Tạo đà phát triển cho ngành chăn nuôi gia súc lớn

Tính đến hết năm 2021, ngành chăn nuôi gia súc lớn nước ta đạt nhiều tín hiệu vui, đàn trâu có hơn 2,3 triệu con, đàn dê, cừu hơn 2,8 triệu con, tổng đàn bò hơn 6,3 triệu con, trong đó bò sữa hơn 330 nghìn con; sản lượng sữa tươi đạt gần 1,2 triệu tấn.

Có ý kiến cho rằng, để tạo đà phát triển ổn định cho ngành cần thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả trong thời gian tới.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mặc dù thời gian qua ngành chăn nuôi gia súc lớn của Việt Nam tăng trưởng khá tốt, nhưng sản lượng thịt còn thấp, năm 2021 đạt khoảng 0,68 triệu tấn. Đặc biệt, đàn bò (tập trung chủ yếu ở vùng Bắc Trung Bộ và ven biển miền trung với hơn 2,32 triệu con), hiện chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thịt của thị trường trong nước. Một số địa phương có số lượng bò sữa lớn, gồm: Nghệ An, Sơn La, Lâm Đồng, Hà Nội…, nhưng phần lớn vẫn là chăn nuôi nông hộ. Các công ty, tập đoàn: TH True Milk, Vinamilk, Mộc Châu, Friesland Campina Vietnam tuy có sự đầu tư lớn, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới (nhiều trại chăn nuôi bò sữa của TH True Milk năng suất đạt từ 30 đến 32 lít/con/ngày, của Vinamilk là từ 28 đến 30 lít/con/ngày), song sản lượng sữa tươi nguyên liệu mới chỉ cung ứng được một phần nhu cầu của người dân. Cần phải nỗ lực phấn đấu mới có thể đạt mức tiêu thụ thịt bò, sữa và sản phẩm từ sữa trung bình của người Việt Nam lần lượt là 3,15 kg thịt xẻ/người/năm và 27 kg sữa quy đổi/người/năm mà cơ quan chuyên môn đề ra.

chăn nuôi gia súc lớn

Chăn nuôi bò sữa tại thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn (Tiên Du, Bắc Ninh).

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bưởi (huyện Ba Vì, Hà Nội) cho biết, chăn nuôi bò sữa khá vất vả, có thời điểm giá thức ăn, con giống tăng cao, chưa tính chi phí xây chuồng trại, hệ thống làm mát…, đã ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế, gặp khó khăn khi muốn tái đầu tư mở rộng sản xuất.

Theo Phó Cục trưởng Chăn nuôi Tống Xuân Chinh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên như: Tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và ở Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp, tác động bao trùm các hoạt động kinh tế – xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng thực phẩm, nhất là chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia súc lớn nói riêng. Chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao dẫn đến chưa kiểm soát hiệu quả vấn đề dịch bệnh, an toàn thực phẩm; năng suất, giá thành, tính cạnh tranh của các sản phẩm chăn nuôi gia súc lớn của chúng ta còn thấp so với các nước tiên tiến. Chăn nuôi gia súc lớn phụ thuộc nhiều vào nguồn thức ăn thô xanh nhưng Việt Nam ít có đồng cỏ, bãi chăn thả tự nhiên như các quốc gia có nền chăn nuôi phát triển: Mỹ, Australia, New Zealand…

Các chuyên gia cho rằng, để tạo đà cho ngành chăn nuôi gia súc lớn phát triển, tới đây cần triển khai ngay một số giải pháp căn cơ như: Có chính sách dành quỹ đất để phát triển chăn nuôi đáp ứng các quy định của Luật Chăn nuôi, bảo đảm yêu cầu giảm đến mức thấp nhất ô nhiễm môi trường, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học. Ưu tiên giao đất, thuê đất với chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về đất đai cho các cơ sở giống, cơ sở chăn nuôi gia súc lớn, trang trại tập trung, công nghiệp đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học trong vùng phát triển chăn nuôi; cơ sở giết mổ tập trung, chế biến công nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi, chợ đầu mối. Chuyển phần lớn diện tích ở những nơi phù hợp và một phần diện tích đất nông nghiệp hiệu quả thấp sang thâm canh trồng cỏ và cây làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (tổng diện tích đất các loại cho nhu cầu này từ 0,5 đến 1 triệu héc-ta).

Hằng năm, thực hiện giám định, bình tuyển, loại thải và thay thế đàn giống vật nuôi trong sản xuất. Hỗ trợ thông qua con giống cho phát triển chăn nuôi gia súc lớn đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tiếp tục áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương có chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các dự án đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc lớn trên địa bàn. Nhân rộng các chuỗi liên kết trong chăn nuôi và nâng cao hiệu quả hỗ trợ, nhất là đối với khu vực chăn nuôi nông hộ thông qua khuyến khích hình thức hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào chăn nuôi có gắn kết với các trang trại, hộ chăn nuôi.

Tạo nguồn thức ăn, nhất là thức ăn thô xanh trong những tháng thời tiết nóng khô, hạn tại các tỉnh miền trung; mưa, rét, ẩm ướt không đủ thức ăn ở mùa đông tại các tỉnh miền núi và trung du phía bắc cho đàn gia súc, nhất là thức ăn TMR (thức ăn hoàn chỉnh) cần được áp dụng ở tất cả hộ chăn nuôi bò sữa. Tiếp tục cải tạo đàn bò nền ở vùng sâu, vùng xa bằng tinh đông lạnh từ những giống tốt như: Brahman (trắng, nâu), Droughmaster, BBB (Blue Blanec Belgie). Thành lập các chuỗi liên kết từ người chăn nuôi đến khâu giết mổ, phân phối và tiêu thụ trong chăn nuôi dê, cừu… Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp, kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn gia súc thì sẽ cơ bản chủ động được nguồn cung thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước.

 
ANH QUANG
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *