Những năm gần đây, ngành chăn nuôi gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, giá thức ăn tăng, đầu ra sản phẩm không ổn định… Trước thực trạng đó, phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm góp phần ổn định sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm chăn nuôi.
Những năm gần đây, chăn nuôi gia cầm đang chuyển dịch theo hướng tích cực, như: giảm số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, phát triển trang trại, gia trại với hình thức công nghiệp, bán công nghiệp; hình thành các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, VietGAP, chăn nuôi theo hướng hữu cơ… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc phát triển chăn nuôi gia cầm vẫn chưa tương xứng so với tiềm năng của tỉnh. Bên cạnh đó, trình độ lao động thấp, việc ứng dụng khoa học – kỹ thuật còn hạn chế, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải chưa theo đúng quy định, đầu ra của sản phẩm chưa ổn định,… Phát triển chăn nuôi theo chuỗi hiện nay cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế, trong hợp đồng liên kết, các điều khoản ràng buộc còn lỏng lẻo, một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm và chia sẻ lợi ích với người chăn nuôi…
Chăn nuôi gia cầm được liên kết bao tiêu sản phẩm tại xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc).
Đứng trước khó khăn này, để phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững theo chuỗi giá trị, những năm qua, ngành nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương đã tập trung vận động, khuyến khích người dân tích tụ, tập trung đất đai để phát triển trang trại chăn nuôi gia cầm với quy mô lớn; nâng cao kiến thức, năng lực cho người chăn nuôi, tiếp cận với khoa học – kỹ thuật,… nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã chú trọng việc quy hoạch, xây dựng các khu trang trại chăn nuôi tập trung, bảo đảm an toàn thực phẩm và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Tập trung đầu tư đồng bộ các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tạo các chuỗi khép kín “từ trang trại đến bàn ăn”; khuyến khích chăn nuôi gia công hoặc chăn nuôi theo hợp đồng giữa các chủ trang trại có điều kiện về vốn, tiêu thụ sản phẩm liên kết với các gia trại, trang trại nhỏ hơn. Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy, hệ thống trang trại chăn nuôi giết mổ, tiêu thụ sản phẩm gia cầm, bảo đảm đầu ra ổn định.
Hiện nay tỉnh ta đã thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển chăn nuôi theo chuỗi trên địa bàn tỉnh, với 15 dự án chăn nuôi gà quy mô lớn. Hình thành và phát triển được các chuỗi liên kết chăn nuôi gà gắn với chế biến và tiêu thụ ở các huyện: Yên Định, Thọ Xuân, Hậu Lộc, Hoằng Hóa,… với Công ty CP Nông sản Phú Gia, Tập đoàn Japfa Comfeed Việt Nam, Tập đoàn CP Chăn nuôi C.P Việt Nam,… với khoảng 80 trang trại. Bên cạnh đó, Công ty CP Nông sản Phú Gia đã xây dựng và phát triển trang trại chăn nuôi gia cầm theo chuỗi giá trị khép kín, quy mô 12.000 con gà bố, mẹ nhập ngoại tại xã Xuân Phú (Thọ Xuân), hàng năm sản xuất tại chỗ khoảng 20 triệu gà con thương phẩm nuôi thịt. Ngoài ra, doanh nghiệp còn liên kết với Tập đoàn VietAvis để đầu tư xây dựng và đưa nhà máy giết mổ, chế biến xuất khẩu gà vào hoạt động, có công suất giết mổ giai đoạn 1 đạt 2.500 con/giờ. Đi đôi với đó, nhiều doanh nghiệp cũng tham gia khá tích cực trong việc phát triển chăn nuôi gia cầm theo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, như: chuỗi sản xuất và cung ứng trứng gà công nghiệp của Công ty TNHH Thực phẩm sạch Phúc Vinh, với trang trại chăn nuôi gà công nghiệp có quy mô 7.000 con. Công ty CP Dịch vụ nông nghiệp Happy Farm Việt Nam hiện đang triển khai chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ, chế biến với 50 trang trại chăn nuôi gà thả vườn, quy mô 150.000 con gà thương phẩm/lứa…
Đánh giá về việc phát triển chăn nuôi gia cầm theo chuỗi trên địa bàn tỉnh, ông Mai Thế Sang, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết: Phát triển chăn nuôi gia cầm theo chuỗi ngày càng khẳng định được hiệu quả, khi mà lợi nhuận kinh tế trung bình từ mỗi trang trại chăn nuôi theo chuỗi đạt từ 1 đến 3 tỷ đồng/lứa. Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp Thanh Hóa đặt ra mục tiêu đến năm 2025, có 50% tổng đàn gia cầm được các tập đoàn, doanh nghiệp liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
Bài, ảnh: Lê Ngọc
Nguồn: Báo Thanh Hóa