Gây nuôi động vật hoang dã vì mục đích thương mại là hoạt động đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương. Mặc dù hệ thống chính sách pháp luật hiện đã tương đối toàn diện, tuy nhiên các quy định về lĩnh vực này còn khá chung chung, cần có sự bổ sung để hoàn thiện kịp thời nhằm quản lý hiệu quả hoạt động nêu trên, góp phần bảo vệ môi trường sống của động vật hoang dã và hạn chế khả năng lây lan dịch bệnh đến con người.
Cả nước hiện có khoảng hơn 9.000 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã đã được cấp phép, với 2,5 triệu cá thể của 300 loài được nuôi và hàng trăm chợ, tụ điểm mua bán động vật hoang dã, tập trung tại 54 tỉnh, thành phố. Trong đó, các hộ gia đình, tư nhân tham gia vào hoạt động này chiếm tới hơn 90%. Bên cạnh đó, tại một số khu du lịch sinh thái, vườn thú cũng có gây nuôi động vật hoang dã với số lượng lớn, nhưng không vì mục đích thương mại.
Tái thả động vật hoang dã vào rừng tại Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình).
Tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh
Thời gian qua, các địa phương và các cơ quan chức năng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, hộ gia đình đăng ký gây nuôi các loài động vật hoang dã, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng, giảm áp lực săn bắt các loài động vật hoang dã trong tự nhiên.
Tuy vậy, bên cạnh đó vẫn còn không ít hộ chăn nuôi động vật hoang dã chưa tuân thủ quy định của pháp luật về nuôi động vật hoang dã, chưa khai báo tăng, giảm số lượng cá thể nuôi. Mặt khác, việc sử dụng các sản phẩm của động vật hoang dã làm thực phẩm không có nguồn gốc hợp pháp tại các nhà hàng, quán ăn vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi; hoạt động mua bán, vận chuyển động vật hoang dã và các sản phẩm trái pháp luật còn diễn ra dưới nhiều hình thức, gây khó khăn cho công tác quản lý động vật hoang dã.
Nhằm bảo đảm các hoạt động gây nuôi động vật hoang dã, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 84/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; Nghị định số 66/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; giống cây trồng; nuôi động vật rừng thông thường; chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm.
Theo các chuyên gia về động vật hoang dã, hiện nay có những ý kiến ủng hộ quan điểm hợp pháp hóa gây nuôi thương mại và buôn bán động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm và cho rằng gây nuôi thương mại vừa là giải pháp phát triển kinh tế vừa có giá trị bảo tồn. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng phải nghiêm cấm gây nuôi thương mại và buôn bán động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; việc gây nuôi thương mại và buôn bán các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm là “con đường dẫn đến sự tuyệt chủng”.
Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) Bùi Thị Hà chia sẻ rằng gây nuôi thương mại và buôn bán động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm sẽ gây ra những hệ lụy rất xấu. Việc đem tương lai của nhiều loài động vật hoang dã nguy cấp bậc nhất trên thế giới để đánh đổi lấy lợi nhuận của một nhóm người là vô cùng mạo hiểm. Do vậy, pháp luật cần nghiêm cấm tuyệt đối mọi hình thức gây nuôi thương mại và buôn bán các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.
Thực tế, hầu như không có giá trị bảo tồn diễn ra song hành với hoạt động gây nuôi thương mại những loài này. Trong khi mục tiêu của bảo tồn là để bảo vệ nền đa dạng sinh học, phục vụ lợi ích chung của toàn xã hội, thì mối quan tâm hàng đầu của chủ các cơ sở gây nuôi là lợi nhuận.
Hơn nữa, hầu hết các cá thể động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được gây nuôi đã bị mất đi bản năng sinh tồn và kỹ năng cần thiết giúp chúng sống sót trong tự nhiên nếu được thả. Sự song song tồn tại của cả sản phẩm động vật hoang dã hợp pháp và bất hợp pháp trên thị trường gây khó khăn lớn cho công tác thực thi pháp luật, tạo điều kiện cho các đối tượng vi phạm lợi dụng để buôn bán, kinh doanh bất hợp pháp.
Theo đại diện Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị: “Các cán bộ thực thi pháp luật không thể phân biệt được giữa sản phẩm động vật hoang dã được gây nuôi hợp pháp từ các trang trại và các sản phẩm bị săn bắt trái phép từ tự nhiên được đem đi tiêu thụ trên thị trường. Do vậy, cách duy nhất để bảo vệ động vật hoang dã là nên nghiêm cấm mọi hình thức buôn bán các loài này”.
Tăng cường quản lý việc nuôi động vật hoang dã sẽ góp phần bảo vệ môi trường sống của động vật hoang dã, hạn chế lây lan dịch bệnh đến con người.
