(Người Chăn Nuôi) – Năm 2021, ngành chăn nuôi nước ta đã kiểm soát khá tốt dịch bệnh. tuy nhiên nguy cơ các loại dịch bệnh động vật xảy ra vào năm 2022 còn rất cao, đặc biệt là Dịch tả heo châu Phi (ASF), viêm da nổi cục và cúm gia cầm.
ASF
Năm 2021, cả nước xảy ra 3.029 ổ dịch tại 405 huyện thuộc 59 tỉnh, thành phố. Tổng số heo tiêu hủy là 279.910 con, chiếm khoảng 0,99% tổng đàn heo cả nước, tương đương hơn 11.678 tấn.
Nguy cơ bệnh ASF tái phát và phát sinh là rất cao, do: Đặc điểm của virus rất nguy hiểm đối với heo, có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp; Hiện chưa có thuốc, vaccine phòng bệnh; Chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, chưa đảm bảo các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học; Việc buôn bán, vận chuyển heo, sản phẩm heo gia tăng mạnh vào các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán; Thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, mưa lũ, rét đậm…; Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, đặc biệt tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, nên việc quản lý, đăng ký kê khai tái đàn từ cấp xã thực hiện chưa tốt, một bộ phận người chăn nuôi chậm báo cáo dịch.
Chủ động tiêm vaccine để phòng bệnh cho vật nuôi – Ảnh: Pigadvocates
Viêm da nổi cục
Cả nước đã xảy ra 4.329 ổ dịch viêm da nổi cục tại 456 huyện 55 tỉnh, thành phố trong năm 2021. Số gia súc mắc bệnh là 206.953 con trâu, bò (chiếm tỷ lệ 0,02% tổng đàn). Số gia súc bị chết và tiêu hủy là 29.047 con (chiếm tỷ lệ 0,003%).
Nguy cơ dịch bệnh viêm da nổi cục tiếp tục lây lan nhanh, ở phạm vi rộng là rất cao vì: Một số địa phương chưa triển khai quyết liệt, đồng bộ, xử lý dứt điểm và tiêu hủy gia súc khi mới xuất hiện dịch bệnh; Đường truyền lây đa dạng, phức tạp, khó kiểm soát, đặc biệt lây lan thông qua các véc tơ truyền bệnh (ruồi, muỗi, ve, mòng hút máu, truyền bệnh…); Chăn thả trâu, bò trên các cánh đồng, bãi chăn thả chung còn khá phổ biến; Nhu cầu vận chuyển, giết mổ trâu, bò gia tăng mạnh vào dịp Tết Nguyên đán; Thời tiết tiếp tục có nhiều diễn biến cực đoan làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, gây ô nhiễm môi trường; Điều kiện các hộ chăn nuôi, nhất là tại các tỉnh miền núi còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn khi áp dụng các biện pháp phòng bệnh; Giá trị kinh tế của trâu, bò là khá cao, do đó đã có tình trạng người chăn nuôi ở một số địa phương bán chạy, giết mổ gia súc bệnh.
Lở mồm long móng
Năm 2021, cả nước đã xảy ra 88 ổ dịch lở mồm long móng tại 46 huyện của 18 tỉnh, thành phố. Số gia súc mắc bệnh là 3.402 con (chiếm tỷ lệ 0,009% tổng đàn). Số gia súc bị chết và tiêu hủy là 348 con.
Nguy cơ dịch bệnh lở mồm long móng tái phát và phát sinh là rất cao, do: Virus lở mồm long móng tồn tại lâu ngoài môi trường, đặc biệt ở các địa phương có ổ dịch cũ; Đường lây truyền bệnh phức tạp và khó kiểm soát; Chăn nuôi hộ gia đình, nhỏ lẻ, mật độ rất cao, chưa áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học; Sử dụng gia súc giống không rõ nguồn gốc, chưa tiêm phòng triệt để vaccine phòng bệnh lở mồm long móng; Việc giao thương buôn bán, vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc tăng mạnh vào các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán; Thời tiết thay đổi làm giảm sức đề kháng của vật nuôi.
Cúm gia cầm
Cả nước đã xảy ra 117 ổ dịch cúm gia cầm tại 80 huyện của 32 tỉnh, thành phố trong năm 2021. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 444.298 con, chiếm khoảng 0,086% tổng đàn trên cả nước.
Các ổ dịch cúm gia cầm chủ yếu xảy ra tại hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, chưa được tiêm phòng vaccine. Các địa phương đã phát hiện, xử lý kịp thời, không để lây lan diện rộng. Thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1, A/H5N6 và A/H5N8 gia tăng là rất cao, do: Tổng đàn gia cầm lớn, nhưng chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh, nhiều đàn gia cầm chưa được tiêm phòng vaccine; Virrus cúm gia cầm lưu hành ở nhiều địa phương với tỷ lệ khá cao; Giao thương buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trong nước tăng mạnh vào dịp Tết Nguyên đán; Tình trạng nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm còn xảy ra tại các tỉnh biên giới phía Bắc; Thời tiết thay đổi làm giảm sức đề kháng của vật nuôi.
Thảo Nguyên