(Người Chăn Nuôi) – Mặc dù nước ta đã có hệ thống ngăn chặn và phòng ngừa dịch bệnh rất hiệu quả, thế nhưng, mỗi năm ngành hàng chăn nuôi vẫn gánh những thiệt hại kinh tế đáng kể do dịch bệnh phát sinh trong đàn vật nuôi. Ðể tháo gỡ nút thắt này, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định mới nhằm tăng cường năng lực trong quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật.
Kiểm soát hiệu quả
Theo báo cáo của Cục Thú y, trong 6 tháng đầu năm 2023, các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi tiếp tục được kiểm soát tốt. Trong đó, số động vật mắc bệnh cúm gia cầm giảm 76%, dịch tả heo châu Phi giảm 80%, viêm da nổi cục giảm 82%; cả nước chỉ có 1 ổ dịch tai xanh, 19 ổ dịch lở mồm long móng.
Về bệnh cúm gia cầm, 6 tháng đầu năm cả nước xảy ra 12 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 8 tỉnh, thành phố; số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 13.812 con. So với cùng kỳ năm 2022, số ổ dịch giảm 45,45%, số gia cầm chết, tiêu hủy giảm 76,62%.
Về dịch tả heo châu Phi, cả nước xảy ra 178 ổ dịch tại 94 huyện của 34 tỉnh. Tổng số heo mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 7.047 con. So với cùng kỳ năm 2022, số ổ dịch bệnh giảm 79.32% và số heo bị chết, tiêu hủy giảm 83,93%. Bệnh dịch tả heo châu Phi xảy ra chủ yếu ở các tỉnh miền Bắc (chiếm 41,17% số ổ dịch trên cả nước) và thấp nhất tại các tỉnh miền Nam (26,47%). Lạng Sơn và Ðắk Lắk là hai tỉnh có số ổ dịch và số heo mắc bệnh nhiều nhất cả nước.
Ðến năm 2030, 100% động vật đưa vào cơ sở giết mổ tập trung được cơ quan thú y thực hiện kiểm soát. Ảnh: ST
Ngoài ra, cả nước xảy ra 19 ổ dịch lở mồm long móng tại 13 huyện của 9 tỉnh; số gia súc mắc bệnh là 618 con, số gia súc chết, tiêu huỷ là 21 con; 61 ổ dịch viêm da nổi cục tại 18 huyện của 9 tỉnh; tổng số gia súc mắc bệnh là 346 con, số gia súc tiêu hủy là 76 con. So với cùng kỳ năm 2022, số ổ dịch giảm trên 71%, số gia súc mắc bệnh giảm trên 84% và số gia súc tiêu hủy giảm gần 82%.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước xây dựng được 1 vùng và 235 cơ sở an toàn dịch bệnh, cụ thể: 1 vùng cấp huyện và 93 cơ sở an toàn dịch bệnh trên gia cầm; 130 cơ sở an toàn dịch bệnh trên heo; 12 cơ sở an toàn dịch bệnh trên gia súc khác. Lũy kế đến nay, cả nước có 2.458 cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh tại 57 tỉnh, thành phố được chứng nhận. Bên cạnh đó, Cục Thú y đã xây dựng xong và trình Bộ sẵn sàng ký Biên bản ghi nhớ với Trung Quốc về xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng để phục vụ xuất khẩu.
Thêm “vòng kim cô” trong kiểm soát
Ngày 25/7/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký ban hành Quyết định số 889/QÐ-TTg phê duyệt “Kế hoạch quốc gia triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, giai đoạn 2023 – 2030”.
Mục tiêu nhằm xây dựng được các cơ sở an toàn dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; Bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật; động vật, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu; Kiểm soát thuốc, vaccine thú y bảo đảm đạt yêu cầu chất lượng, an toàn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh động vật, an toàn thực phẩm, giảm thiểu nguy cơ kháng thuốc…
Cụ thể, về tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người, giai đoạn 2023 – 2030: Sẽ xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle theo quy định của Việt Nam và theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH); Xây dựng được vùng chăn nuôi gia súc an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam và theo tiêu chuẩn của WOAH. Cùng đó, xuất khẩu được thịt gà chế biến sang các thị trường Nhật Bản, Hồng Kông và 5 nước Liên minh Kinh tế Á – Âu và các thị trường Hàn Quốc, Singapore, Anh, EU và Trung Quốc; Xuất khẩu được trứng và sản phẩm trứng gia cầm sang Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản, Ðài Loan, Úc, Mỹ và các thị trường khác; xuất khẩu được thịt heo sang Malaysia, Trung Quốc; Xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa sang Malaysia và Indonesia; Xuất khẩu được mật ong và sản phẩm ong sang Nhật Bản, Thái Lan và các thị trường khác.
Ðối với vấn đề tăng cường năng lực quản lý, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với động vật, sản phẩm động vật, giai đoạn 2023 – 2030, Kế hoạch đặt mục tiêu 100% trạm kiểm dịch đầu mối giao thông được rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền đầu tư, nâng cấp bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật; 100% động vật đưa vào cơ sở giết mổ tập trung được cơ quan thú y thực hiện kiểm soát giết mổ; 100% các chương trình giám sát an toàn thực phẩm đối với thịt heo, thịt gia cầm, trứng và sản phẩm trứng, sữa tươi nguyên liệu, mật ong và sản phẩm mật ong, tổ yến được tổ chức triển khai thực hiện.
Cùng đó, nâng cao năng lực quản lý, nghiên cứu, sản xuất, kiểm nghiệm, khảo nghiệm thuốc, vaccine thú y đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả trong giai đoạn này. Trong đó, có ít nhất 2 phòng thử nghiệm trọng điểm thuộc Bộ NN&PTNT được xây dựng phục vụ kiểm tra, đánh giá chất lượng thuốc, vaccine và 1 phòng thử nghiệm trọng điểm về kháng thuốc; Hàng năm, có ít nhất 10% thuốc, vaccine thú y lưu hành trên thị trường được giám sát chất lượng, đánh giá hiệu lực; phấn đấu trên 50% các cửa hàng buôn bán thuốc thú y được kiểm tra, giám sát.
Ngoài ra, Kế hoạch còn đặt mục tiêu đẩy mạnh công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác thú y, trong đó: Hệ thống trực tuyến phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và thủy sản được rà soát, nâng cấp và duy trì; Hệ thống trực tuyến phục vụ công tác kiểm dịch động vật được xây dựng; Hệ thống trực tuyến phục vụ công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm được xây dựng; Hệ thống trực tuyến phục vụ công tác quản lý thú y được xây dựng…
>> Hiện nay, các dịch bệnh thông thường khác trên gia súc, gia cầm như: dịch tả heo cổ điển, tụ huyết trùng, phó thương hàn, đóng dấu heo, Newcastle, Gumboro… được kiểm soát tốt, không gây thành dịch lớn.
Bảo Hân