Nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (CNC), tỉnh Bắc Giang đã có những chính sách ưu tiên, hỗ trợ hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác nông nghiệp. Những mô hình sản xuất nông nghiệp CNC xuất hiện ngày càng nhiều giúp nông dân tăng thu nhập, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Đến thăm trang trại nuôi gà đẻ trứng của anh Nguyễn Tiến Mạnh (SN 1980), Giám đốc HTX Gia cầm Mạnh Ngân, bản Rừng Dài, xã Tam Tiến (Yên Thế) giữa đợt nắng nóng đặc biệt gay gắt, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi khu vực chăn nuôi được xây dựng khang trang, bài bản.
Mô hình chăn nuôi gà đẻ trong chuồng lạnh của anh Nguyễn Tiến Mạnh
Giữa khu rừng keo xanh tốt, anh Mạnh xây 1,2 nghìn m2 chuồng trại kiên cố, việc chăm sóc 7 nghìn gà đẻ trứng cũng tự động hóa, từ cho gà ăn uống đến hệ thống quạt mát. Môi trường sạch sẽ và thoáng mát. Để bảo đảm nhiệt độ phù hợp cho gà đẻ trứng, anh lắp đặt hàng chục quạt thông gió, nhiệt độ trong chuồng luôn ở mức 25 độ C.
Hệ thống quạt được kết nối với bộ cảm ứng, tự động bật, tắt tùy theo nhiệt độ ngoài trời; các thiết bị này được kết nối với điện thoại thông minh để theo dõi, điều chỉnh nhiệt độ phù hợp. “Từ khi áp dụng mô hình nuôi gà đẻ trứng theo hướng hiện đại, tỷ lệ ấp nở thành công luôn đạt hơn 90%, gà giống khỏe mạnh hơn. Toàn bộ quy trình chăm sóc đều khép kín nên gà lớn nhanh và hầu như không bị bệnh” – anh Mạnh nói.
Sau 5 năm (2016 – 2020), thực hiện Nghị quyết số 130-NQ/TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh ứng dụng CNC tái cơ cấu nông nghiệp, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng 766 mô hình nông nghiệp CNC, có liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, an toàn thực phẩm. Đáng chú ý tại hầu hết các lĩnh vực đều xuất hiện những mô hình phát huy hiệu quả.
Ví như mô hình xử lý nước thải sau biogas bằng công nghệ Wetland tại trang trại chăn nuôi của gia đình anh Dương Đức Việt, thôn Nguộn, xã Thượng Lan (Việt Yên). Để tận dụng chất thải, hạn chế mùi hôi, tại khu vực chăn nuôi, anh xây dựng mô hình xử lý chất thải sau biogas bằng công nghệ Wetland. Nước thải sau biogas được chảy xuống bể và qua các ngăn lọc đến bể chứa, tận dụng làm nước tưới cho vườn cây ăn quả và định kỳ xả xuống ao nuôi cá.
Hay như ông Hoàng Văn Thuận, thôn Ngòi Lan, xã Lan Giới (Tân Yên) phá bỏ toàn bộ phần bể tắm trong chuồng, dừng việc tắm cho lợn; đồng thời cải tạo, thay mới hệ thống cung cấp nước uống, máng ăn; lắp đặt cửa xê, bên ngoài có gắn lưới inox.
Theo ông Thuận, việc hạn chế tắm cho lợn vừa đỡ tốn nước, vừa giúp phòng dịch bệnh lại bảo đảm 100% thức ăn được nạp vào cơ thể vật nuôi phục vụ quá trình tăng trưởng; cửa xê có gắn lưới inox sẽ giúp việc mở cửa thuận lợi hơn trong điều kiện mất điện để lấy gió trời mà không lo ruồi, muỗi, các loại côn trùng xâm nhập.
Tương tự, cùng với hệ thống nhà lưới, nhà màng và khu sơ chế với diện tích 25 ha được trang bị các cảm biến và hệ thống tưới nước, bón phân tự động kết nối với máy tính, HTX Rau sạch Yên Dũng đầu tư một số dây chuyền công nghệ trong sản xuất và sơ chế như kho lạnh, hệ thống tưới và bón phân tự động.
Thực tế cho thấy, việc ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp đã được các hộ, nhất là tại các trang trại, HTX thực hiện từ nhiều năm nay. Nhờ đưa công nghệ hiện đại vào các khâu đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm chi phí, nhân công lao động và đặc biệt an toàn dịch bệnh, hạn chế rủi ro.
Mới đây, trước thách thức trong tiêu thụ vải thiều do ảnh hưởng của dịch bệnh, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) nghiên cứu ứng dụng màng sinh học chitosan kết hợp với saponin và axit axetic trong bảo quản tươi quả vải thiều ở điều kiện nhiệt độ bình thường. Với phương thức này sẽ kéo dài thời gian bảo quản quả vải thiều tươi từ 10 – 15 ngày ở điều kiện nhiệt độ thường mà vẫn giữ được màu sắc, độ tươi và giá trị dinh dưỡng.
Mặc dù vậy, qua khảo sát, hầu hết các chủ thể đều gặp những khó khăn nhất định trong duy trì, vận hành công nghệ cũng như ứng dụng những giải pháp mới vào sản xuất. Ví như HTX Dịch vụ nông nghiệp Thảo Mộc Linh, thị trấn Tây Yên Tử (Sơn Động) không chủ động được nguồn nguyên liệu nên chưa mạnh dạn đầu tư công nghệ.
Tương tự, HTX Sản xuất, thương mại và dịch vụ Organic, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) dù đã ứng dụng một số hạ tầng CNC có thể gắn với các cảm biến để tự động hóa trong quá trình sản xuất, quản lý song do không chủ động được nguồn nguyên liệu nên việc khai thác công nghệ chưa triệt để.
Tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, Liên minh HTX tỉnh đang xây dựng Đề án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý, điều hành hoạt động của HTX trên địa bàn”. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Nghị quyết số 44 ngày 9/12/2020 của HĐND tỉnh về hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Theo đó, trong năm 2021 sẽ triển khai thực hiện 2 chuỗi hỗ trợ trong chăn nuôi lợn tại huyện Hiệp Hòa và Lục Nam với quy mô khoảng 1 nghìn con/chuỗi.
Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Trên cơ sở những cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, ngành nông nghiệp phối hợp với chính quyền các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX về mặt bằng, vốn. Đồng thời tiếp tục triển khai các phương án xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tăng cường liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ nông sản để nông dân yên tâm sản xuất, góp phần thúc đẩy nông nghiệp CNC của tỉnh phát triển”.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Nguồn: Báo Bắc Giang