Thanh Hóa là tỉnh có số lượng đàn gia súc, gia cầm lớn nên kéo theo nhu cầu sử dụng thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học cao. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi cho người chăn nuôi, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý các cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc thú y (TTY) nhằm loại bỏ kịp thời các sản phẩm chất lượng thấp, hàng giả, hàng nhái…
Thức ăn chăn nuôi (TACN), TTY là những sản phẩm khó kiểm chứng chất lượng và hiệu quả so với quảng cáo trên bao bì; nhiều đại lý, cơ sở kinh doanh vì lợi nhuận đã trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng ngoài danh mục được phép lưu hành để trục lợi. Bên cạnh đó, trước thực trạng chi phí sản xuất TACN tăng cao, đã xảy ra tình trạng giảm bớt hoặc không bổ sung các chất dinh dưỡng chính, dẫn đến sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vật nuôi… Con nuôi sử dụng TTY, TACN kém chất lượng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, cân nặng, không có khả năng phòng, trị bệnh, dẫn đến vật nuôi còi cọc, chết. Hiện nay, việc lựa chọn, phân biệt TACN, TTY thật hay giả, hàng kém chất lượng là vấn đề không dễ với nhiều người chăn nuôi, nhất là những hộ quy mô nhỏ, lẻ.
Các chủ cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi luôn chú trọng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ sản phẩm trước khi nhập hàng.
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của TTY, TACN đối với sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các đại lý, cơ sở trong việc thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật khi kinh doanh, buôn bán thuốc thú y, không buôn bán chất cấm… Khuyến cáo người chăn nuôi chỉ mua TTY, TACN ở các cơ sở lớn, được cấp phép kinh doanh và sử dụng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Đồng thời, chi cục đã chủ động phối hợp với các sở, ngành có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn… Lấy mẫu TTY, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học để kiểm tra chất lượng; thu hồi, tiêu hủy hàng hóa kém chất lượng, cấm sử dụng, nhập lậu, không có trong danh mục được phép lưu hành… và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Tại cửa hàng kinh doanh TACN Tuấn Độ, xã Quý Lộc (Yên Định), chị Trịnh Thị Tuấn cho biết: “TACN tăng giá đã khiến nhiều đại lý như chúng tôi gặp nhiều khó khăn, nhất là việc điều chỉnh tăng giá bán đã khiến mức tiêu thụ sản phẩm giảm; thời gian phân phối hàng của các công ty chậm… Mặc dù một số công ty mời chào các sản phẩm kém chất lượng để giảm giá bán, tăng lợi nhuận nhưng tôi kiên quyết từ chối. Bên cạnh đó, nghiêm túc chấp hành theo cam kết đã ký với các ngành chức năng không kinh doanh các sản phẩm thuốc nằm ngoài danh mục, thuốc không có nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng”.
6 tháng năm 2024, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã thực hiện việc thống kê và giám sát 435 cơ sở buôn bán, kinh doanh TTY và TACN trên địa bàn tỉnh; 100% các cơ sở được quản lý, gíam sát, chấp hành nghiêm các điều kiện sản xuất, kinh doanh theo quy định. Bên cạnh đó, cấp 52 Chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh TTY; tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy 99 sản phẩm TACN của 8 công ty; giám sát duy trì điều kiện sản xuất TACN của 3 công ty. Đồng thời, kiểm tra 83 cơ sở kinh doanh TACN, TTY; lấy 60 mẫu TACN, TTY để kiểm tra chất lượng. Từ đó, đã phát hiện và xử phạt 16 cơ sở kinh doanh TACN, TTY.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh TTY, TACN trên địa bàn tỉnh, 6 tháng cuối năm 2024, Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ phối hợp chặt chẽ hơn giữa các đơn vị liên quan trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra; ngăn chặn và xử lý nghiêm túc các hành vi vi phạm. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh TTY, TACN; tổ chức cho các chủ cơ sở ký cam kết không buôn bán, kinh doanh thuốc không nằm trong danh mục cho phép; chất cấm. Đồng thời, tăng cường đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ cho việc lấy mẫu kiểm tra, xét nghiệm, để kịp thời phát hiện và xử lý các cơ sở vi phạm. Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý Nhà nước, người chăn nuôi cũng cần chủ động nâng cao kiến thức chuyên môn, tích cực triển khai các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để giảm lượng TTY cho vật nuôi; chỉ mua TTY, TACN ở các cơ sở lớn, được cấp phép kinh doanh và sử dụng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng gây thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng đến chất lượng các sản phẩm chăn nuôi.
Bài và ảnh: Lê Ngọc
Nguồn: Báo Thanh Hóa