(Người Chăn Nuôi) – Thực trạng người không đủ thẩm quyền thực hiện kiểm tra hồ sơ tại nhà máy giết mổ của C.P Việt Nam gây lo ngại về công tác kiểm dịch, đặt ra yêu cầu siết chặt quy trình kiểm soát thú y trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ bùng phát trở lại.
Chiều 15/7, tại cuộc họp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn lợn do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức, vấn đề kiểm dịch tại nhà máy giết mổ của Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam đã được đưa ra thảo luận khi có phản ánh về dấu hiệu thực hiện chưa đúng quy định.
Trước đó, ngày 10/7, Báo điện tử Dân Việt đăng tải bài viết “Tận mắt chứng kiến công đoạn kiểm dịch “rất tốt đẹp” ở nhà máy giết mổ của C.P Việt Nam tại Hà Nội???”, phản ánh thực trạng kiểm dịch đầu vào tại nhà máy giết mổ của C.P. Việt Nam (Khu công nghiệp Phú Nghĩa, xã Phú Nghĩa, Hà Nội) diễn ra một cách sơ sài, khác biệt rõ rệt với quy trình khi có đoàn kiểm tra đến làm việc vào ngày 12/6.
Đáng chú ý, phóng viên ghi nhận vào các ngày 3/7 và 7/7, có hai người phụ nữ tại khu vực kiểm tra xe chở lợn tiến hành nhận và kiểm tra hồ sơ, giấy tờ nhưng không phải là cán bộ thú y thuộc Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội. Ông Nguyễn Đình Đảng – Chi cục trưởng xác nhận những người này là cán bộ của Công ty C.P. Việt Nam.
Lý giải về việc này, ông Phan Quang Minh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) khẳng định: “Việc kiểm tra sổ sách là nội bộ của doanh nghiệp, nhưng công tác kiểm dịch phải được thực hiện bởi cán bộ thú y có thẩm quyền. Nếu không phải là người thuộc Chi cục Thú y thì việc này là vi phạm quy định”.
Cán bộ kiểm dịch tại lò mổ Đà Sơn, Đà Nẵng. Ảnh: ST
Cũng theo ông Minh, sản phẩm tiêu dùng nội địa buộc phải được kiểm soát giết mổ bởi cơ quan chuyên môn của địa phương, cụ thể trong trường hợp nhà máy giết mổ của C.P tại Phú Nghĩa, cơ quan có trách nhiệm là Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội. Đơn vị này đã phân công 2 cán bộ trực tiếp giám sát trước, trong và sau giết mổ tại nhà máy. Tuy nhiên, sự xuất hiện của người không thuộc Chi cục trong vai trò kiểm tra hồ sơ xe lợn đã đặt ra nghi vấn về quy trình kiểm dịch thực tế.
Vấn đề kiểm dịch tại các cơ sở giết mổ trở nên đặc biệt cấp thiết khi dịch tả lợn châu Phi đang có dấu hiệu tái bùng phát. Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi và Thú y, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước đã ghi nhận 514 ổ dịch tại 27 tỉnh, thành phố, với hơn 30.000 con lợn chết và buộc tiêu hủy. Dù số liệu đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (giảm 41% số ổ dịch và hơn 60% số lợn bị tiêu hủy), nhưng tình hình gần đây đang diễn biến phức tạp. Hiện có 248 ổ dịch chưa qua 21 ngày tại 20 địa phương, trong đó có nhiều tỉnh miền núi phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Điện Biên, Phú Thọ, Sơn La…
Nguyên nhân được chỉ ra là do dịch tái phát ở các ổ cũ, quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ (trung bình 50 – 60 con/ổ dịch), điều kiện vệ sinh kém, không đảm bảo an toàn sinh học và chưa tiêm phòng vaccine. Đáng lo ngại hơn, tình trạng người chăn nuôi giấu dịch, bán chạy heo hoặc vứt xác lợn ra môi trường đang làm lan rộng dịch bệnh.
“Các hình thức giấu dịch hiện rất đa dạng như giết mổ chui, tiêu thụ nội bộ, báo cáo không đúng sự thật, thiếu kiểm tra từ cơ quan chức năng… chủ yếu xuất phát từ tâm lý sợ thiệt hại và thiếu niềm tin vào chính sách hỗ trợ”, ông Minh cho biết.
Thực tế, quy trình hỗ trợ còn nhiều bất cập như mức hỗ trợ thấp, thủ tục kéo dài khiến người chăn nuôi không thể duy trì sản xuất, buộc phải bán tháo lợn bệnh. Đồng thời, vẫn còn hiện tượng cán bộ thú y cơ sở chưa làm tốt công tác kiểm tra, kiểm dịch, giám sát giết mổ.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nhấn mạnh đến việc tăng cường giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh và kịp thời tiêu huỷ lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời yêu cầu Cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các cơ quan chuyên ngành và địa phương tăng cường quản lý chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn, đặc biệt là giám sát chặt chẽ các cơ sở giết mổ và tăng cường kiểm dịch động vật tại các chốt kiểm dịch, cửa khẩu, bến cảng; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán lợn và sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch, đặc biệt là lợn bệnh.
Cùng với đó cần thông tin tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, đặc biệt là sử dụng vacine phòng bệnh và các chế tài xử lý vi phạm hành chính, hình sự trong lĩnh vực phòng, chống dịch bệnh động vật cũng như an toàn thực phẩm.
“Cục Chăn nuôi và Thú y chỉ đạo cho các Chi cục vùng và vùng phải nắm được tình hình ở các tỉnh và các tỉnh phải nắm đến các xã. Bộ đã có công văn yêu cầu các địa phương vào cuộc tăng cường kiểm soát dịch bệnh và kiểm tra các cơ sở giết mổ, tuy nhiên nếu không quyết liệt phòng chống dịch sẽ rất khó ngăn chặn dịch lây lan. Bên cạnh đó, tăng cường tiêm phòng vacine, tập trung vào chăn nuôi nhỏ lẻ, ở những địa bàn có nguy cơ cao như: miền núi, miền Trung”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ.
Thùy Khánh