(Người Chăn Nuôi) – Hàng trăm đại biểu từ Trung ương đến địa phương, cùng đại diện doanh nghiệp, hiệp hội chăn nuôi đã hội tụ tại Hà Nội ngày 23/7/2025 để trao đổi, đánh giá và đề xuất giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) cũng như tăng cường quản lý, kiểm soát hoạt động giết mổ động vật.
Hội nghị do Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường và Cục Chăn nuôi và Thú y chủ trì với sự tham dự của đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Tài chính, Công Thương, Công an, Y tế, Quốc phòng, Ban Chỉ đạo 389…, cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, Chi cục Chăn nuôi và Thú y 30 tỉnh, thành phố và nhiều đầu mối doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia thú y.
Trong bối cảnh dịch bệnh tái phát mạnh tại miền Bắc và Duyên hải Trung Bộ, hội nghị đã nhấn mạnh vai trò then chốt của chính quyền địa phương, cơ quan thú y và cộng đồng người chăn nuôi trong việc ngăn ngừa lây lan, bảo vệ chuỗi sản xuất thịt và sức khỏe người tiêu dùng.
Hội nghị Phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và quản lý kiểm soát giết mổ đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm diễn ra sáng 23/7 tại Hà Nội. Ảnh: Thanh Thủy
Diễn biến đáng lo ngại của dịch bệnh
Cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, năm 2024, dịch đã xuất hiện tại 44 quốc gia, gây 9.255 ổ dịch, thiệt hại hơn 3,3 triệu con lợn; nửa đầu năm 2025 lại gia tăng mạnh với 5.800 ổ dịch tại 22 quốc gia. Trong nước, từ đầu năm đến 22/7, đã xảy ra 636 ổ dịch tại 30/34 tỉnh, gây chết và buộc tiêu hủy hơn 43.000 con lợn, chủ yếu bùng phát trở lại tại các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Nội và duyên hải miền Trung như Quảng Ngãi, Quảng Trị.
So với cùng kỳ năm ngoái, số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy giảm 34%, song xu thế tái phát ổ dịch cũ, lan nhanh ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (bình quân 50 – 60 con/hộ) vẫn rất đáng lo. Nguyên nhân chính bao gồm: điều kiện chăn nuôi sinh học kém, tỷ lệ tiêm phòng vaccine DTLCP còn thấp, tình trạng giấu dịch, bán tháo lợn bệnh, vứt xác lợn ra môi trường; cùng với đó là công tác giám sát, thông báo, công bố dịch tại cấp xã còn lúng túng.
Các nghiên cứu giải trình tự gen virus DTLCP từ năm 2019 đến nay cho thấy chủng virus genotype II và chủng tái tổ hợp I+II vẫn đang lưu hành, với xu hướng đa dạng hóa nguy cơ tái nhiễm.
Hiệu quả bước đầu từ vaccine
Đến nay, Việt Nam đã cấp phép và cung ứng 7,8 triệu liều vaccine DTLCP của ba doanh nghiệp trong nước (Navetco, AVAC, Dacovet). Từ năm 2023 – 2025, đã có hơn 1 triệu con lợn tại 45 tỉnh, thành phố được tiêm phòng, tỷ lệ lợn chết sau tiêm thấp (0,1%), khẳng định hiệu lực, hiệu quả của vaccine trong kiểm soát dịch. Cục Chăn nuôi và Thú y ghi nhận, các trang trại quy mô lớn chủ động tiêm phòng thường không xuất hiện ổ dịch mới.
Tại hội nghị, đại diện Công ty Cổ phần AVAC đã báo cáo về kinh nghiệm sử dụng vắc xin ASF LIVE, nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến lược tiêm bao phủ toàn đàn, đặc biệt lợn nái, đực giống để tạo miễn dịch cộng đồng. Các chuyên gia khuyến cáo, bên cạnh tiêm phòng, cần kết hợp biện pháp an toàn sinh học, sát trùng chuồng trại thường xuyên, kiểm soát chặt chẽ vận chuyển lợn bệnh.
Phản ánh thực trạng tại địa phương, đại diện các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn cho biết, hạ tầng chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán, thiếu trang thiết bị sát trùng, hệ thống thú y cơ sở mỏng. Các tỉnh này kiến nghị cần tăng cường cán bộ thú y cấp xã, hỗ trợ hóa chất khử trùng, bố trí kinh phí thực hiện tiêu độc môi trường. Trong khi đó, tại Quảng Ngãi, Quảng Trị, dịch bùng phát mạnh vào mùa mưa, lũ; địa phương đề xuất xây dựng “vùng xanh” chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn OIE, hỗ trợ người chăn nuôi vay vốn ưu đãi nâng cấp chuồng trại.
