Ngoài việc trồng, chăm sóc cây lúa, những năm qua, chị Păng Ting K’Măng (40 tuổi, ngụ tại thôn Liêng K’Rắc I, xã Đạ M’rông, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng) còn nuôi heo đen địa phương để bán giống, nhờ vậy kinh tế gia đình ngày càng ổn định.
Theo chân cán bộ xã Đạ M’rông đến thăm nhà của chị Păng Ting K’Măng trong lúc chị đang trộn cám cho đàn heo ăn. Chị K’Măng chia sẻ, hiện, gia đình chị có một sào đất trồng lúa, năng suất thấp, trước kia, chị phải đi làm thuê, cuộc sống khó khăn kéo dài.
Nhờ mô hình nuôi heo đen, cuộc sống gia đình chị Păng Ting K’Măng đã được cải thiện
Năm 2018, được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, chị đã xây dựng chuồng trại. Sau đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đam Rông phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp huyện thành lập Tổ hợp tác xã Nuôi heo đen địa phương cung ứng giống heo con, trao tặng heo giống cho 10 hộ trong thôn Liêng K’Rắc I; trong đó, gia đình chị K’Măng được tặng 5 con heo đen gồm 4 heo mẹ và 1 heo đực.
Theo phong tục tập quán của người M’Nông thì nuôi heo đen bản địa thường được bà con thả rông để tự chúng tìm kiếm thức ăn quanh vườn. Heo đen bản địa có đặc tính là ăn tạp, dễ nuôi, thịt heo đen rắn chắc, ít mỡ. Người nuôi chỉ cho heo ăn mấy loại rau, cỏ quanh nhà. Còn nay, chị Păng Ting K’Măng trộn cám cùng với rau củ, chuối băm nhuyễn cho cả đàn ăn.
Để đàn heo phát triển tốt, hàng năm Trung tâm Nông nghiệp huyện Đam Rông cử cán bộ, nhân viên kỹ thuật xuống nhà hướng dẫn chăm sóc và tiêm phòng định kỳ 1 năm 3 lần. Năm 2018, do dịch tả heo châu Phi bùng phát, khiến heo của hộ bị chết hết, còn heo của gia đình K’Măng được xử lý, phòng bệnh kịp thời nên may mắn không chết con nào.
Chị Păng Ting K’Măng cho biết thêm, heo nhà chị một năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa trên 20 heo con, bán với giá hơn 3 triệu đồng/cặp heo, như vậy thu nhập từ bán heo giống khoảng từ 60 – 80 triệu đồng/năm. Heo con khi vừa sinh đã có nhiều người đến đặt trước và học hỏi kinh nghiệm nuôi heo. Theo chị K’Măng, heo đen bản địa dễ nuôi, sức đề kháng tốt, không mất nhiều công chăm sóc, thu nhập lại cao gấp nhiều lần so với trồng lúa nên thời gian qua, chị đã tập trung nuôi và sắp tới sẽ mở rộng thêm trang trại trong khuôn viên đất ở của gia đình. “Nhờ mô hình nuôi heo đen cung cấp giống, gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống không còn khó khăn như trước, con cái được đến trường đầy đủ” Păng Ting K’Măng vui vẻ nói.
Theo ông Kon Yông Ha Khắt – Phó Chủ tịch UBND xã Đạ M’rông, huyện Đam Rông, trên địa bàn xã có nhiều mô hình nông nghiệp như trồng dâu nuôi tằm, trồng cây ăn quả…, trong đó, mô hình nuôi heo đen của chị Păng Ting K’Măng là mô hình tiêu biểu. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục vận động bà con áp dụng những mô hình mang lại kinh tế hiệu quả, ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhằm giúp bà con dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm hướng đến giảm nghèo bền vững.
Phương Lâm
Nguồn: Báo Lâm Đồng