Sự cần thiết phải đổi tên Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam

Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam được thành lập vào tháng 6 năm 2003 tại Quyết định số 38/2003/QĐ/BNN ngày 30/06/2003 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và hoạt động theo Điều lệ được phê duyệt tại tại Quyết định số  85/2003/QĐ-BNV ngày 22 tháng 12 năm 2003 và sửa đổi bổ sung tại Quyết định số 2549/QĐ-BNV ngày 29 tháng 7 năm 2016. Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay, tổng số hội viên tập thể của Hiệp hội hơn 300 doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, đơn vị nghiên cứu và đào tạo; tổng số hội viên cá nhân (gồm người lao động tại các doanh nghiệp hội viên) là trên 10.000 người.

logo VIPA

Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Hiệp hội đã được mở rộng cả về quy mô và lĩnh vực hoạt động. Trong đó, ngoài các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi gia cầm, còn rất nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, cung cấp thiết bị chăn nuôi, ấp nở; giết mổ, chế biến gia cầm; bảo vệ môi trường; thương mại… Từ đó, Hiệp hội đã trở thành hệ sinh thái và chuỗi giá trị ngành hàng khép kín từ sản xuất giống, thức ăn, thuốc thú y, chăn nuôi gia cầm thương phẩm thịt trứng đến chế biến, giết mổ và thương mại.

Quy mô và lĩnh vực hoạt động ngày càng được mở rộng

Những ngày đầu mới thành lập, các thành viên của Hiệp hội chủ yếu là các doanh nghiệp, trang trại và đơn vị nghiên cứu, các nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm. Vì vậy, lúc bấy giờ Ban vận động thành lập Hiệp hội đã đề nghị đặt tên của Hiệp hội là Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam. Với tên gọi của Hiệp hội như vậy đã thể hiện được lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính của Hiệp hội trong giai đoạn đầu là chăn nuôi gia cầm. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Hiệp hội đã được mở rộng cả về số lượng, thành phần và lĩnh vực hoạt động. Trong đó, ngoài các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi gia cầm, còn rất nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, cung cấp thiết bị dụng cụ chăn nuôi, ấp nở; giết mổ, chế biến gia cầm; bảo vệ môi trường; thương mại… Từ đó, Hiệp hội đã trở thành hệ sinh thái và chuỗi giá trị ngành hàng khép kín từ sản xuất giống, thức ăn, thuốc thú y, chăn nuôi gia cầm thương phẩm thịt trứng đến chế biến, giết mổ và thương mại.

 Vì vậy, nếu giữ nguyên tên Hiệp hội như ngày đầu mới thành lập vừa không phản ánh hết các lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội vừa không thể hiện được sự liên kết theo chuỗi giữa các doanh nghiệp chăn nuôi, sản xuất thức ăn, thuốc thú y chế biến, giết mổ và thương mại, tạo ra hiệu ứng lan tỏa cho cả ngành hàng phát triển xứng tầm với tiềm năng cũng như cơ hội.

Đánh dấu bước chuyển mới của Hiệp hội

Trong nền kinh tế thị trường, các hiệp hội ngành hàng có vai trò quan trọng, là cầu nối giữa Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong một ngành hàng, một lĩnh vực của nền kinh tế. Hiệp hội ngành hàng có chức năng bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp hội viên, thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng và chia sẻ trách nhiệm xã hội. Hiệp hội ngành hàng vừa là sản phẩm tất yếu, vừa là chủ thể tác động tới sự vận hành của nền kinh tế thị trường. Và tên gọi của từng Hiệp hội phải thể hiện được bản chất và lĩnh vực hoạt động cốt lõi của ngành hàng đó.

Hiện nay, trong lĩnh vực nông nghiệp có rất nhiều hiệp hội ngành hàng đã được thành lập và tên gọi của các hiệp hội đó đã thể hiện đúng bản chất và lĩnh vực cốt lõi của ngành hàng đó, như Hiệp hội Rau quả, Hiệp hội Chè, Hiệp hội Cà phê và Ca Cao, Hiệp hội Mía đường, Hiệp hội Cao su, Hiệp hội Phân bón…

Vì những lý do nêu trên, thể theo nguyện vọng của các hội viên và theo xu thế chung của sự phát triển các ngành hàng, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam nhận thấy sự cần thiết đổi tên Hiệp hội thành Hiệp hội Gia cầm Việt Nam để tiếp tục tập hợp, quy tụ thêm nhiều doanh nghiệp hoạt động liên quan đến ngành gia cầm vừa thể hiện phù hợp với tên Tiếng Anh của Hiệp hội (Vietnam Poultry Association – VIPA) đã được phê duyệt tại Điều lệ Hiệp hội năm 2016.

Việc đổi tên Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam thành Hiệp hội Gia cầm Việt Nam không chỉ đơn thuần là đổi tên gọi của một tổ chức mà thực chất là đánh dấu bước chuyển biến mới trong chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu các sản phẩm gia cầm của Việt Nam, vươn ra thị trường quốc tế; không những xây dựng hình ảnh và uy tín của Hiệp hội mà còn mang lại giá trị cho thương hiệu gia cầm Việt Nam nói chung.

Nguyễn Thanh Sơn

Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Gia cầm Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *