(Người Chăn Nuôi) – Việc lựa chọn và sử dụng thức ăn đảm bảo đầy đủ các giá trị dinh dưỡng phù hợp với từng giai đoạn phát triển của gà góp phần tăng năng suất và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Lựa chọn
Thức ăn công nghiệp: Nên chọn những sản phẩm có thương hiệu, uy tín, có xuất xứ rõ ràng, có đầy đủ thông tin sản phẩm ghi trên bao bì như: Tên sản phẩm, tên, địa chỉ, số điện thoại, email của công ty/cơ sở sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng, xuất xứ sản phẩm, thành phần nguyên liệu, thành phần dinh dưỡng, hướng dẫn sử dụng, bảo quản. Thức ăn đảm bảo kích cỡ viên, hạt, mảnh phù hợp theo từng lứa tuổi, hướng sản xuất. Sản phẩm có thương hiệu, chất lượng tốt, dinh dưỡng cao và cân đối các thành phần. Không mua các sản phẩm đã hết hạn sử dụng, bị nhiễm nấm mốc, thức ăn có trộn các chất cấm (chất tạo nạc, kích thích tăng trọng…).
Thức ăn phối trộn: Nên tận dụng các nguyên liệu sẵn có tại địa phương như: Ngô, cám gạo, khoai, sắn… để giảm giá thành sản phẩm. Nguyên liệu phối trộn phải đảm bảo chất lượng. Không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, không ẩm mốc, sâu mọt, không có mùi lạ và không vón cục. Các loại nguyên liệu thức ăn trước khi phối trộn phải được nghiền nhỏ. Một số nguyên liệu cần được sơ chế trước để dễ tiêu hóa như: Ðậu tương phải rang chín, vỏ sò, vỏ hến phải nung nóng trước khi nghiền. Khi phối trộn cần tuân thủ theo quy trình và công thức đã khuyến cáo cho gia cầm theo từng giai đoạn sinh trưởng, sử dụng càng nhiều loại thức ăn càng tốt. Trong trường hợp phải trộn thuốc vào thức ăn, trước khi trộn cần kiểm tra đúng chủng loại thuốc, các thông tin về sản phẩm (ngày sản xuất, hạn sử dụng, liều lượng, thời gian ngừng thuốc…) và sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Cách trộn thức ăn: Trước tiên cân khối lượng của từng loại nguyên liệu theo công thức cho từng mẻ trộn. Ðổ dàn đều các loại nguyên liệu dùng để phối trộn ra bạt, nền nhà sạch khô hoặc gạch lát theo thứ tự loại nhiều đổ trước, loại ít đổ sau. Sau khi trộn đều có thể ép viên sấy hoặc phơi khô và được đóng vào bao chứa có 2 lớp: Lớp nilon ở trong, bao dứa ở ngoài. Thức ăn trộn xong, cho gà ăn không quá 1 tuần.
Căn cứ vào quy mô, lứa tuổi đàn vật nuôi để tính toán lượng thức ăn phù hợp, không nên phối trộn thức ăn quá nhiều, gà sẽ không ăn hết, bảo quản lâu sẽ giảm chất lượng và không hiệu quả. Thức ăn phối trộn phải đảm bảo rẻ, dễ sử dụng và bảo quản tốt. Thường xuyên theo dõi tình hình phát triển của đàn gà để điều chỉnh công thức phối trộn cho phù hợp.
Gà ở lứa tuổi nào thì sử dụng loại thức ăn phù hợp với lứa tuổi đó – Ảnh: Deheus
Sử dụng
Khi cho gà ăn, người nuôi cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
– Trước khi cho ăn, phải kiểm tra đàn gà, thức ăn thừa trong máng, kiểm tra chất lượng thức ăn bằng cảm quan về màu sắc, mùi vị và nấm mốc.
– Gà ở lứa tuổi nào thì sử dụng loại thức ăn đó để phù hợp với sinh trưởng phát triển và hướng sản xuất của gà, không nên sử dụng một loại thức ăn cho nhiều lứa tuổi.
– Lượng thức ăn cho gà trong ngày phải dựa vào nhu cầu và mục đích chăn nuôi để đảm bảo tiết kiệm và tăng hiệu quả sử dụng.
– Khi cho gà ăn, cần đảm bảo thức ăn được phân bố đều, tránh hiện tượng ăn không đồng đều, dẫn đến gà còi cọc, chậm lớn.
– Khi thay đổi thức ăn, cần chuyển dần trong vài ngày, không nên chuyển đột ngột vì có thể làm chúng kén ăn và rối loạn tiêu hóa. Trong trường hợp muốn thay đổi khẩu phần cho gà, người nuôi cần thực hiện theo nguyên tắc sau: Ngày thứ 1 cho ăn 75% thức ăn cũ + 25% thức ăn mới; Ngày thứ 2 cho ăn 50% thức ăn cũ + 50% thức ăn mới; Ngày thứ 3 cho ăn 25% thức ăn cũ + 75% thức ăn mới; Ngày thứ 4 trở đi cho ăn 100% thức ăn mới.
Bảo quản
Thức ăn phải được bảo quản nơi khô ráo, cần có giá kê thức ăn và nguyên liệu, đảm bảo cách mặt đất ít nhất 20 cm, không được đặt trực tiếp thức ăn xuống nền.
Kho chứa thức ăn phải sạch sẽ, thông thoáng, tránh chuột cắn bao bì gây ẩm mốc và hỏng thức ăn. Ðịnh kỳ vệ sinh kho, dọn dẹp thức ăn rơi vãi trong kho, diệt chuột và các côn trùng gây hại khác.
Cần chú ý những bao thức ăn bị rách (vì khả năng nhiễm nấm mốc sẽ cao). Không để những bao chứa thức ăn cũ (bao không) chung với nơi trữ thức ăn (vì rất dễ nhiễm nấm mốc từ bao không sang bao có thức ăn).
Ðối với thức ăn tự phối trộn nên sử dụng trong vòng 7 – 10 ngày.
Ðối với thức ăn hỗn hợp công nghiệp, nên sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Không bảo quản thức ăn cùng nơi để các loại hóa chất độc hại, để dụng cụ chăn nuôi, quần áo, không để thức ăn trực tiếp trong chuồng nuôi.
Quản lý
Trong quá trình chăn nuôi cần phải ghi chép sổ sách đầy đủ, chính xác các thông tin liên quan đến sử dụng thức ăn như: Nhập nguyên liệu, thức ăn công nghiệp, quá trình cung cấp thức ăn cho gà tại chuồng theo khẩu phần ăn hàng ngày, bổ sung thuốc, vitamin vào thức ăn để phòng, chữa bệnh… vào sổ theo dõi sẽ giúp cho việc kiểm soát và quản lý thức ăn tốt hơn.
>> Người nuôi cần tự trang bị kiến thức về danh mục kháng sinh, phụ gia cấm dùng trong chăn nuôi. Tuyệt đối không sử dụng những loại chất này để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững. |