Thời điểm cuối năm và cận Tết Nguyên đán hằng năm nhu cầu tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm sẽ tăng cao. Do vậy, hiện nay các trang trại, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm tại các địa phương trên địa bàn tỉnh đang áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi nhằm đảm bảo nguồn cung thực phẩm chăn nuôi phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người tiêu dùng.
Những ngày giữa tháng 12-2022 sau khi thực hiện tái đàn, các trang trại, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Thọ Xuân đang tăng tốc sản xuất. Trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, người chăn nuôi đã có nhiều giải pháp giúp giảm chi phí sản xuất nhưng vẫn đảm bảo chất lượng con nuôi. Ông Nguyễn Mạnh Hà, chủ trang trại gà tại khu chăn nuôi tập trung Đồng Xốn, xã Trường Xuân, cho biết: Từ tháng 9-2022 chúng tôi đã bắt đầu tái đàn chăn nuôi để kịp phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Vào dịp cuối năm cũng như Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu thụ thịt gà cao hơn ngày thường khoảng 20%. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm, những tháng cuối năm, thời tiết diễn biến phức tạp, sức đề kháng của vật nuôi giảm nên rất dễ phát sinh dịch bệnh. Vì thế, đàn gà giống được mua ở địa chỉ uy tín, tiêm phòng đầy đủ trước khi thả nuôi; ngoài ra, phải thường xuyên phun khử trùng, tiêu độc khu vực chuồng nuôi và phát quang bụi rậm để phòng, chống dịch bệnh.
Theo ông Hà, dự kiến năm nay trang trại của gia đình sẽ xuất bán khoảng 12.000 con gà thịt, hầu hết đã có thương lái đặt mua và được tiêu thụ tại các chợ lớn trên địa bàn TP Thanh Hóa.
Là một trong những địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, để chuẩn bị nguồn cung phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh, ngay từ tháng 9-2022 huyện Thọ Xuân đã chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn người dân tái đàn, định hướng con nuôi, số lượng đàn theo dự báo nhu cầu thị trường, tránh tái đàn ồ ạt. Đồng thời, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, tiêm phòng vắc-xin đúng quy định. Ngoài thức ăn công nghiệp, người chăn nuôi ở địa phương đang linh hoạt tận dụng sản phẩm và phụ phẩm nông nghiệp sẵn có để giảm chi phí, cũng như không sử dụng thức ăn kém chất lượng, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, bảo đảm chất lượng sản phẩm chăn nuôi khi xuất bán. Hiện các trang trại trên địa bàn huyện Thọ Xuân đã sẵn sàng nguồn cung cho thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, chủ trang trại tại khu chăn nuôi tập trung Đồng Xốn, xã Trường Xuân (Thọ Xuân) đang chăm sóc đàn gia cầm.
Bên cạnh gia cầm, thịt lợn cũng là một trong những sản phẩm được tiêu thụ mạnh trong dịp này. Thời gian qua, dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát nên người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn tái đàn để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, giá vật tư đầu vào và chi phí chăn nuôi cao, giá lợn hơi có xu hướng giảm từ nửa cuối tháng 11 nên người chăn nuôi lợn cũng e dè trong việc tăng đàn. Ông Trịnh Hữu Quang – một trong những chủ trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn ở xã Yên Phú (Yên Định) cho biết: Để chủ động ứng phó với các tình huống biến đổi thời tiết, nhất là rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến sức khỏe đàn lợn, theo sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp xã, gia đình ông đã thực hiện tiêm phòng vắc-xin đầy đủ, nhập con giống rõ nguồn gốc, thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại và bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cần thiết vào khẩu phần ăn cho vật nuôi… Trang trại của gia đình dự kiến sẽ xuất bán khoảng 2.000 con lợn để tiêu thụ trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện toàn tỉnh có tổng đàn trâu khoảng 180 nghìn con, đàn bò 270 nghìn con, đàn lợn 1,25 triệu con và đàn gia cầm 24,5 triệu con. Khả năng cung ứng ra thị trường dịp tết này khoảng 18 nghìn tấn thịt gia cầm hơi, hơn 45,5 nghìn tấn thịt lợn hơi, 10 nghìn tấn thịt trâu, bò hơi và khoảng 83 triệu quả trứng gia cầm. Theo nhận định, nhu cầu tiêu thụ thịt các loại vào thời điểm cuối năm và tết thường tăng từ 10 đến 20%, vì vậy nếu không gặp bất lợi về dịch bệnh thì nguồn cung thịt gia súc, gia cầm cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Tuy nhiên, để tiếp tục công tác bảo vệ đàn vật nuôi cung ứng dịp tết, ngành nông nghiệp đã và đang phối hợp các địa phương tuyên truyền người dân tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Thời điểm cuối năm thường xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của vật nuôi, vì vậy các hộ chăn nuôi cần cân đối các loại thức ăn giàu dinh dưỡng, bổ sung vitamin, khoáng chất… để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm tăng cao nên đây cũng là thời điểm tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm nếu nguồn hàng không đảm bảo chất lượng, vì vậy các địa phương cần thành lập đoàn kiểm tra tại các chợ, điểm giết mổ nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng…
Bài và ảnh: Lê Ngọc
Nguồn: Báo Thanh Hóa