Singapore tìm lối thoát khủng hoảng thực phẩm

(Người Chăn Nuôi) – Ðối với một quốc gia nhập khẩu 90% thực phẩm như Singapore, chỉ một lệnh cấm xuất khẩu gia cầm từ Malaysia đã khiến quốc đảo này rơi vào khủng hoảng. Tuy nhiên đây là lúc hàng loạt giải pháp ứng phó được kích hoạt.

Thách thức dai dẳng

Singapore nổi tiếng với ẩm thực đường phố và địa phương đa dạng, nhưng thực tế quốc đảo này đang phải đối mặt thách thức an ninh lương thực. Vấn đề cấp bách này gần đây đã trở thành tâm điểm của cả nước sau các lệnh cấm xuất khẩu thực phẩm gần đây, đặc biệt là lệnh cấm xuất khẩu thịt gà từ nước láng giềng Malaysia, nơi cung ứng 34% thịt gà cho thị trường Singapore. Mỗi tháng, Singapore nhập khẩu khoảng 3,6 triệu con gà sống, sau đó giết mổ và bảo quản lạnh.

Cuộc khủng hoảng cơm gà vừa mới xảy ra, nhưng nó báo hiệu thực trạng thiếu lương thực có nguy cơ diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Ấn Ðộ gần đây cũng hạn chế xuất khẩu lúa mỳ và đường; Serbia và Kazakhstan đã áp đặt hạn ngạch xuất khẩu ngũ cốc. Cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine; Chuỗi cung ứng đứt gãy do COVID-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn tại Trung Quốc và thời tiết khắc nghiệt đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu và kéo giá cả nhiều loại hàng hóa tăng cao.

gia cầm Singapore

Mỗi tháng, Singapore nhập khẩu khoảng 3,6 triệu con gà sống.

 

Gấp rút tìm nguồn cung mới

Trước những lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung thịt gà trên cả nước, ông Desmond Tan, Bộ trưởng Bộ nội vụ Singapore đã trấn an: Singapore dự kiến tiếp nhận thêm nhiều lô hàng thịt gà nhập khẩu từ các quốc gia khác trên thế giới. Do đó, các thành phố vẫn có khả năng duy trì nguồn cung ngay cả khi Malaysia ngừng xuất khẩu vào đầu tháng 6/2022. 

Theo ông Tan, nguồn cung thịt gà của Singapore vẫn ổn định nhờ phản ứng nhanh của các nhà nhà nhập khẩu, kênh phân phối và siêu thị khi phối hợp với Cơ quan thực phẩm Singapore. Giới chức cũng nhấn mạnh món cơm gà nổi tiếng của Singapore sẽ được ưu tiên hàng đầu nếu nguồn cung thịt tươi bị hạn chế.

Cơ quan thực phẩm Singapore cũng đang tiến hành đánh giá tài liệu và kiểm tra tại chỗ một số trang trại, lò mổ cơ sở chế biến và những vấn đề liên quan để đảm bảo nguồn cung từ Indonesia có thể đáp ứng được mọi yêu cầu trước khi bắt đầu xuất khẩu thịt gà sang Singapore. Bộ Nông nghiệp Indonesia cho biết, việc xuất khẩu gà sống hay đông lạnh, khối lượng và thời điểm xuất khẩu sẽ phụ thuộc vào kết quả của khảo sát. Indonesia chưa từng xuất khẩu sang Singapore và đến nay chỉ xuất khẩu trứng muối với khoảng 50.000 quả/tháng. Indonesia sản xuất 55 – 60 triệu con gia cầm/tuần, thặng dư 15 – 20% sau khi tiêu thụ nội địa, theo Achmad Dawami, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Indonesia. Tuy nhiên, thách thức hiện nay của Indonesia là thiếu kinh nghiệm vận chuyển gà sống trong khi Singapore lại cần nhập khẩu mặt hàng này.

Paul Teng, chuyên gia cao cấp Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Ðại học Công nghệ Nanyang, Singapore cho biết, tuy Singapore vẫn đang thực hiện tốt nhiệm vụ duy trì an ninh lương thực quốc gia, nhưng tương lai của đất nước vẫn chưa rõ ràng. Trước đây Singapore không chú trọng ngành nông nghiệp và nhập khẩu thực phẩm nhưng đến nay quốc đảo này đã phải “quay đầu” và bắt đầu tăng tốc sản xuất, đầu tư cho ngành nông nghiệp nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian.

Kế hoạch “30 đến 30” được xem là chiến lược giúp Singapore tự chủ 30% nguồn cung sản phẩm nông nghiệp và giúp quốc đảo vượt qua thời kỳ khủng hoảng thực phẩm nhưng không đủ thay thế hoàn toàn hàng nhập khẩu, ông Teng cho hay. 

Rahut cho biết, điểm yếu của Singapore là cố gắng đa dạng hóa hàng hóa nhập khẩu nhưng chỉ dựa vào 1 hoặc 2 quốc gia. Ví dụ, nhập khẩu 48% thịt gà từ Brazil và 34% từ Malaysia. Do đó, các chuyên gia đề xuất, Chính phủ cần đa dạng hóa nhập khẩu với các loại sản phẩm khác nhau, chẳng hạn như tìm thêm nguồn gà sống. Ðồng thời có thể khuyến khích nhiều công ty Singapore sản xuất thực phẩm ở nước ngoài và xây dựng các thỏa thuận với Chính phủ nước đó để đảm bảo sản phẩm không bị cấm xuất khẩu.

Theo ông Teng, giải pháp toàn cảnh là đảm bảo các quốc gia sản xuất, quốc gia xuất khẩu có thặng dư (thực phẩm) và Singapore có công nghệ giúp họ làm được điều đó.

>> Ông Dil Rahut, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Ngân hàng Phát triển châu Á cho rằng, Singapore là một cường quốc công nghệ nên có thể xem xét đầu tư vào các quốc gia khác cải thiện hệ thống sản xuất thực phẩm. Chiến lược này không chỉ giúp Singapore ổn định giá thực phẩm và an ninh lương thực ở phạm vi quốc gia mà còn trên toàn cầu.

Vũ Ðức (Tổng hợp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *