‘Số hóa’ trong chăn nuôi: Lợi ích kép

Những năm qua, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang phát triển theo hướng tích cực. Đẩy mạnh số hóa chăn nuôi bằng việc ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, xây dựng chuỗi liên kết giá trị đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi, thời gian qua, nhiều trang trại trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng một phần hoặc toàn phần công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động chăn nuôi. Cụ thể, sử dụng máy vi tính thay cho sổ sách ghi chép quá trình hoạt động chăn nuôi (thức ăn, thuốc thú y, vắc – xin); tự động hóa trong cung cấp nước uống, máng ăn, theo dõi nhiệt độ, độ ẩm trong chuồng trại, tình hình sức khỏe, dịch bệnh của vật nuôi, bằng công nghệ thông minh (điện thoại, camera kết nối internet). Nhiều hộ dân đã sử dụng năng lượng mặt trời để cung cấp điện cho trang trại; điện khí sinh học, tia UV để khử khuẩn…

số hóa chăn nuôi

Ứng dụng công nghệ thông qua việc chăn nuôi chuồng kín đã giúp các trang trại ở Thái Nguyên thực hiện tốt an toàn sinh học, nâng cao tỷ lệ nuôi sống và tăng trọng…

Đặc biệt tại Thái Nguyên, cảm biến môi trường, cảm biến nhiệt độ, ánh sáng để giám sát nhiệt độ, độ ẩm, chất lượng không khí trong chuồng trại giúp điều chỉnh điều kiện nuôi tối ưu đã được ứng dụng tại một số trang trại chăn nuôi của Công ty cổ phần chăn nuôi CP chi nhánh Thái Nguyên, trong đó có trang trại chăn nuôi gà thịt của ông Nguyễn Hồng Phong, xã Khe Mo (Đồng Hỷ). Ông Phong cho rằng, sử dụng cảm biến môi trường, nhiệt độ và ánh sáng chính là một quyết định sáng suốt của gia đình.

Bên cạnh đó, các trang trại chăn nuôi đã ứng dụng công nghệ cao trong xây dựng chuồng trại, chủ yếu là sử dụng hệ thống chuồng kín (chuồng lạnh), hệ thống silo chứa thức ăn và kết nối đến các máng ăn tự động; ứng dụng công nghệ cao trong xử lý nước thải, chất thải chủ yếu là sử dụng hệ thống xử lý chất thải bằng Bioga hoặc đệm lót sinh học, men vi sinh. Ngoài ra, nhiều trang trại đã sử dụng thiết bị đeo thông minh cho vật nuôi để theo dõi sức khỏe, hoạt động và tình trạng sinh sản của vật nuôi…

Thực tế cho thấy, việc ứng dụng công nghệ đã mang lại lợi ích kép. Đơn cử, việc áp dụng công nghệ theo dõi sức khỏe vật nuôi qua các thiết bị cảm biến giúp cho người chăn nuôi kiểm soát tốt dịch bệnh. Đồng thời, thực hiện tốt an toàn sinh học, nâng cao tỷ lệ nuôi sống và tăng trọng. Đáng nói, việc áp dụng mức độ giảm thiểu dịch bệnh tại các trang trại sử dụng công nghệ giám sát đã tăng khả năng phòng dịch cho đàn vật nuôi lên 25% so với các trang trại không áp dụng. Hay như chăn nuôi chuồng kín cũng giúp người chăn nuôi thực hiện tốt an toàn sinh học, nâng cao tỷ lệ nuôi sống và tăng trọng…

Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y tỉnh, cho hay: Các ứng dụng chăn nuôi thông minh giúp giám sát và phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe vật nuôi, từ đó có biện pháp điều trị kịp thời, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh. Việc áp dụng các phần mềm quản lý chuồng trại, quản lý chăn nuôi, phần mềm giám sát sức khỏe vật nuôi đã giúp giảm bớt công việc thủ công, từ đó nâng cao hiệu quả công việc, giảm thiểu sai sót trong việc chăm sóc vật nuôi.

Các trang trại áp dụng công nghệ số, năng suất chăn nuôi đã tăng từ 10% đến 20% so với trước khi áp dụng; chi phí sản xuất giảm từ 15-20% trong khi doanh thu lên đến 18% -20%… – ông Lê Đắc Vinh

Nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi, thời gian tới, tỉnh nên xây dựng, nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số; tạo lập không gian mạng nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia chuyển đổi số; thu hút, liên kết các nền tảng số liên quan hỗ trợ chuyển đổi số trong chăn nuôi, góp phần xây dựng xã hội số; khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia các sàn giao dịch điện tử để trao đổi hàng hóa, dịch vụ phát triển sản xuất và tiêu thụ nông sản…

>> Năm 2024, giá trị sản xuất chăn nuôi của Thái Nguyên đạt trên 7.710 tỷ đồng, vượt7,7% kế hoạch, chiếm 47% giá trị sản xuất nội ngành Nông nghiệp của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh hiện có 1.255 trang trại chăn nuôi, trong đó có 183 trang trại, cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; 42 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận an toàn dịch bệnh.

Tùng Lâm

Nguồn: Báo Thái Nguyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *