Sử dụng, bảo quản thức ăn chăn nuôi

(Người Chăn Nuôi) – Thức ăn chiếm 50 – 70% chi phí trong sản xuất chăn nuôi. Do đó, cần sử dụng và bảo quản thức ăn hợp lý nhằm tiết kiệm và tạo ra năng suất tối đa cho người chăn nuôi.

Lựa chọn

Đầu tiên người nuôi cần xác định, lựa chọn loại thức ăn của nhà sản xuất nào sao cho phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng và độ tuổi vật nuôi. Việc lựa chọn có thể qua kinh nghiệm từ chăn nuôi thực tế hoặc bằng phương pháp so sánh khi sử dụng thức ăn đồng loại của hai nhà sản xuất khác nhau với cùng lô động vật nuôi hoặc kinh nghiệm từ trang trại chăn nuôi khác. Thức ăn chăn nuôi phải có trong Danh mục do Bộ NN&PTNT ban hành tại Thông tư số 26/2012/TT-BNNPTNT.

Trước khi lựa chọn sản phẩm, cần xem bao bì, phải ghi đầy đủ các nội dung: nguyên liệu sản xuất, thành phần dinh dưỡng, cách sử dụng, ngày sản xuất và hạn sử dụng. Không mua, sử dụng thức ăn đã hết hạn sử dụng, vì thức ăn có tốt đến đâu nữa, nhưng mỗi sản phẩm đều có thời gian bảo quản nhất định, nếu thức ăn bị ẩm, hư hỏng sẽ bị lên men, tạo thành các loại độc tố (như nấm mốc Aflatoxin) gây hại cho gia súc, gia cầm các bệnh về đường tiêu hóa. Có những trường hợp thức ăn còn hạn sử dụng, nhưng có hiện tượng vón cục, khô cứng thì không sử dụng cho chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Kiểm tra chất lượng thức ăn bằng cảm quan. Sản phẩm chất lượng tốt dạng viên có độ đồng đều về kích cỡ hạt; dạng bột có độ mịn cao, có màu sắc đồng nhất và có mùi vị đặc trưng của nơi sản xuất. Sản phẩm kém chất lượng, thông thường có độ mịn, cấp hạt, màu sắc không đồng nhất và có mùi vị khác thường, do nguyên liệu đưa vào chế biến kém chất lượng hoặc không đúng tiêu chuẩn hàm lượng như bao bì đã ghi. Nếu nghi ngờ, có thể lấy mẫu đi phân tích ở những cơ sở được Nhà nước cấp phép.

thức ăn chăn nuôi

Thức ăn phải có độ đồng đều kích cỡ hạt, màu sắc đồng nhất

 

Sử dụng

Khi cho vật nuôi ăn người nuôi cần tuân thủ các nguyên tắc sau: trước khi cho ăn phải kiểm tra đàn vật nuôi, thức ăn thừa trong máng, kiểm tra chất lượng thức ăn bằng cảm quan về màu sắc, mùi vị và nấm mốc. Vật nuôi ở lứa tuổi nào thì sử dụng loại thức ăn đó để phù hợp với sinh trưởng phát triển và hướng sản xuất, không nên sử dụng một loại thức ăn cho nhiều lứa tuổi. Lượng thức ăn trong ngày phải dựa vào nhu cầu và mục đích chăn nuôi để đảm bảo tiết kiệm và tăng hiệu quả sử dụng. Khi cho vật nuôi ăn cần đảm bảo thức ăn được sử dụng đồng đều, tránh hiện tượng ăn không đồng đều, dẫn đến con vật còi cọc, chậm lớn. Số lần cho ăn trong ngày phải phù hợp với từng lứa tuổi, giai đoạn nuôi, mục đích nuôi.

Khi chuyển đổi thức ăn, người nuôi có thể chia làm 2 bước, bước thứ nhất chia tỷ lệ 1:1 giữa thức ăn cũ và thức ăn mới thời gian từ 5 – 7 ngày; bước thứ hai mới dùng toàn bộ loại thức ăn mới để tránh phản ứng sốc do thay đổi chủng loại thức ăn và hạn chế những bệnh về tiêu hóa. Không sử dụng thức ăn chăn nuôi đã hết hạn sử dụng, có hiện tượng vón cục, khô cứng, bị ẩm mốc.

Trong quá trình chăn nuôi cần ghi chép đầy đủ thông tin liên quan đến việc sử dụng thức ăn như: Mua nguyên liệu, thức ăn công nghiệp, thức ăn tự phối trộn; quá trình cung cấp cho vật nuôi ăn tại chuồng theo khẩu phần hàng ngày; việc bổ sung thuốc vào trong thức ăn để phòng và chữa bệnh… vào sổ theo dõi sẽ giúp cho việc kiểm soát và quản lý nguồn thức ăn một cách tốt hơn.

 

Bảo quản

Nơi trữ thức ăn phải khô ráo, thoáng mát. Để chuẩn bị nhập nguyên liệu và thức ăn dự trữ, cần dọn kho sạch sẽ, phun thuốc sát trùng, như Formol 2%, hoặc Dipterex 0,65%, Sulfat đồng 0,5%, hoặc nước vôi đặc, để diệt vi khuẩn, nấm mốc độc, gây hại cho vật nuôi. Nếu kho đang có thức ăn dự trữ, định kỳ phun thuốc sát trùng diệt côn trùng, nấm mốc.

Bao thức ăn phải để cao cách mặt nền và cách vách khoảng 30 – 40 cm.

Ngăn chặn chuột, kiến, mọt, mối, gián… vào nơi trữ thức ăn.

Cần chú ý để phát hiện kịp thời những bao thức ăn bị rách (vì nấm mốc rất dễ nhiễm vào thức ăn ngay chỗ bao rách).

Silô chứa đựng nguyên liệu và thức ăn đã chế biến sạch, được khử trùng. Xếp bao đựng nguyên liệu, thức ăn theo lô, hàng từng loại riêng, ở vị trí thích hợp, có lối đi lấy nguyên liệu thuận tiện; thức ăn sử dụng theo thứ tự dùng trước, dùng sau và kiểm tra hàng ngày… Các loại nguyên liệu bột cá, khô dầu… (cao đạm) phải xếp nơi thoáng mát nhất; premix để ở phòng mát, phòng lạnh; thuốc bổ, vitamin… để phòng lạnh, tủ lạnh.

Xe vận chuyển, dụng cụ ở kho phải được vệ sinh bằng thuốc sát trùng sạch sẽ. Lối vào kho có hố sát trùng (đựng nước vôi đặc, tốt nhất là thuốc sát trùng crezyl 3%…). Có dụng cụ và nước dập lửa phòng khi có sự cố.

Thông thường, theo định kỳ nhân viên làm vệ sinh hốt các thức ăn rơi vãi trong kho.

Định kỳ khoảng 15 – 20 ngày thực hiện dọn dẹp, vệ sinh, sát trùng và diệt côn trùng. Nên sử dụng những loại thuốc có độ an toàn cao, như thuốc Virkon (thuốc sát trùng, pha 10 g/4 lít nước), thuốc solfac (thuốc diệt ruồi, mọt, mối, kiến, gián… pha 10 g/5 lít nước, có thể sử dụng để phun trực tiếp lên bao thức ăn trong quá trình bảo quản).

>> Người nuôi nên mua thức ăn ở những đại lý hoặc cơ sở uy tín, có ký cam kết kinh doanh thức ăn chăn nuôi không chứa chất cấm với cơ quan thú y. Nơi buôn bán thoáng mát, không bị dột, thức ăn được đặt trên giá kệ cao để sản phẩm luôn khô, thông thoáng…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *