Đưa thức ăn chăn nuôi vào diện bình ổn giá
Hiện nay, tổng nhu cầu thức ăn tinh (ngô, khô dầu đậu tương, cám, bột cá) cho toàn ngành chăn nuôi Việt Nam khoảng 33 triệu tấn/năm. Trong đó, nguồn cung trong nước khoảng 13 triệu tấn/năm và nhập khẩu trung bình 20 – 22 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mỗi năm.
Có tới 65% lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, thời gian qua, giá thức ăn chăn nuôi nhiều biến động. Giai đoạn 2020 – 2022, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng liên tiếp tới 7 lần. Trước thực tế này, nhiều đơn vị đề xuất đưa thức ăn chăn nuôi vào nhóm mặt hàng bình ổn giá.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho biết, chi phí thức ăn chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành chăn nuôi. Sau khi dịch COVID-19 bùng phát và trong bối cảnh xung đột địa chính trị thế giới, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thế giới tăng liên tiếp ảnh hưởng đến giá thức ăn chăn nuôi trong nước. Trên cơ sở đánh giá thực tế và ý kiến của một số đại biểu, cử tri, Luật Giá (sửa đổi) bổ sung thức ăn chăn nuôi vào Danh mục hàng bình ổn giá.
Đưa vào diện bình ổn giá, sẽ có “van điều tiết” giá thức ăn chăn nuôi (Ảnh minh họa)
Theo ông Tiến, bình ổn giá là biện pháp nhằm ổn định giá trong trường hợp mặt bằng giá thị trường có biến động bất hợp lý. Khi đưa vào danh sách mặt hàng bình ổn giá, sẽ có 5 biện pháp để gián tiếp và trực tiếp ổn định giá thức ăn chăn nuôi. Cụ thể, điều hòa cung cầu bao gồm: Điều hòa sản xuất hàng hóa trong nước, hàng hóa xuất, nhập khẩu; Điều hòa hàng hóa giữa các vùng, địa phương trong nước thông qua tổ chức lưu thông hàng hóa; Mua vào hoặc bán ra hàng dự trữ quốc gia, hàng dự trữ lưu thông. Biện pháp về tài chính, tiền tệ phù hợp quy định của pháp luật. Định giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu hoặc khung giá phù hợp tính chất của từng loại hàng hóa, dịch vụ. Áp dụng biện pháp hỗ trợ về giá phù hợp quy định của pháp luật và điều ước quốc tế. Sử dụng quỹ bình ổn giá trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ đã được lập quỹ bình ổn giá.
Tổng nhu cầu thức ăn tinh (ngô, khô dầu đậu tương, cám, bột cá) toàn ngành chăn nuôi Việt Nam khoảng 33 triệu tấn/năm. Trong đó, nguồn cung trong nước khoảng 13 triệu tấn/năm và nhập khẩu trung bình 20 – 22 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mỗi năm.
“Khi Chính phủ quyết định chủ trương bình ổn giá, các bộ, cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực có trách nhiệm chủ trì triển khai kiểm tra yếu tố cấu thành giá hoặc đánh giá chi phí sản xuất, hàng tồn kho để xác định nguyên nhân của biến động giá cả. Từ đó áp dụng biện pháp bình ổn giá phù hợp, nhằm gián tiếp bình ổn giá”, ông Tiến nói.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, giá nguyên liệu thức ăn đã giảm. Chỉ có đậu tương và ngô chịu thuế 2-3%. Vì vậy, khi giá giảm, đưa thức ăn chăn nuôi vào nhóm mặt hàng bình ổn giá sẽ không có tác dụng nhiều. Để ngành chăn nuôi phát triển, cơ quan chức năng tạo chính sách hỗ trợ chuỗi liên kết, gắn người chăn nuôi nhỏ lẻ, trang trại vào chuỗi liên kết và đứng đầu chuỗi là doanh nghiệp lớn.
Cần giảm thủ tục hành chính nhập khẩu
Để tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi phát triển, ông Nguyễn Xuân Dương đề xuất, cơ quan chức năng cần đơn giản thủ tục hành chính về kiểm soát chất lượng, kiểm soát chất lượng thức ăn chăn nuôi để giảm chi phí. Theo ông Dương, cơ quan chức năng cần giảm bớt thủ tục hành chính trong kiểm tra, tiêu chuẩn quy chuẩn kiểm dịch. Đây là mấu chốt để giảm giá thức ăn chăn nuôi.
“Trong thời kỳ hội nhập, chúng ta không thể dùng hàng rào thuế quan để ngăn nhập khẩu. Chúng ta phải có hàng rào kỹ thuật, với tiêu chuẩn phù hợp để hạn chế mặt hàng trong nước đã có, không để ồ ạt nhập khẩu bên ngoài. Nếu không kiểm soát tốt xuất nhập khẩu, ngành chăn nuôi trong nước không còn thị trường”, ông Dương cho biết.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá, chăn nuôi là ngành quan trọng trong nông nghiệp. Trong đó, thức ăn chăn nuôi tác động lớn đến hiệu quả ngành chăn nuôi. Khi đưa mặt hàng này vào diện bình ổn giá sẽ giúp giá thức ăn chăn nuôi khi biến động lớn sẽ được điều chỉnh, giảm bớt căng thẳng tới người chăn nuôi, doanh nghiệp.
“Ngoài giải pháp từ giảm thuế phí, để giảm giá thức ăn chăn nuôi góp phần giúp người chăn nuôi, doanh nghiệp vượt qua khó khăn phải tìm cách cắt giảm chi phí lưu thông, phân phối hàng hóa qua việc cắt giảm triệt để hơn nữa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện kết nối cung cầu là khả thi nhất. Việc đưa thức ăn chăn nuôi vào hàng bình ổn giá sẽ có “van điều tiết” khi giá thức ăn chăn nuôi biến động lớn”, ông Long nói.