Thanh Hóa: Phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững

Sau thời gian dài đối mặt với nhiều khó khăn, những tháng đầu năm 2022, ngành chăn nuôi Thanh Hóa đã có nhiều khởi sắc, cơ cấu chăn nuôi chuyển dịch theo hướng sản xuất tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao… sản phẩm bảo đảm chất lượng. Từ nay đến cuối năm, dự kiến nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sẽ tăng mạnh, vì vậy, ngành nông nghiệp đã và đang chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm hoạt động sản xuất ổn định, bền vững.

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, những tháng đầu năm 2022, số lượng gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh tăng nhẹ và hiện có 190 nghìn con trâu, 270 nghìn con bò, 1,2 triệu con lợn, 23,6 triệu con gia cầm, 125 nghìn con dê… Tình hình dịch bệnh động vật được kiểm soát hiệu quả, không để xảy ra ổ dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm, giảm thiệt hại rõ rệt. Công tác tiêm phòng vắc-xin đợt 1- 2022 đã được các địa phương quan tâm chỉ đạo quyết liệt, hoàn thành kế hoạch được giao, như các huyện Triệu Sơn, Thạch Thành, Nga Sơn, Vĩnh Lộc, Ngọc Lặc… Công tác kiểm dịch động vật cũng được chú trọng thực hiện nghiêm túc tại các trạm kiểm dịch, đầu mối giao thông,… và xử lý nghiêm đối với các trường hợp trốn tránh việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật. Hiện nay, các địa phương và người chăn nuôi cũng đã có ý thức hơn trong việc chuyển đổi phương thức chăn nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, chăn nuôi an toàn sinh học, đầu tư sử dụng máy móc hiện đại, chú trọng quy hoạch các khu, cụm trang trại chăn nuôi tập trung. Từ đó, hình thành các chuỗi liên kết chăn nuôi gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm ở các huyện có điều kiện về đất đai, đồng bộ về hạ tầng, kiểm soát dịch bệnh gắn với bảo vệ môi trường và có thị trường tiêu thụ ổn định, như Yên Định, Thọ Xuân, Hậu Lộc… với Tập đoàn Japfa Việt Nam, Công ty CP Nông sản Phú Gia, Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam, Tập đoàn Mavin.

nuôi gà theo chuỗi

Trang trại chăn nuôi gà tại xã Quý Lộc (Yên Định).

Xác định chăn nuôi là ngành kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, nhất là ở khu vực nông thôn, UBND tỉnh, các sở, ngành, đơn vị có liên quan cùng các địa phương đã tích cực thực hiện các giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi, nhất là các dự án của những tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Đến nay, Thanh Hóa là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi; trong đó, 8 tháng năm 2022, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 5 dự án chăn nuôi công nghệ cao, với quy mô hơn 10 nghìn con lợn nái, 24 nghìn con lợn thịt, 360 nghìn con gia cầm/năm. Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, khi các dự án chăn nuôi đi vào hoạt động đủ quy mô, công suất sẽ nâng tổng đàn lợn của tỉnh trong giai đoạn 2025-2030 lên 2,2 triệu con, gấp đôi so với tổng đàn hiện nay và thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật mà ngành chăn nuôi đã đạt được trong những tháng đầu năm 2022, thì còn một số khó khăn làm ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi, như giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá thịt lợn nhiều biến động, phát triển đàn bò sữa không đạt kế hoạch, quy mô chăn nuôi nhỏ, lẻ còn chiếm tỷ trọng cao, việc áp dụng quy trình sản xuất hiện đại còn hạn chế… Dự báo thời gian tới, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cả nước còn diễn biến rất phức tạp nên nguy cơ bùng phát trên địa bàn tỉnh là rất cao. Giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng; thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn không ổn định… Vì vậy, để thực hiện tốt việc phát triển chăn nuôi, cần xác định công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, tiêm phòng vắc-xin là nhiệm vụ trọng tâm. Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, phấn đấu kiểm dịch 100% giống động vật; 90% lượng gia súc, gia cầm lưu thông ra ngoài tỉnh, hơn 95% lượng gia súc, gia cầm đi qua các trạm kiểm dịch, đầu mối giao thông, hơn 50% gia súc, gia cầm giết mổ được thực hiện kiểm soát giết mổ. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh để tạo vùng nguyên liệu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý các hành vi sản xuất, kinh doanh, vận chuyển thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi… kém chất lượng, ngoài danh mục cho phép. Đi đôi với đó, người chăn nuôi cũng cần chủ động thực hiện các biện pháp khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu dễ tìm, giá thành thấp như bột cá, ngũ cốc, đậu tương, cám gạo… để thay thế một phần cho thức ăn công nghiệp, đẩy mạnh thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Bên cạnh đó, tăng cường cập nhật thông tin về tình hình thị trường các sản phẩm chăn nuôi trong và ngoài tỉnh để chủ động trong việc điều chỉnh số lượng đàn vật nuôi, bảo đảm chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao.

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *