Thanh Hóa: Nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học

Trong bối cảnh dịch bệnh động vật có nguy cơ tái diễn, việc nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH) đóng vai trò quan trọng đối với ngành chăn nuôi. Mô hình này còn mang lại lợi ích kép cho người chăn nuôi bởi vừa tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ đàn vật nuôi, vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

ATSH trong chăn nuôi là các biện pháp trong đó bao gồm cả kỹ thuật và cách quản lý đàn vật nuôi nhằm phòng ngừa và hạn chế sự lây lan của các yếu tố sinh học có nguồn gốc từ tự nhiên hoặc do con người tạo ra, gây hại đến sức khỏe, an toàn của con người, vật nuôi và môi trường xung quanh. Để phát triển chăn nuôi theo hướng ATSH, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khuyến cáo các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm túc các quy tắc trong chăn nuôi ATSH, như: khu vực chăn nuôi cách xa nhà ở, có hàng rào ngăn cách với các khu vực khác; hạn chế ra vào khu vực chăn nuôi; trước cổng khu vực chăn nuôi và ở mỗi dãy chuồng phải có hố sát trùng; phải thường xuyên, định kỳ tiêu độc, khử trùng dụng cụ chăn nuôi và khu vực chăn nuôi; chất thải chăn nuôi phải được thu gom và xử lý bằng các biện pháp thích hợp; chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý tốt đàn vật nuôi thông qua việc cung cấp đầy đủ thức ăn chất lượng tốt, nước uống sạch cho vật nuôi; chuồng nuôi đảm bảo đúng quy cách, mật độ nuôi hợp lý và vật nuôi được tiêm phòng định kỳ; con giống phải có nguồn gốc, giấy kiểm định chất lượng, trước khi nhập vật nuôi phải nuôi cách ly theo quy định;… Bên cạnh đó, phối hợp với chính quyền các địa phương tập huấn cho các chủ hộ chăn nuôi về quy trình, kỹ thuật chăn nuôi theo hướng ATSH; cử cán bộ chuyên môn đến các hộ dân để trực tiếp hướng dẫn thực hiện các quy trình chăn nuôi theo hướng ATSH. Thông qua việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển chăn nuôi theo hướng ATSH, nhiều hộ dân đã có cơ hội tiếp cận với phương thức chăn nuôi tiên tiến, áp dụng khoa học – kỹ thuật và nâng cao kiến thức chăn nuôi. Anh Lê Văn Kháng, xã Tế Nông (Nông Cống), cho biết: Trước đây, gia đình nuôi lợn với quy mô nhỏ, không chú trọng đến vấn đề vệ sinh môi trường; tuy nhiên, sau khi tăng số lượng đàn nuôi lên hơn 100 con, gia đình đã được các cán bộ thú y hướng dẫn, đổi mới phương thức chăn nuôi theo hướng ATSH. Cũng theo anh Kháng: Ban đầu, khi bắt tay vào sản xuất, gia đình phải đầu tư xây dựng chuồng trại, hệ thống ăn uống tự động, hệ thống xử lý chất thải, dụng cụ chăn nuôi, con giống, chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh thú y và các biện pháp quản lý cơ sở chăn nuôi bảo đảm ATSH, an toàn dịch bệnh. Bên cạnh đó, theo dõi, giám sát chặt chẽ đàn lợn để có phương pháp phòng, trị bệnh, ngăn chặn lây lan dịch bệnh.

chăn nuôi an toàn sinh học

Ông Lê Đình Khánh, xã Yên Tâm (Yên Định) xử lý chuồng trại trước khi tái đàn.

Là hộ gia đình có nhiều năm kinh nghiệm trong phát triển trang trại chăn nuôi gà, ông Lê Đình Khánh, xã Yên Tâm (Yên Định) luôn coi trọng vấn đề bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. Vì vậy, ngay từ khi đầu tư phát triển chăn nuôi gà, ông Khánh đã tuân thủ đúng theo quy trình chăn nuôi ATSH, như: Trước khi xuất bán 1 tháng, đàn gà được sử dụng thức ăn từ ngô và lúa lên men sinh học, không để tồn dư lượng thức ăn công nghiệp. Chuồng trại được xây dựng thông thoáng và mái che được thiết kế cách nhiệt, giúp nhiệt độ trong chuồng luôn ổn định theo mùa. Nền trại được rải một lớp trấu dày, hằng ngày đảo trấu kết hợp với rải vôi bột xử lý phân gà, nhờ đó đã hạn chế tối đa việc gà bị dịch bệnh. Sau quá trình chăn nuôi theo hướng ATSH, tỷ lệ gà nuôi sống đạt 95%; chi phí thức ăn, kháng sinh giảm, hạn chế nhiễm bệnh dịch, mẫu mã và chất lượng sản phẩm được nâng lên… vì vậy, giá bán tăng từ 15 đến 20%. Ông Khánh cũng cho biết: Để hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh trên đàn gia cầm, hiện nay, hầu hết các hộ chăn nuôi gà trên địa bàn xã Yên Tâm đều áp dụng phương thức chăn nuôi ATSH.

Được biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 90.000 hộ đang áp dụng chăn nuôi theo hướng ATSH do phương pháp này mang lại nhiều lợi ích rõ rệt, như: giảm tỷ lệ dịch bệnh do có những biện pháp xử lý chuồng trại, thú y, thức ăn, vệ sinh môi trường,… Từ đó hạn chế sử dụng kháng sinh, giúp bảo đảm sức khỏe đàn vật nuôi, an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao thu nhập cho người nuôi. Để tiếp tục nhân rộng mô hình này, các sở, ban, ngành có liên quan cần tích cực phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiệu quả của việc chăn nuôi theo hướng ATSH. Đồng thời, tăng cường tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi ATSH cho người sản xuất. Mặt khác, việc đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng ATSH thường đòi hỏi vốn đầu tư khá lớn; do đó, cần có chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào phát triển chăn nuôi, tham gia vào chuỗi từ chăn nuôi đến giết mổ, tiêu thụ sản phẩm theo hướng an toàn, bền vững.

Bài, ảnh: Lê Ngọc

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *