Sửa đổi, bổ sung quy định quản lý động vật rừng

(Người Chăn Nuôi) – Ngày 22/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 84/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Trong đó, một số nội dung được sửa đổi, bổ sung như sau:

1. Khoản 6 Điều 3: Dẫn xuất của các loài động vật là toàn bộ các dạng vật chất được chiết xuất ra từ động vật gồm: Máu, xạ, dịch, mật, mỡ của động vật.

2. Khoản 11 Điều 3: Không vì mục đích thương mại là các hoạt động phục vụ ngoại giao, nghiên cứu khoa học, nhân nuôi bảo tồn, nuôi làm cảnh, cứu hộ, trao đổi giữa các vườn động vật, bảo tàng; Triển lãm trưng bày giới thiệu sản phẩm; Biểu diễn xiếc; Trao đổi, trao trả mẫu vật giữa các cơ quan quản lý CITES.

3. Khoản 18 Điều 3: Nuôi sinh trưởng là hình thức nuôi giữ con, trứng, phôi của các loài động vật hoang dã để nuôi lớn, cho ấp nở thành các cá thể trong môi trường có kiểm soát.

4. Bổ sung khoản 29 Điều 3: Động vật hoang dã là những loài động vật sinh sống, phát triển trong sinh cảnh tự nhiên, nhân tạo hoặc được nuôi trong môi trường có kiểm soát nhưng không phải là vật nuôi theo quy định của pháp luật về chăn nuôi, thuộc một trong các trường hợp:

– Loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;

– Loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm;

– Loài động vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục của CITES;

– Loài động vật rừng thông thường;

– Loài động vật trên cạn khác thuộc lớp chim, thú, bò sát, lưỡng cư, trừ một số loài thuộc Danh mục do Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan công bố”.

8. Điểm c khoản 1 Điều 15: Các loài động vật hoang dã thuộc Phụ lục CITES thuộc các lớp thú, chim, bò sát lần đầu tiên đăng ký nuôi tại cơ sở phải được Cơ quan khoa học CITES Việt Nam xác nhận bằng văn bản về việc nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng không làm ảnh hưởng đến sự tồn tại của loài nuôi và các loài khác có liên quan trong tự nhiên theo trình tự như sau:

Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký mã số cơ sở, Cơ quan cấp mã số theo quy định tại Nghị định này có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị xác nhận đến Cơ quan khoa học CITES Việt Nam.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Cơ quan cấp mã số, Cơ quan khoa học CITES Việt Nam có trách nhiệm trả lời bằng văn bản đối với nội dung xác nhận ảnh hưởng hoặc không ảnh hưởng của việc nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng đến sự tồn tại của loài nuôi và các loài khác có liên quan trong tự nhiên.

9. Khoản 3 Điều 15: Trong quá trình nuôi, trồng phải lập sổ theo dõi nuôi, trồng theo Mẫu số 16, Mẫu số 17 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; Định kỳ báo cáo và chịu sự kiểm tra, giám sát của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, cơ quan quản lý Nhà nước về thủy sản, về lâm nghiệp, về môi trường cấp tỉnh.

11. Điểm c khoản 2 Điều 19: Số lượng không vượt quá theo quy định của Công ước CITES. Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam chịu trách nhiệm dịch và công bố kịp thời theo quy định của Công ước CITES.

12. Điểm b khoản 1 Điều 20: Mẫu vật động vật xuất khẩu từ thế hệ F2 trở về sau được sinh sản tại cơ sở nuôi đã được cấp mã số theo quy định tại Điều 17 Nghị định này.

14. Điểm b khoản 2 Điều 20: Mẫu vật động vật xuất khẩu từ thế hệ F1 từ cơ sở nuôi được cấp mã số theo quy định tại Điều 18 Nghị định này.

16. Khoản 1 Điều 22: Giấy phép CITES quy định theo Mẫu số 9 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này áp dụng cho việc xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES; Xuất khẩu mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Giấy phép CITES phải được ghi đầy đủ thông tin, dán tem CITES hoặc mã hóa, ký và đóng dấu của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam.

17. Điểm c khoản 2 Điều 25: Trường hợp nhập khẩu mẫu vật sống của các loài động vật hoang dã để nuôi, giữ: Ngoài thành phần hồ sơ quy định tại điểm a, b khoản này, phải đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 14 hoặc điểm b khoản 1 Điều 15 Nghị định này.

20. Điểm a khoản 3 Điều 32: Trường hợp tổ chức, cá nhân trả lại mẫu vật cho nước xuất xứ, hoặc từ chối tiếp nhận lô hàng nhập khẩu thì Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam thực hiện việc cấp giấy phép tái xuất khẩu mẫu vật cho nước xuất khẩu theo quy định của Công ước CITES và pháp luật Việt Nam.

Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam thông báo bằng văn bản đến Cơ quan quản lý CITES của nước xuất xứ về mẫu vật vi phạm mà Cơ quan quản lý CITES nước xuất xứ từ chối tiếp nhận, hoặc không phản hồi, hoặc không thực hiện nghĩa vụ theo quy định của Công ước CITES thì mẫu vật được xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý tài sản công.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 30/11/2021.

Tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ đề nghị cấp mã số cơ sở nuôi, trồng trước ngày Nghị định này có hiệu lực, nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì thực hiện theo quy định tại Nghị định số 6/2019/NĐ-CP. Đối với các cơ sở nuôi, trồng thuộc đối tượng phải đăng ký mã số cơ sở theo quy định tại Nghị định này, trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, chủ các cơ sở nuôi, cơ sở trồng phải thực hiện lập hồ sơ đề nghị cấp mã số cơ sở nuôi, cơ sở trồng, gửi cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Nghị định số 6/2019/NĐ-CP.

Phạm Thu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *