Thăng hoa thu hút FDI

(Người Chăn Nuôi) – Làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực chăn nuôi thực chất bắt đầu vào năm 2016, tuy nhiên phải đến năm 2019 mới trở nên mạnh mẽ hơn, đặc biệt là từ năm 2020 đến nay. Năm 2020 – 2022 là giai đoạn khó khăn đối với ngành chăn nuôi Việt Nam, nhưng cũng chính là giai đoạn đặc biệt thăng hoa ở lĩnh vực thu hút đầu tư FDI, với mức tăng trưởng chưa từng có.

Kết quả bất ngờ

Theo công bố của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến thời điểm hiện tại nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ vào lĩnh vực chăn nuôi tại Việt Nam lên tới 2,2 tỷ USD, chiếm hơn 12% tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam năm 2022. Với 81 dự án tập trung vào nhiều lĩnh vực khác nhau như: Thức ăn chăn nuôi (TĂCN), chăn nuôi heo, gà, bò, giết mổ, chế biến và xử lý môi trường… Các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam thời gian qua đều là các thương hiệu toàn cầu, trong đó một số còn đến từ những quốc gia có nền chăn nuôi phát triển cao như Hà Lan, Mỹ hay Hàn Quốc.

Do các doanh nghiệp FDI là những đơn vị lớn, đầu tư bài bản nên chỉ sau vài năm đã có vị trí quan trọng trên thị trường chăn nuôi Việt Nam. Mặc dù số lượng các doanh nghiệp FDI so với tổng số doanh nghiệp chăn nuôi chiếm tỷ lệ khiêm tốn, nhưng với quy mô lớn các doanh nghiệp này vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo về sản lượng sản phẩm. Điển hình trong lĩnh vực sản xuất TĂCN, trong 237 nhà máy sản xuất TĂCN ở Việt Nam chỉ có 61 (chiếm 25,7%) doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhưng sản lượng bán ra thị trường chiếm gần 60%. Tập đoàn CP (Thái Lan) xuất bán mỗi năm hơn 5 triệu con heo thịt, hơn 200 triệu quả trứng và hơn 80.000 tấn gà thịt, chiếm 19,5% tổng sản lượng heo thịt và 4% tổng sản lượng thịt gà của cả nước. Ngoài ra, với 16 nhà máy TĂCN hiện đại đã được CP đầu tư tại Việt Nam, sản lượng TĂCN của CP cũng chiếm 25% tổng sản lượng TĂCN tại Việt Nam. Ngoài các tập đoàn đã đầu tư vào Việt Nam từ lâu, gần đây nhiều tập đoàn lớn cũng đã bắt đầu đầu tư vào Việt Nam như De Heus Genetics (Hà Lan), Tập đoàn Mavin (Australia), Tập đoàn tài chính quốc tế (IFC)… Có thể nói, làn sóng đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi của các doanh nghiệp FDI đang trở thành xu thế và xu thế này được dự báo sẽ mạnh mẽ hơn nữa vào những năm sắp tới.

thức ăn chăn nuôi De Heus

Dây chuyền sản xuất TĂCN của De Heus. Ảnh: De Heus

 

4 lý do thu hút FDI

Một là, về vĩ mô, Việt Nam là nước có nền chính trị ổn định, không có chiến tranh, xung đột trong nhiều năm qua. Việt Nam là một trong những thị trường được các tổ chức quốc tế đánh giá sẽ có tốc độ tăng trưởng cao, trước hết là rất cao so với bản thân Việt Nam qua các năm. Bên cạnh đó, trong bối cảnh dòng vốn FDI trên thế giới hiện nay đang bị sụt giảm, vốn FDI đi vào Việt Nam vẫn rất ổn định, thậm chí là tốt lên, nếu nhìn ở góc độ đầu tư thực tế. Chính sách điều hành kinh tế của Chính phủ khá tốt, giúp kiềm chế lạm phát, giữ đồng tiền Việt Nam tương đối ổn định so với đồng USD và lên giá so với các đồng tiền khác. Hai là, Việt Nam có thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi rất lớn, ngoài thị trường nội địa với 100 triệu dân, còn là một trong những quốc gia ký rất nhiều hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia trên thế giới. Tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ký 15 hiệp định thương mại và đang đàm phán 2 hiệp định, qua đó đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường mở, một trung tâm trung chuyển hàng hóa hàng đầu thế giới như đánh giá của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).

Ba là, tại Việt Nam chăn nuôi là một trong 4 ngành có sản phẩm tạo ra giá trị lớn trong nông nghiệp, chiếm gần 6% GDP hàng năm. Quy mô ngành chăn nuôi của Việt Nam đang nằm trong nhóm dẫn đầu Đông Nam Á và được ví là “miếng bánh béo bở” cho các doanh nghiệp đầu tư. Ngoài ra, trong nhiều năm qua tốc độ phát triển chăn nuôi vẫn tăng đều đặn 4 – 5%/năm. Sau nhiều nỗ lực, hệ sinh thái nông nghiệp của Việt Nam hiện nay rất nhiều tiềm năng với hơn 19.100 hợp tác xã và 78 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, có trên 30.000 tổ hợp tác và trên 19.600 trang trại theo tiêu chí mới trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gắn với bà con nông dân.