Cũng tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội kiến nghị Chính phủ tháo gỡ thủ tục nhập khẩu nguyên liệu sản xuất vaccine, mở rộng cấp phép cho các vaccine mới; đồng thời thúc đẩy phối hợp công – tư trong nghiên cứu vaccine thế hệ mới, xử lý xác lợn bệnh bằng lò đốt công suất lớn.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề xuất kiến nghị làm rõ trách nhiệm liên ngành: Công an, Quản lý thị trường, Y tế cần tham gia giám sát, xử lý nghiêm tình trạng vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, nguy cơ truyền virus sang người.
Quản lý giết mổ còn nhiều thách thức
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, toàn quốc hiện có 440 cơ sở giết mổ tập trung và gần 25.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Mặc dù 100% cơ sở tập trung có nhân viên thú y, nhưng chỉ 27% cơ sở nhỏ lẻ ký cam kết vệ sinh thú y, và chỉ 17% có thú y tham gia kiểm soát giết mổ (KSGM).
Số liệu kiểm soát giết mổ năm 2024 ghi nhận 149 triệu con gia súc, gia cầm được KSGM tại các cơ sở tập trung, tăng 2,3% so với năm 2023. Tuy nhiên, tại cơ sở nhỏ lẻ, tỷ lệ giết mổ có kiểm soát chỉ tăng nhẹ, bởi nhân lực thú y cấp xã thiếu, phí dịch vụ KSGM (7.000 – 14.000 đồng/con) còn thấp, chưa khuyến khích đầu tư, gây cạnh tranh bất bình đẳng với thịt giết mổ tự do.
Dữ liệu giám sát an toàn thực phẩm năm 2024 tại TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai – nơi tập trung nhiều điểm giết mổ, cho thấy 19,2% mẫu thịt lợn và 3,3% mẫu thịt gà không đạt tiêu chuẩn vi sinh vật; phát hiện dư Tylosin nhưng dưới ngưỡng cho phép. Đây là lời cảnh tỉnh về sự tuân thủ quy trình vệ sinh thú y, kiểm dịch vận chuyển.
Chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nêu rõ, việc kiểm soát dịch bệnh là yếu tố then chốt giúp ngành chăn nuôi đạt mục tiêu tăng trưởng 5,7 – 5,9% năm 2025, đảm bảo an toàn thực phẩm và ổn định kinh tế vĩ mô. Vấn đề không phải là thiếu văn bản hay chính sách, mà là ở công tác tổ chức thực hiện. Cần tham mưu ngân sách, chủ động hành động, không chờ chỉ đạo.
Thứ trưởng cũng gợi ý về mô hình tổ chức hệ thống thú y tại địa phương, với sự tham gia của Chi cục Chăn nuôi, Thú y, Thủy sản cấp tỉnh và các trung tâm dịch vụ tại xã.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Chúng ta đã có đầy đủ khung pháp lý, chính sách hỗ trợ, kế hoạch quốc gia và hướng dẫn phân quyền, phân cấp rõ ràng. Điều then chốt bây giờ là tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, nhất là tại cấp xã và cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ”.
Nhiều nhiệm vụ trọng tâm được Bộ giao cho Cục Chăn nuôi và Thú y cùng địa phương triển khai ngay trong 6 tháng cuối năm 2025 như tăng cường giám sát, xét nghiệm, giải trình tự gen để phát hiện sớm biến chủng virus DTLCP, cập nhật kịp thời trên VAHIS.
Đẩy mạnh tiêm phòng vaccine DTLCP, mở rộng đối tượng, ưu tiên các vùng trọng điểm; phối hợp doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu vaccine thế hệ mới. Kiện toàn nhân lực thú y; tăng quân số cho thú y cấp xã; nâng phí kiểm soát giết mổ hợp lý để thu hút lực lượng thú y tham gia kiểm soát tại cơ sở nhỏ lẻ.
Cùng với đó, hoàn thiện mạng lưới cơ sở giết mổ tập trung, khuyến khích đầu tư, di dời cơ sở nhỏ lẻ tự phát; tổ chức thanh kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm vệ sinh thú y và buôn bán thịt bệnh. Tuyên truyền, đào tạo liên tục cho người chăn nuôi và tiểu thương về biện pháp an toàn sinh học, phòng chống dịch và quy trình giết mổ an toàn.
Đặc biệt cần phối hợp liên ngành (Công an, Quản lý thị trường, Y tế) trong kiểm soát vận chuyển lợn, xử lý nghiêm trường hợp giấu dịch, vứt xác lợn bệnh gây ô nhiễm môi trường. Triển khai chính quyền hai cấp theo Nghị định 131/2025/NĐ-CP; đảm bảo quyền hạn, trách nhiệm rõ ràng giữa bộ phận chuyên môn thú y cấp tỉnh, cấp xã.
Thùy Khánh