(Người Chăn Nuôi) – Đây là khẳng định của ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y tại Hội nghị giao ban ngành thú y mới đây. Bên cạnh đó, Cục Thú y sẽ ban hành Bộ tiêu chí cụ thể đối với các yêu cầu về vệ sinh thú y thú y, dịch bệnh, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, trình tự thủ tục nhằm xem xét đánh giá sản phẩm động vật từ các nước trước khi vào Việt Nam.
Thực hiện nghiêm nhưng vẫn còn bất cập
Công tác kiểm soát các sản phẩm nhập khẩu động vật, các sản phẩm động vật vào Việt Nam thời gian qua luôn được thực hiện rất chặt chẽ. Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, cho biết: Hiện nay, tại các cửa khẩu, bên cạnh việc kiểm tra hồ sơ, các mặt hàng đông lạnh có nguy cơ cao sẽ được tiến hành lấy mẫu 100%, hàng hóa có nguy cơ thấp sẽ áp dụng 5 lô lấy 1 lô để kiểm tra. Nếu các lô hàng này đáp ứng yêu cầu mới được phép vận chuyển vào Việt Nam và tiếp tục được giám sát về an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, nếu năm ngoái Việt Nam kiểm soát nhập lậu từ biên giới phía Bắc khá tốt thì việc nhập lậu gà, thịt gà loại thải, đặc biệt là gà đẻ hiện nay còn diễn ra phức tạp. Ước tính mỗi tuần, nhập lậu chính thức có khoảng 60.000 con gà đẻ loại thải từ biên giới Việt – Lào, trong số này đa phần có nguồn gốc từ Thái Lan. Điều này đã và đang đe dọa đến ngành chăn nuôi nói chung và ngành gia cầm trong nước nói riêng.
Cũng liên quan đến việc chống buôn lậu sản phẩm chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, thẳng thắn nêu ra một số bất cập. Đó là hiện nay chúng ta đang có Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam – Lào, trong đó quy định vật nuôi được sản xuất bởi người dân tại các huyện biên giới của Lào được miễn tất cả các loại giấy phép, miễn kiểm dịch khi vào Việt Nam. Quy định này có nguy cơ tạo kẽ hở và cần được sửa đổi để bảo đảm an toàn đối với sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu từ Lào về Việt Nam.
Tình trạng gà loại thải ồ ạt qua biên giới vào Việt Nam vẫn chưa được ngăn chặn. Ảnh: ST
“Ở trong nước, giữa tỉnh này và tỉnh kia đều yêu cầu phải kiểm dịch. Nhưng giữa Lào và Việt Nam lại miễn hết giấy tờ, vậy thì làm sao chúng ta ngăn được. Vì thế, chúng tôi đã tham mưu lãnh đạo Bộ NN&PTNT cử đầu mối làm việc với Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao khẩn trương sửa đổi Hiệp định này. Bởi nếu không cẩn thận các sản phẩm chăn nuôi đi lòng vòng qua nhiều nước rồi tập trung về Lào và vào Việt Nam thì không ngăn chặn được”, ông Long lo ngại.
Nỗ lực bằng nhiều giải pháp
Chưa đầy một năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 4 Công điện, Bộ NN&PTNT ban hành gần 50 văn bản liên quan tới vấn đề này. Chỉ tính riêng năm 2023, Cục Thú y đã ban hành 145 văn bản gửi 58 quốc gia liên quan đến xuất khẩu sản phẩm động vật vào Việt Nam, yêu cầu kiểm soát toàn diện các mặt hàng nhạy cảm, phức tạp. Trong 3 tháng đầu năm nay, Cục Thú y tiếp tục ban hành 120 văn bản đến 50 quốc gia liên quan, trong đó có quốc gia được phép xuất khẩu vào Việt Nam, có quốc gia đang trong quá trình đàm phán. Tất cả những nỗ lực này đều nhằm mục đích đảm bảo các sản phẩm khi vào Việt Nam đáp ứng an toàn cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Cục trưởng Nguyễn Văn Long cũng cho rằng cần sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, như Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, trong đó cho phép định kỳ, đột xuất đi thanh tra, kiểm tra dịch bệnh; bổ sung chỉ tiêu an toàn thực phẩm vào sản phẩm nhập khẩu.
Từ tháng 4/2024, Cục Thú y sẽ tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp nhập khẩu động vật, các sản phẩm động vật vào Việt Nam.
Không chỉ vậy, để kiểm soát chặt các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu, thời gian tới Cục Thú ý sẽ hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung các Thông tư về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn; trình Bộ ban hành. Tiếp tục xây dựng, quản lý, vận hành, sử dụng Hệ thống trực tuyến báo cáo, quản lý số liệu kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu. Ngoài ra, tham mưu Bộ xem xét phê duyệt văn bản chỉ đạo chấn chỉnh, kiểm soát chặt chẽ việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu (nhất là các phụ phẩm), nhập khẩu để gia công, chế biến xuất khẩu; tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, kho ngoại quan, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam. Tham mưu Bộ NN&PTNT các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương báo cáo số liệu kiểm dịch xuất khẩu, nhập khẩu đảm bảo chất lượng, đúng thời gian quy định.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương xác định nguồn gốc động vật trong thực hiện kiểm dịch vận chuyển; thực hiện nghiêm việc kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật theo quy định của pháp luật về thú y; Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương xác định nguồn gốc động vật trong thực hiện kiểm dịch vận chuyển; thực hiện nghiêm việc kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật theo quy định của pháp luật về thú y.
Cùng đó, Cục Thú y sẽ tổ chức kiểm soát chặt chẽ các lô hàng nhập khẩu tại cửa khẩu. Duy trì quy định về việc để hàng hóa tại cửa khẩu đối với sản phẩm động vật đông lạnh đến khi có kết quả kiểm dịch đạt yêu cầu. Hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị thuộc Cục và các doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc cấp phép trực tuyến; Tổ chức các đoàn đi đánh giá nguy cơ nhập khẩu…
Thùy Khánh