Trước những diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), các địa phương, đặc biệt các xã có dịch đang tập trung thực hiện các biện pháp cấp bách, trọng tâm phòng, chống dịch.
Bệnh DTLCP đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh trong thời gian khá dài, gây hậu quả nặng nề cho người chăn nuôi. Sau một thời gian tạm lắng, từ ngày 12/10 dịch tái phát tại 1 hộ chăn nuôi thuộc xã Minh Khai (Hưng Hà), đến ngày 26/10 dịch bệnh đã phát sinh tại 5 hộ chăn nuôi thuộc 5 xã, thị trấn: Minh Khai, Thái Hưng, thị trấn Hưng Hà (Hưng Hà); Trọng Quan (Đông Hưng) và Đông Hòa (thành phố Thái Bình); số lợn phải tiêu hủy 45 con, trọng lượng 1.646kg. Ngoài ra, ngày 26/10 tiếp tục phát sinh hiện tượng lợn ốm, chết nghi mắc bệnh DTLCP tại hộ chăn nuôi ở xã Đông Xuân (Đông Hưng), xã Thái Hưng (Hưng Hà). Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã lấy mẫu gửi xét nghiệm.
Gia đình ông Phạm Văn Dũng, xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình) thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc để phòng tránh bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hưng Hà cho biết: Hưng Hà là địa phương có quá trình tái đàn nhanh, tổng đàn lợn lớn (khoảng 97.000 con), chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao. Cuối năm, hoạt động kinh doanh, buôn bán, tiêu thụ lợn sẽ càng sôi động nên dịch càng khó kiểm soát hơn. Trước sự xuất hiện của dịch bệnh trên địa bàn xã Minh Khai, huyện đã kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống bệnh DTLCP, đồng thời ban hành công văn yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tái phát; quản lý chặt chẽ hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, tránh tình trạng lợn ốm được giết mổ không đúng quy định và bán tháo tại hộ gia đình. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các địa phương xác định vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm để tập trung chỉ đạo khoanh vùng, xử lý dịch; lập danh sách các hộ, trang trại chăn nuôi để chủ động bố trí đủ nguồn lực phòng, chống dịch, nhanh chóng khoanh vùng không để dịch lây lan và kéo dài.
Ông Phạm Văn Dũng, thôn Nam Cầu Nhân, xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình) cho biết: Trên địa bàn xã đã có 2 hộ có lợn mắc bệnh DTLCP nên gia đình tôi đã chủ động đóng cửa khu vực chuồng, phun tiêu độc nồng độ mạnh ngày 2 lần, tuyệt đối không mua, sử dụng thịt và sản phẩm từ thịt lợn bên ngoài; hạn chế người ra, vào khu vực chuồng nuôi.
Từng phải chịu thiệt hại nặng nề bởi nhiều đợt bệnh DTLCP nên hiện nay nông dân toàn tỉnh đã nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Đối với các trang trại quy mô, chi phí đầu tư lớn thì vấn đề bảo vệ đàn vật nuôi càng nghiêm ngặt.
Hộ chăn nuôi xã Trọng Quan (Đông Hưng) phun khử trùng chuồng nuôi.
Anh Nguyễn Đắc Tường, xã Đông Phương (Đông Hưng) cho biết: Bệnh DTLCP rất nguy hiểm, chưa có vắc-xin phòng ngừa nên nguy cơ bùng phát cao. Chủ động phòng tránh dịch bệnh, trang trại thực hiện nguyên tắc “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, công nhân làm việc trực tiếp được bố trí ở ngay tại trang trại; xe vận chuyển thức ăn, hóa chất… ra vào trang trại được kiểm soát nghiêm ngặt, phun hóa chất kịp thời. Thời điểm này, giá thức ăn chăn nuôi cao, giá vật tư phòng dịch cũng tăng song chúng tôi vẫn cố gắng đầu tư để đàn lợn phát triển khỏe mạnh.
Nhận định nguy cơ dịch bệnh sẽ tái phát và lây lan trong thời gian tới là rất cao, ông Phạm Thành Nhương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Hiện là thời điểm nguy cơ dịch bệnh bùng phát ra diện rộng ở mức cao vì hội tụ cả yếu tố chủ quan và khách quan: thời tiết đang chuyển mùa, mưa ẩm kéo dài làm giảm sức đề kháng của đàn lợn nhưng thuận lợi cho mầm bệnh tồn tại ngoài môi trường, phát tán và lây lan dịch bệnh; mầm bệnh lưu hành với tỷ lệ cao, ở phạm vi rộng, tồn tại lâu ngoài môi trường, bệnh chưa có thuốc điều trị và vắc-xin phòng bệnh; nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật các tháng cuối năm tăng mạnh, trong khi giết mổ nhỏ lẻ chiếm đa số; tổng đàn lợn của tỉnh khá cao (684.000 con) trong khi tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng các bệnh còn thấp; giá bán lợn thịt đang giảm sâu dễ dẫn tới tình trạng nông dân lơ là trong công tác phòng dịch, đồng thời gia tăng hoạt động giết mổ tự phát. Đến nay, 8/8 huyện, thành phố đã tiếp nhận hóa chất hỗ trợ của tỉnh thực hiện phòng, chống dịch; công tác khử trùng, tiêu độc tại các xã có lợn ốm chết được thực hiện hàng ngày đối với hộ có dịch. Các địa phương phải tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp khống chế, phòng, chống dịch, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng và phát triển chăn nuôi, đồng thời chủ động giám sát, lấy mẫu gửi xét nghiệm để phát hiện sớm dịch bệnh.
Ngân Huyền
Nguồn: Báo Thái Bình