Việc kích thích nhu cầu tiêu thụ sản phẩm từ động vật hoang dã nhiều khả năng sẽ tăng lên đáng kể nếu các sản phẩm hiện đang bị cấm này được phép lưu hành và nhiều người vốn chưa từng có nhu cầu sử dụng có thể sẽ “thử” sử dụng. Cùng với nhu cầu tăng lên là sự gia tăng tình trạng săn bắn trái phép ngoài tự nhiên. Một số chuyên gia nhận định, việc gây nuôi động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm có thể mang lại lợi nhuận cho một số người, song nó lại đe dọa nghiêm trọng đa dạng sinh học…
Tăng cường chính sách quản lý
Để khắc phục những bất cập, tồn tại, lực lượng chức năng các địa phương đã tăng cường hướng dẫn người dân thực hiện đúng các quy định về gây nuôi đối với các loài động vật hoang dã; xây dựng kế hoạch cụ thể, nắm chi tiết từng hộ nuôi để kịp thời hỗ trợ người dân, làm cơ sở định hướng sản xuất bền vững.
Đồng thời chỉ đạo ngành kiểm lâm, thường xuyên phối hợp tuyên truyền, phổ biến cho người dân quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã. Vận động cán bộ, công chức và nhân dân không sử dụng sản phẩm động vật hoang dã không có nguồn gốc hợp pháp. Tăng cường hoạt động kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các hành vi săn bắt, vận chuyển trái phép các loài động vật hoang dã; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi quảng cáo, nuôi nhốt, kinh doanh, sử dụng trái phép các loài động vật hoang dã và sản phẩm, mẫu vật của các loài động vật hoang dã.
Theo quy định, đối với động vật rừng thông thường, chủ cơ sở gây nuôi không phải xin cấp phép của chi cục kiểm lâm. Trong quá trình gây nuôi phải thực hiện việc ghi chép sổ theo dõi vật nuôi theo Mẫu số 16, phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Khi vận chuyển đi ra ngoài tỉnh phải được chi cục kiểm lâm cấp phép vận chuyển. Đối với trường hợp vì mục đích thương mại chủ nuôi phải bảo đảm nguồn gốc hợp pháp.
Chuồng, trại được xây dựng phù hợp với đặc tính của loài nuôi; bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi, vệ sinh môi trường, phòng trừ dịch bệnh. Đối với các cơ sở nuôi thuộc đối tượng phải đăng ký mã số cơ sở theo quy định tại Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ, trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày 30/11/2021, chủ các cơ sở nuôi phải thực hiện lập hồ sơ đề nghị cấp mã số cơ sở nuôi gửi cơ quan có thẩm quyền.
Thực tế hiện nay, nhiều cơ sở gây nuôi động vật hoang dã thiếu hướng dẫn chi tiết và tiêu chuẩn gây nuôi động vật hoang dã. Trách nhiệm theo dõi công tác phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người tại các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã chưa được quy định rõ ràng.
Không có hình phạt nào được đưa ra đối với việc không tuân thủ liên quan đến việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người tại các trang trại động vật hoang dã. Nghị định số 84/2021 hiện nay, theo các nhà chuyên môn là không quy định thời gian để chủ trang trại nuôi động vật hoang dã quý, hiếm phải đăng ký cơ sở.
Bên cạnh đó, có quá nhiều danh mục động vật hoang dã trong các văn bản pháp luật khác nhau. Các chi cục kiểm lâm không được giao nhiệm vụ chia sẻ thông tin về các trang trại động vật hoang dã đã đăng ký với chi cục thú y và chăn nuôi và nhiều cơ sở gây nuôi quy mô nhỏ có năng lực hạn chế trong việc lập kế hoạch gây nuôi và ghi chép sổ theo dõi đầy đủ.
Các chuyên gia cũng cho rằng, Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT không quy định cụ thể trách nhiệm của Cục Kiểm lâm trong công tác phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người. Trên thực tế, Cục Kiểm lâm không tham gia nhóm điều tra ổ dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Do vậy, cần xây dựng mới, hoặc bổ sung chi tiết các quy định về yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn và biện pháp an toàn sinh học, giám sát dịch bệnh và truy xuất nguồn gốc đối với hoạt động gây nuôi động vật hoang dã vì mục đích thương mại. Phát triển các khung pháp lý xử phạt việc không tuân thủ pháp luật; xây dựng quy trình đánh giá rủi ro lây truyền bệnh từ động vật sang người và xây dựng danh sách các động vật hoang dã có nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch từ động vật cao và hoạt động thực hành.