chủ động phối hợp với các sở, ngành có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn… Lấy mẫu thuốc thú y, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học để kiểm tra chất lượng; thu hồi, tiêu hủy thuốc thú y, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học kém chất lượng, cấm sử dụng, nhập lậu, không có trong danh mục được phép lưu hành… và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Một cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi ở xã Nga Giáp (Nga Sơn).
Đi đôi với đó, hằng năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan có liên quan thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra định kỳ đối với các cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y trên địa bàn tỉnh. Cùng với công tác kiểm tra, chi cục cũng tập trung tuyên truyền, yêu cầu các cửa hàng cam kết không kinh doanh các sản phẩm thuốc nằm ngoài danh mục, thuốc không có nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng. Từ đầu năm đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã thành lập các đoàn tiến hành kiểm tra hàng chục cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc thú y. Qua kiểm tra, một số các cơ sở kinh doanh, buôn bán không đạt về các chỉ tiêu, như chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đã hết hạn; không có chứng chỉ hành nghề thú y; một số mặt hàng thuốc thú y đã bị cấm không được sử dụng trong chăn nuôi, thuốc thú y đã hết hạn và không có trong danh mục cho phép được lưu hành tại Việt Nam; cơ sở vật chất kinh doanh chưa được chú trọng đầu tư, thiếu nhiệt kế, ẩm kế, hàng hóa lộn xộn, không có hóa đơn mua bán hàng. Tại mỗi cơ sở chưa đạt yêu cầu, đoàn kiểm tra đã hướng dẫn các chủ cơ sở hoàn thiện các thủ tục hành chính liên quan đến việc kinh doanh, buôn bán và yêu cầu các cơ sở này ngừng hoạt động cho đến khi hoàn thiện các thủ tục theo quy định. Bên cạnh đó, đối với các cơ sở chưa chấp hành thực hiện theo hướng dẫn của đoàn kiểm tra, chi cục sẽ có văn bản thông báo gửi các địa phương, báo cáo Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xử lý nghiêm theo quy định.
Mặc dù công tác quản lý kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm, tuy nhiên việc xử lý mới dừng ở việc xử phạt hành chính nên chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y chưa nắm vững các quy định của pháp luật nên đoàn thanh tra, kiểm tra vừa làm nhiệm vụ, vừa tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các chủ cơ sở kinh doanh thuốc thú y.
Thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn liên quan. Tuy nhiên, để công tác quản lý kinh doanh thuốc thú y thực sự đem lại hiệu quả, rất cần sự vào cuộc hơn nữa của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương, nhất là sự tự giác chấp hành của các chủ cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y.
Bên cạnh các giải pháp trên, xác định vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong việc thúc đẩy chăn nuôi tập trung, góp phần quản lý, sử dụng thuốc thú y, hướng tới chăn nuôi an toàn, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, như khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ đầu tư khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ… Đồng thời, các địa phương tạo điều kiện về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng… triển khai dự án chăn nuôi tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Bài, ảnh: Minh Hà
Nguồn: Báo Thanh Hóa