Bốn là, nhu cầu thực phẩm toàn cầu ngày càng tăng do dân số đã đạt đến 8 tỷ người vào cuối tháng 11/2022. Theo số liệu mới nhất của Tập đoàn có uy tín BRC (Business Research Company), thị trường các sản phẩm thịt toàn cầu đã tăng từ 805,33 tỷ USD vào năm 2021 lên 865 tỷ USD vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 7,4% và dự kiến sẽ tăng lên 1.056,13 tỷ USD vào năm 2026 với tốc độ CAGR là 5,1%. Để đáp ứng nhu cầu lớn như vậy, chăn nuôi công nghệ cao với quy mô lớn mà các tập đoàn FDI đang áp dụng là con đường duy nhất để đạt mục tiêu này. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng giải thích tại sao các doanh nghiệp FDI đầu tư mạnh vào lĩnh vực chăn nuôi tại Việt Nam.

Ngoài 4 lý do trên, thị trường Việt Nam còn một số lợi thế như nguồn lao động dồi dào với giá hợp lý, các doanh nghiệp nội địa quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu, chính sách của Nhà nước đối với các doanh nghiệp FDI ổn định, dễ dàng và thông thoáng…

 

Lợi ích và những hệ lụy

Lợi ích

Nhờ làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp FDI nên chăn nuôi quy mô trang trại lớn, công nghiệp ngày càng tăng, số lượng cơ sở chăn nuôi nông hộ đang giảm dần, đưa nền chăn nuôi Việt Nam tiếp cận dần với các nền chăn nuôi tiên tiến trên thế giới. Điển hình nhất là trong chăn nuôi heo, trung bình mỗi năm tỷ lệ chăn nuôi nông hộ giảm 5 – 7%/năm, đặc biệt giai đoạn 2019 – 2021 giảm 18 – 20%. Năm 2022 cả nước chỉ còn khoảng 1,7 triệu cơ sở chăn nuôi so với 2 triệu cơ sở vào năm 2020, tuy nhiên tổng đàn heo đã tăng từ 22 triệu con vào năm 2020 lên trên 29 triệu con vào năm 2022. Số cơ sở quy mô từ 1.500 con trở lên chiếm gần 30% tổng đàn heo của cả nước, đặc biệt có 16 doanh nghiệp lớn, có quy mô tới gần 6 triệu con, chiếm 23,5% tổng đàn.

Một lợi ích khác đó là các doanh nghiệp FDI đưa công nghệ mới, tiên tiến vào Việt Nam, ngoài việc giúp các doanh nghiệp nội tiếp cận công nghệ mới còn góp phần đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm chế biến sâu, tăng xuất khẩu, nâng cao giá trị sản phẩm, qua đó tăng nguồn thu cho các doanh nghiệp và ngân sách Nhà nước.

Hệ lụy

Việt Nam là nước có nhiều tiềm năng và lợi thế về nông nghiệp, trong đó có ngành chăn nuôi, nhưng “miếng bánh” béo bở này lại nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài. Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp FDI có lợi thế hơn hẳn so với doanh nghiệp trong nước về vốn, công nghệ và giá nguyên liệu. Dự báo lợi thế này sẽ được phát huy mạnh trong thời gian tới khiến doanh nghiệp Việt tiếp tục thua tại “sân nhà”. Bên cạnh những lợi ích mà các doanh nghiệp FDI mang lại thì cũng để lại một số hệ lụy như nếu phụ thuộc nhiều vào khối doanh nghiệp FDI sẽ khiến nền kinh tế mất tự chủ và nội lực ngày càng trở nên suy yếu. Thực tế trong thời gian qua cho thấy do sản xuất lạc hậu, quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu nên nhiều doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi trong nước đã phải giải thể, thậm chí phá sản. Mặt khác công tác quản lý, điều tiết của Nhà nước đối với doanh nghiệp FDI cũng khó khăn hơn so với doanh nghiệp trong nước, ví dụ điển hình là việc điều chỉnh giảm giá thịt heo của Chính phủ đối với doanh nghiệp nước ngoài năm 2020 ít có hiệu quả hơn so với các doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, công tác quản lý về tài chính cũng gặp khó do doanh nghiệp FDI có tính độc lập tương đối, đã có một số tiêu cực trong vấn đề này như hiện tượng chuyển giá, báo lỗ để không nộp thuế, hiện tượng bỏ trốn khi kinh doanh thua lỗ…

>> Làn sóng đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp FDI vào lĩnh vực chăn nuôi trong thời gian qua là một tín hiệu tích cực, đáng mừng và cần tiếp tục khuyến khích. Để làn sóng này thực sự phát huy hiệu quả, đồng thời giảm thiểu những hệ lụy, các cơ quan quản lý liên quan cần tiếp tục nghiên cứu đưa ra những chính sách phù hợp từng giai đoạn, giúp không chỉ các doanh nghiệp FDI mà còn các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước cùng phát triển.

GS.TS. Nguyễn Duy Hoan

Giảng viên cao cấp Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *